Không nên ồ ạt thoái vốn đầu tư ngoài ngành
Không nên yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo phong trào, mà tập trung vào các doanh nghiệp nhà nước hoạt động các lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam trả lời phỏng vấn Báo Đầu tư.
Thưa ông, tại sao lại chỉ nên tập trung yêu cầu thoái vốn với các doanh nghiệp nhà nước hoạt động các lĩnh vực độc quyền nhà nước mà không phải là tất cả?
Quan điểm chỉ trích đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước cần xem xét thấu đáo hơn. Về nguyên tắc, doanh nghiệp có thể đầu tư ở bất cứ ngành nghề nào sinh lợi. Khi các khoản đầu tư này có hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước sẽ sử dụng lợi nhuận thu về để nuôi lại ngành chính.
Tuy nhiên, với doanh nghiệp nhà nước đang cung cấp dịch vụ độc quyền, phải cân đối cung cầu quốc gia, được Nhà nước tạo cho một số cơ chế đặc biệt thì không được đầu tư ngoài ngành. Những doanh nghiệp nhà nước khác, nếu có lợi nhuận tích lũy thì có thể sử dụng lợi nhuận đó để đầu tư ngoài ngành.
Theo ông, Nhà nước có nên “ép” doanh nghiệp nhà nước thoái vốn đầu tư ngoài ngành bằng mọi giá?
Chủ trương của Chính phủ là thoái vốn, nhưng không có nghĩa là theo phong trào. Ở một số lĩnh vực, một số trường hợp, thoái vốn là đúng và phải thực hiện ngay, vì để càng lâu càng thiệt hại nhiều hơn.
Còn những lĩnh vực nếu thoái vốn vào lúc này thì không có lợi về giá trị, hơn nữa tương lai lại có triển vọng tốt, quyết định thoái vốn không nên vội vàng.
Chính vì vậy, tùy từng doanh nghiệp cụ thể để cân nhắc thời điểm thoái vốn, đảm bảo mục tiêu cao nhất là không mất vốn nhà nước, thiệt hại vốn nhà nước ít nhất hoặc tối đa hóa hiệu quả đồng vốn nhà nước. Theo tôi, nên để Hội đồng quản trị quyết định thoái vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp nhà nước.
Ông có cho rằng, nên quy định doanh nghiệp nhà nước đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn?
Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà người dân, các thành phần kinh tế khác không tham gia, còn những lĩnh vực mà xã hội có nguồn lực để tham gia thì Nhà nước không cần rót tiền vào.
Ở những lĩnh vực Nhà nước không độc quyền, thì cũng không cần phải nắm quyền chi phối. Còn với những lĩnh vực độc quyền nhà nước, thậm chí không nên cho các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực này đầu tư ra ngoài ngành.
Nguyên là Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả hoạt động đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp này?
Xi măng không phải là mặt hàng nhà nước nắm giữ độc quyền, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam chỉ chiếm 35% thị phần xi măng của cả nước, nên có thể kinh doanh ngoài ngành mà không làm ảnh hưởng đến cung cầu xi măng cả nước.
Tuy nhiên, thời gian qua, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng hầu như không đầu tư ngoài ngành. Đến giờ, Tổng công ty chỉ có vài dự án đầu tư ngoài ngành nhưng mới ở giai đoạn đầu tư, chưa thể đánh giá hiệu quả.
Thùy Liên
ĐẦU TƯ
|