Thứ Sáu, 18/11/2011 10:26

Dự báo CPI Hà Nội tháng Tết tăng từ 0,5%-0,7%

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Đồng – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội trong cuộc trao đổi với báo giới xung quanh công tác chuẩn bị hàng hóa cho Tết Nguyên đán 2012.

Xin ông cho biết điểm khác biệt của công tác chuẩn bị hàng hóa Tết 2012 so với Tết 2011?

Nhu cầu hàng hóa của người dân ngày càng cao, chất lượng, chủng loại hàng hóa ngày càng đa dạng, phong phú, phương thức kinh doanh của các doanh nghiệp cũng luôn biến đổi, do đó công tác chuẩn bị hàng hóa mỗi dịp Tết tất yếu có những nét khác nhau. Năm nay, ngay từ sớm, chúng tôi đã triển khai kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo đủ hàng, có chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng hóa phải hướng tới nhu cầu của các tầng lớp dân cư khác nhau, ví dụ: gạo thì có gạo ngon, gạo bình dân...

Năm nay, việc chuẩn bị hàng Tết còn được lồng ghép với nhiều chương trình thiết thực khác như phối hợp với công tác bán hàng bình ổn giá, gắn với cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Các doanh nghiệp sẽ tổ chức tốt việc bán hàng lưu động, đưa đến nông thôn, ngoại thành, khu công nhân, khu chế xuất trước khi công nhân nghỉ Tết. Tổ chức đưa hàng về 13 xã miền núi phục vụ đồng bào dân tộc. Chúng tôi còn vận động, kêu gọi doanh nghiệp tổ chức tốt các phiên chợ hoa, cây cảnh ngày Tết. Sở Công thương và Sở GTVT sẽ phối hợp với nhau tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tổ chức chợ hoa Xuân, chợ nông sản thực phẩm, vừa nhằm quảng bá sản phẩm vừa phục vụ nhu cầu chơi Tết của người dân. Dự kiến sẽ tổ chức 4 hội chợ Xuân với tổng số 1.400 gian hàng, tập trung vào các sản phẩm chủ yếu như hàng nông sản thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng... Riêng Tổng công ty Thương mại Hà Nội Hapro còn dự kiến tổ chức 13 phiên chợ Tết từ ngày 14 đến 18-1-2012.

Về công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường cũng có những đổi khác. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc kiểm tra đồng bộ từ khâu sản xuất đến lưu thông, kiểm tra trên tất cả tuyến đường để phát hiện, ngăn chặn hàng lậu, hàng kém chất lượng ngay từ đầu, nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất và người tiêu dùng, giúp người dân đón một cái Tết tươi vui, phấn khởi và lành mạnh.

Thời gian qua, có những lúc hàng bình ổn giá còn có giá cao hơn thị trường, ông lý giải như thế nào về thực trạng này?

Sở Công thương Hà Nội thừa nhận có những thời điểm hàng bình ổn giá có giá cao hơn so với thị trường. Song, xem xét vấn đề này cần chú ý tới 2 yếu tố cơ bản. Thứ nhất, khi so sánh hàng hóa cần cần xem xét các tiêu chuẩn như nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, quá trình sản xuất hàng hóa, chất lượng hàng hóa, bao bì sản phẩm, phương thức kinh doanh của doanh nghiệp...

Thứ hai, với những người bán hàng ở các chợ dân sinh thì việc tăng giảm giá sẽ được tiến hành chủ động, linh hoạt hơn rất nhiều. Còn các doanh nghiệp, khi có những biến động về giá, họ phải trình ý kiến và đợi cấp trên xét duyệt. Thủ tục này đã khiến việc hạ giá bị kéo dài. Khi đó, có thể giá bình ổn mới hạ được một bậc thì giá ở chợ đã hạ 2 bậc. Song, Sở Công thương khẳng định, luôn giữ vững nguyên tắc, khi có biến động về giá, các mặt hàng trong nhóm bình ổn sẽ luôn có giá bán thấp hơn ít nhất 10% so với thị trường.

Vậy trong dịp Tết này, Sở Công thương Hà Nội có biện pháp gì để hạn chế sự tăng giá đột biến? Ông nhận định như thế nào về CPI cả tháng Tết?

Nguyên nhân chủ yếu khiến giá cả các mặt hàng trong ngày Tết bị đẩy cao lên là do thiếu hàng. Bởi vậy, chúng tôi sẽ cố gắng chuẩn bị tốt nhất lượng hàng hóa để khắc phục tối đa tình trạng sốt hàng.

Về CPI, trong vài tháng trở lại đây, CPI ở Hà Nội đang ở mức thấp (CPI tháng 10 tăng 0,13% so với tháng 9). Song, từ tháng 11 trở đi, chỉ số này chắc sẽ không thể giảm được nữa và sẽ nhích dần đến Tết. Các cơ quan chức năng sẽ cố gắng kiểm soát và có thể giữ CPI ở mức 0,5%-0,7% là tốt nhất. Ngoài ra, để duy trì nguồn cung ổn định, năm nay, Sở Công thương cũng đã triển khai bài bản hơn việc liên kết vùng với các tỉnh trong khu vực đồng bằng Bắc bộ. Đây là hình thức thương mại cung ứng hai chiều hàng hóa, đảm bảo nguồn cung cho thị trường, đồng thời là cơ hội giúp các doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nguyễn Nga (ghi)

đại đoàn kết

Các tin tức khác

>   Không nên ồ ạt thoái vốn đầu tư ngoài ngành (18/11/2011)

>   "Trảm" nhà thầu: lời cảnh báo từ siết chặt đầu tư (18/11/2011)

>   Standard Chartered dự báo lạm phát 11,3% năm 2012 (17/11/2011)

>   VN có thể “hút” vốn đầu tư của các “đế chế” kinh tế? (17/11/2011)

>   Ai cấp phép đầu tư sân golf trong sân bay? (17/11/2011)

>   Tập đoàn đa ngành Nhật Bản tiến vào thị trường VN (17/11/2011)

>   Thủ tục hành chính nặng nề: Tăng chi phí, giảm cạnh tranh (17/11/2011)

>   Chuyên gia Ngân hàng ANZ: Lạm phát sẽ vẫn là thách thức lớn nhất (16/11/2011)

>   Năm 2012: Vốn đầu tư sẽ biến động mạnh (16/11/2011)

>   Chất vấn Thủ tướng bớt “nóng”? (16/11/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật