Đón sóng đầu tư từ Nhật
Doanh nghiệp Nhật đang mở nhiều cuộc xúc tiến đầu tư sang Việt Nam trong áp lực chuyển hướng nhà máy ra nước ngoài vì rủi ro thiên tai và chi phí lao động trong nước tăng cao. Ngoài ra cơn lũ lịch sử ở Thái Lan đang khiến cho nhiều doanh nghiệp Nhật xem xét lại chiến lược đầu tư, trong đó có việc chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam.
Các doanh nghiệp Nhật đến tìm hiểu các khu công nghiệp (KCN) cũng như đầu tư mở nhà máy tăng mạnh trong thời gian gần đây. “Liên tục có các đoàn doanh nghiệp Nhật tới TP.HCM, tìm tới cơ quan Xúc tiến thương mại của Nhật (JETRO), hoặc thông qua các công ty tư vấn để tìm địa điểm mở nhà máy. Câu cửa miệng mà họ thường hỏi gần đây là: ở đây có bị ngập lụt không?”, ông Thân Thanh Vũ, chủ tịch công ty tư vấn đầu tư Sao Khuê cho biết.
Tác động từ cơn lũ Thái Lan
Hàng loạt nhà đầu tư Nhật tại Thái Lan, trong đó có Honda, Canon, Nissan, Hitachi, Toshiba… đang ngưng sản xuất do ảnh hưởng trận lụt lịch sử 70 năm tại nước này gây ra, theo một báo cáo mới nhất của hãng tin Bloomberg. Nhật là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Thái Lan, một số công ty Nhật đã đánh tiếng rằng họ có thể phải chuyển cơ sở sản xuất sang nước khác nếu cơ sở hạ tầng tại Thái Lan không được cải thiện.
Thực ra trước khi Thái Lan gặp trận lũ thì việc đưa cơ sở sản xuất sang Việt Nam đã được các công ty Nhật tính đến trong chiến lược phát triển lâu dài. Chi phí sản xuất tại Trung Quốc hiện đã trở nên đắt đỏ hơn. Ở trong nước thì doanh nghiệp Nhật đối mặt với đồng yen lên giá, chi phí lao động tăng cao, cộng với thiên tai xảy ra gần đây. Không chỉ Việt Nam mà Indonesia cũng là địa điểm đầu tư đang được ưa chuộng.
Theo ông Vũ, qua tiếp xúc với nhiều công ty Nhật, ngoài những yếu tố về chi phí thì các công ty Nhật thích đầu tư vào Việt Nam còn do những điểm tương đồng về văn hoá.
Tìm môi trường cộng sinh
Các đối tác Nhật cũng sớm đón nhu cầu của các doanh nghiệp mình nên đầu tư vào các KCN, như Sojitz, Daiwa House và Kobelco Eco-Solutions đầu tư 100 triệu USD vào KCN Long Đức ở Đồng Nai nhằm thu hút 100 – 150 doanh nghiệp Nhật. Tập đoàn Jesco chuyên về đầu tư hạ tầng tuần rồi công bố góp vốn phát triển KCN Long Hậu 4 tại Long An và hợp tác khai thác thị trường Nhật. Itochu cũng đã chọn Bà Rịa – Vũng Tàu để mở KCN chuyên cho doanh nghiệp Nhật, các công ty khác như Sumimoto, Fujitsu… cũng đang chọn hình thức đầu tư này. Các đối tác Nhật cũng đang tìm đến những vị trí có nhiều thuận lợi như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bình Dương…
Tổ chức hợp tác quốc tế Nhật (JICA) hiện đang có quỹ giúp các KCN Việt Nam nâng cấp cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Nhật, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, mở nhà máy. JICA hỗ trợ vốn làm luận chứng, xử lý nước thải, môi trường với mức vay đến 80% tổng đầu tư với lãi suất ưu đãi bằng đồng yen.
Ông Phan Văn Chính, trưởng phòng đầu tư công ty IDICO, một công ty chuyên xây dựng KCN thuộc bộ Xây dựng, nhận định mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật tăng hơn so với trước đây. Các doanh nghiệp tìm đến KCN của IDICO chủ yếu về công nghiệp nặng và công nghiệp phụ trợ. Bà Trần Thị Hường, giám đốc sở Công thương Bà Rịa – Vũng Tàu, trưởng đoàn xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp Nhật, cũng cho biết tỉnh này mới có chuyến xúc tiến đầu tư với doanh nghiệp tỉnh Kawasaki và nhận thấy doanh nghiệp Nhật rất quan tâm đến chính sách khuyến khích đầu tư cho công nghiệp phụ trợ của Việt Nam gần đây.
Bà Hường cũng cho biết Chính phủ đã cho phép tỉnh này thành lập KCN chuyên sâu về công nghiệp hỗ trợ. Hiện tỉnh đang hướng quy hoạch lại nhà xưởng theo chuỗi ngành liên kết với nhau và phân cụm phù hợp như cơ khí, nhựa, điện tử… để dễ dàng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư Nhật.
Dọn nhà… đón khách
Các công ty tư vấn đầu tư nhận xét rằng mặc dù mối quan tâm của doanh nghiệp Nhật đang tăng, nhưng cơ sở hạ tầng Việt Nam có đủ đáp ứng nhu cầu và khiến nhà đầu tư yên tâm hay không là chuyện khác. Theo TS Võ Trí Thành, phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Việt Nam dự kiến khoảng 4 – 5 KCN dành cho các nhà đầu tư Nhật. Nhật đầu tư với kỳ vọng tập trung vào các KCN riêng, trong đó có những cụm chuyên dành cho khối doanh nghiệp nhỏ. Những biến động thị trường đang đưa nhiều doanh nghiệp Nhật đến Việt Nam, nhưng việc nâng tầm quan hệ đối tác đầu tư Việt – Nhật là cam kết quan trọng sẽ giúp thu hút dòng FDI từ Nhật trong giai đoạn tới.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng dòng vốn FDI từ Nhật vào Việt Nam đang gặp thuận lợi nên có thể tăng mạnh, vì các công ty Nhật muốn tìm các dịch vụ trợ giúp, sau khi nhiều doanh nghiệp bị tàn phá do thiên tai và sự cố hạt nhân dẫn đến thiếu điện và phải di dời nhà máy. Dòng vốn FDI vẫn luôn đi tìm nơi đầu tư tốt, vấn đề là trong nước đáp ứng như thế nào. Trong chiến lược thu hút FDI sắp tới liệu có tạo được thể chế tốt nhất để đón nhận các cơ hội cùng với việc giải quyết được những thách thức về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và đội ngũ doanh nghiệp trong nước.
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thuý, chuyên viên nghiên cứu về thu hút FDI vào KCN thuộc diễn đàn Phát triển Việt Nam, doanh nghiệp Nhật đầu tư ra nước ngoài có xu hướng cộng sinh để tận dụng sức mạnh của nhau. Yếu tố quyết định việc lựa chọn địa điểm của doanh nghiệp Nhật là thị trường trong nước lớn và có sự tích tụ công nghiệp – nghĩa là những nơi có nhiều doanh nghiệp Nhật hoạt động.
Đặc biệt những KCN dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) còn đòi hỏi tính chất đặc thù vì khối SME không có nhiều quyền thoả thuận và kinh nghiệm quốc tế, gặp trở ngại lớn hơn về tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác trong khi nhạy cảm hơn với hoàn cảnh sở tại. Bà Thuý nói: “Thông thường SME cần được quan tâm nhiều hơn nếu muốn mời đầu tư. Các nhà phát triển KCN làm sao tạo ra một hệ thống hạ tầng cứng lẫn mềm, cải thiện năng lực marketing để thu hút nhà đầu tư vào KCN mình”.
Lan Anh – Tuyết Ân
sài gòn tiếp thị
|