Vốn TPCP căn cứ vào đầu tư hiệu quả
Trong tuần này, một trong những nội dung được dự báo có nhiều đại biểu quan tâm khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ là bội chi ngân sách và đầu tư công hiệu quả. Trong đó, chi tiêu hiệu quả nguồn vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) và nợ công có thể tiếp tục “nóng” trên bàn nghị sự. Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, đại biểu Quốc hội TPHCM phân tích:
|
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch |
- Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về TPCP giai đoạn 5 năm tới là 225.000 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa so với nhu cầu Chính phủ trình ra. Tuy nhiên, việc thực hiện nguồn vốn này trong thời gian qua vẫn bị đánh giá là kém hiệu quả, khâu kiểm soát chưa tốt.
Vấn đề này đã được Quốc hội mổ xẻ rất rõ và giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ. Theo đó phải thay đổi phương thức phân bổ đầu tư, thiết lập dự án đầu tư. Nếu làm như hiện nay (năm 2011 cả nước có 20.000 dự án đầu tư, hơn 15.000 dự án chuyển tiếp và gần 5.000 dự án mới) chúng ta không thể nào kiểm soát được.
Cách làm dự án hiện nay là bộ, ngành, địa phương có nhu cầu gì đưa lên sau đó mới tiến hành rà soát lại là không ổn. Chúng ta phải định rõ từ trên và định hướng trước, ưu tiên ngành nào, địa phương nào, để Quốc hội thảo luận rồi công bố.
Riêng về 225.000 tỷ đồng TPCP cho giai đoạn 2011-2015, trung bình mỗi năm 45.000 tỷ đồng nhiều hay ít, theo tôi còn tùy thuộc vào việc sử dụng số vốn này. Nếu làm ăn lãng phí, không hiệu quả thì lượng vốn này không biết bao nhiêu cho vừa.
Nhưng mức 45.000 tỷ đồng/năm mà làm ăn hiệu quả, đầu tư hợp lý đúng như yêu cầu của Quốc hội thì không phải nhiều. Do đó vấn đề đặt ra không phải vốn TPCP cho 5 năm là nhiều hay ít, mà làm sao sử dụng cho hiệu quả, giám sát cho chặt.
Sau kỳ họp này, các cơ quan chức năng của Quốc hội cần tiếp tục giám sát thực thi. Hơn nữa trong vấn đề phân bổ TPCP còn một công đoạn là danh mục đầu tư, phải trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội chứ không phải lấy tiền đó rồi muốn làm thế nào thì làm.
PHÓNG VIÊN: - Vốn TPCP chưa được đưa vào nợ công quốc gia. Nghị quyết của Quốc hội đưa ra nợ công không vượt quá 65% GDP. Vậy trong đó có bao gồm TPCP?
Ông TRẦN DU LỊCH: - Đây là phương pháp tính. Bản thân tôi và nhiều đại biểu đề nghị phải thay đổi phương pháp tính cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Thông lệ quốc tế tính bội chi ngân sách không tính phần nợ gốc phải trả, nhưng hiện nay chúng ta cộng cả phần này vào.
Thí dụ năm 2011, cả lãi và gốc là 100.000 tỷ đồng; năm 2012 chúng ta cũng tính trong phần chi ngân sách, rồi bỏ TPCP ra. Bộ Tài chính giải trình rằng nếu tính như quốc tế, loại bỏ phần nợ gốc phải trả, không nằm trong bội chi, nhưng lại cộng TPCP vào cũng nằm ở mức tương đương. Vì vậy, vấn đề này liên quan đến cách tính chứ không phải so sánh GDP.
Nhưng vấn đề kỳ họp này của Quốc hội quan tâm là bội chi đó đầu tư vào ngành nào, lĩnh vực nào và đầu tư này có mang lại hiệu quả hay không. Cũng như vấn đề nợ công 60 hay 65% GDP, tôi cho đó là ngưỡng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là vay đó để làm gì, nguồn trả ra sao, hàng năm phải tính.
Tôi cũng đang chờ chiến lược nợ 10 năm cho minh bạch, rõ ràng, đặc biệt là phải tính dòng tiền hàng năm phải trả so với cả khả năng nguồn thu ngân sách.
- Trong 3 đột phá Quốc hội, Chính phủ đề ra có đột phá về hạ tầng. Nhưng trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp như hiện nay, theo ông 3 đột phá phải tiến hành song song hay vẫn cần phải ưu tiên khâu nào làm trước?
- Tôi cho rằng việc bội chi ở mức độ 4,5% GDP cho đầu tư là cần thiết trong một số năm để chúng ta phát triển hạ tầng kỹ thuật xã hội. Tuy nhiên, vấn đề rất quan trọng trong tái cấu trúc đầu tư công là nên đặt chỉ tiêu.
Đó là tỷ lệ vốn ngân sách so với vốn xã hội hàng năm làm sao để tỷ lệ ngân sách nhà nước đầu tư có thể tăng về tuyệt đối nhưng so với tỷ lệ huy động xã hội phải giảm. Như vậy, vốn Nhà nước (tạm gọi là vốn mồi) làm cho thu hút xã hội cao hơn. Trên nền tảng đó để chúng ta phân bố và chọn các dự án đầu tư.
- Xin cảm ơn ông.
Nhị Hà
Sài Gòn Đầu tư Tài Chính
|