Nợ công ở châu Âu và bài học về quản lý nhà nước
Diễn biến cuộc khủng hoảng nợ công ở Eurozone vẫn đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, nhất là cách thức khắc phục. Đối với Việt Nam, cuộc khủng hoảng trên tác động thế nào, chúng ta thấy được bài học nào qua đó? Bài viết của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong sẽ nêu một góc nhìn trong vấn đề này.
Nguyên nhân, hậu quả và khuyến nghị giải pháp cho cuộc khủng hoảng
Bên cạnh những lý do khác biệt và diễn biến khác nhau đối với từng quốc gia cụ thể, song có thể nói, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu hiện nay có chung nguyên nhân chủ yếu như là hệ quả của việc tăng chi, giảm thu ngân sách nhà nước (do cuộc khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu khởi đầu từ Mỹ năm 2008) và hiện vẫn đang tiếp diễn với nhiều động thái đầy kịch tính.
Hơn nữa, cuộc khủng hoảng này còn có nét chung như là tác động nhân quả của chính sách chi tiêu công thiếu kiểm soát chặc chẽ và thiếu minh bạch trong từng quốc gia, cũng như của những khuyết tật bộc phát ngay trong cơ chế nội bộ của tổ chức liên kết kinh tế-tiền tệ khu vực vốn được coi là lớn mạnh và thành công nhất hành tinh này.
Những bất đồng về nhận diện nguyên nhân, sự chưa thống nhất về quan điểm, chính sách giải cứu và lo ngại về nợ công và triển vọng Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã khiến các thị trường Mỹ, châu Âu và toàn thế giới thăng trầm khó lường với xu hướng suy giảm ngày càng đậm nét.
Cùng với áp lực đang gia tăng từ thất nghiệp, thâm hụt NSNN và chi tiêu công, cũng như sự mất giá của trái phiếu chính phủ, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã làm tổn thất hàng ngàn tỷ USD thu nhập tài chính của các nước thành viên EU, làm suy giảm nặng nề thêm nền kinh tế khu vực, cũng như thị trường tài chính-tiền tệ khu vực và thế giới, khiến nhiều chính trị gia mất ghế, gây nhiều tranh cãi và những chi phí giải cứu tốn kém hàng trăm tỷ Euro.
Mặc dầu Hội nghị G 20 mới rồi với nhiều lời cam kết từ các nhà lãnh đạo sẽ điều phối các chính sách kinh tế, tập trung vào nỗ lực tạo công ăn việc làm, đảm bảo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) có đủ vốn để hỗ trợ các nước đang gặp khủng hoảng. Tuy nhiên, những giải pháp và cam kết là thiếu cụ thể và cũng không có quốc gia nào ngoài Eurozone muốn góp tiền tham gia giải cứu khủng hoảng nợ công châu Âu như kỳ vọng...
Trong bối cảnh chung ấy, Tổng giám đốc IMF, bà Christine Lagarde cũng đã cảnh báo nếu không hành động tập thể khẩn cấp, thế giới có thể bị rơi vào vòng xoáy suy thoái, bất ổn định tài chính, và phải đối mặt với một thập kỷ thất bại với tăng trưởng thấp và thất nghiệp cao.
Vì vậy, bà Lagarde cho rằng, các nền kinh tế phát triển có trách nhiệm phải hành động. Các nền kinh tế mới nổi cần chuyển sang kích thích nhu cầu trong nước để tăng trưởng, vừa có lợi cho nền kinh tế trong nước, vừa lợi cho kinh tế toàn cầu. Một số nền kinh tế mới nổi cần tăng cường khuôn khổ kinh tế vĩ mô và không gian tài chính để bảo vệ sự ổn định tài chính và đối phó hiệu quả với dòng vốn nước ngoài dễ biến động.
Những bài học hữu ích về quản lý nhà nước
Đối với Việt Nam, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu ít nhiều có tác động trực tiếp và gián tiếp, trước mắt và cả lâu dài đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội-chính trị đất nước, nhưng đồng thời cũng cho chúng ta những bài học quý báu.
Một mặt , những khó khăn thị trường và tài chính từ các nước EU đang gặp khủng hoảng - với tư cách đối tác thương mại và thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu - có thể làm thu hẹp khả năng xuất khẩu các hàng hóa, dịch vụ, lao động và do đó, làm thu hẹp nguồn thu nhập ngoại tệ từ xuất khẩu, kiều hối và dòng FDI, giảm bớt một số nguồn động lực và cơ hội phát triển, mở rộng xuất khẩu của Việt Nam…; Mặt khác , thực tiễn của cuộc khủng hoảng giúp chúng ta rút ra những bài học cảnh tỉnh cần thiết về yêu cầu quản lý nhà nước trong quá trình phòng ngừa và vượt qua khủng hoảng, trong đó có sự minh bạch thông tin, quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư công, duy trì hiệu lực, hiệu quả các giám sát vĩ mô, bảo đảm các yêu cầu an sinh xã hội và tìm kiếm, phối hợp các nguồn lực cho phát triển đất nước theo yêu cầu phát triển bền vững…
Đặc biệt, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu đã củng cố quyết tâm tái cấu trúc kinh tế nói chung, đầu tư công của Việt Nam nói riêng, theo hướng về dài hạn, cần chủ động giảm thiểu dần đầu tư công, tăng đầu tư ngoài ngân sách nhà nước trong tổng đầu tư xã hội; chuyển trọng tâm đầu tư công ra ngoài lĩnh vực kinh tế, để tập trung vào phát triển các lĩnh vực hạ tầng và xã hội; phòng ngừa và giảm thiểu những hoạt động đầu tư công gắn với sự chi phối của ý chí chủ quan và ngắn hạn, "tư duy nhiệm kỳ", bệnh thành tích, hay "lợi ích nhóm".
Chúng ta cũng cần có sự đổi mới quy trình và tiêu thức phù hợp và chuẩn hóa để tạo căn cứ lựa chọn và thông qua các dự án đầu tư theo lĩnh vực và yêu cầu đầu tư, mục tiêu kinh tế-xã hội, môi trường, cũng như các lợi ích quốc gia và địa phương, ngành, cụ thể và dài hạn, có phân biệt 2 loại mục tiêu và 2 loại tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư công-đầu tư vì lợi nhuận và đầu tư phi lợi nhuận, khắc phục sự nhập nhằng giữa nguồn vốn hoạt động vì lợi nhuận với nguồn vốn hoạt động phi lợi nhuận, cũng như giữa trách nhiệm xã hội của các tập đoàn kinh tế nhà nước đối với ổn định kinh tế vĩ mô với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, dễ dẫn đến đầu tư của tập đoàn vừa bị phân tán, vừa dễ bị lạm dụng, kém hiệu quả.
Tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, kể cả cổ phần hóa toàn tổng công ty; giảm, thu hẹp tỷ trọng và giảm thiểu số lượng doanh nghiệp mà Nhà nước giữ cổ phần chi phối, chỉ duy trì doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong những ngành, lĩnh vực mà nhà nước cần độc quyền, giữ vị trí then chốt của nền kinh tế và các lĩnh vực mà doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân không hoặc chưa muốn, chưa có khả năng tham gia.
Ưu tiên xây dựng các mô hình tập đoàn kinh tế đa sở hữu, với vai trò nòng cốt là doanh nghiệp nhà nước, đảm nhận vai trò chủ lực trong nền kinh tế, được vận hành theo đúng quy luật kinh tế trên cơ sở sự tự nguyện thoả thuận liên kết, hợp tác giữa các pháp nhân độc lập; ủng hộ thành lập tập đoàn kinh tế tư nhân.
Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính (Hội nghị TW 3 yêu cầu hoàn thành trước năm 2015) và tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô.
Nghiên cứu chỉnh sửa giảm tỷ trọng xuống dưới 10%, thậm chí bãi bỏ sớm quy định hiện nay về cho phép doanh nghiệp nhà nước được phép đầu tư “trái ngành” tối đa 30% tổng nguồn vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, mức vốn đầu tư công ty nhà nước không được vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng mức vốn góp của công ty mẹ và công ty con trong tổng công ty, tập đoàn không vượt quá mức 30% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn…
Khuyến khích phát triển tập đoàn đa sở hữu, cổ phần và tiêu chuẩn hóa quản trị doanh nghiệp theo yêu cầu phòng tránh rủi ro cao. Đặc biệt, cần đảm bảo tính ổn định hệ thống, chủ động phòng ngừa các tác động mặt trái, những cái “bẫy” nợ nần và hiệu quả thiết thực trong quá trình tái cấu trúc trong cả khu vực doanh nghiệp, cũng như khu vực tài chính- ngân hàng.
Ngoài ra, còn cần chú ý xử lý tốt các vấn đề liên quan đến mua bán sáp nhập doanh nghiệp, bảo hiểm thất nghiệp, an sinh xã hội…/.
Nguyễn Minh Phong
Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội
Chính phủ
|