Thắt chặt hậu kiểm vốn đầu tư ra nước ngoài
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2006/NĐ-CP có thêm hẳn một chương về việc đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) có sử dụng vốn nhà nước.
Không cần đợi đến Chương III, một chương hoàn toàn mới trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 78/2006/NĐ-CP về ĐTRNN, được thiết kế để dành riêng cho việc “ĐTRNN có sử dụng vốn nhà nước”, hơi hướng của chuyện tới đây, dòng vốn Việt Nam ĐTRNN sẽ được quản chặt hơn đã xuất hiện ngay từ những điều khoản đầu tiên của dự thảo. Cụ thể, không chỉ quản vốn đầu tư trực tiếp, lần sửa đổi này, khung pháp lý về ĐTRNN sẽ quản cả vốn đầu tư gián tiếp theo các hình thức như mua cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu và giấy tờ có giá khác, đầu tư chứng khoán và đầu tư thông qua định chế tài chính trung gian...
Đối với việc ĐTRNN có sử dụng vốn nhà nước, ngay trong hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận ĐTRNN, chủ đầu tư phải đệ trình cả văn bản chấp thuận chủ trương về việc sử dụng vốn nhà nước để đầu tư ra nước ngoài. Quan trọng hơn, trong hồ sơ, còn phải có thêm cả báo cáo đánh giá về hiệu quả kinh tế dự án đầu tư của cơ quan thẩm định dự án đầu tư. Quy định này cũng được áp dụng đối với cả các dự án của các thành phần kinh tế khác. Tất nhiên, với vốn ĐTRNN của nhà đầu tư tư nhân, chủ đầu tư sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn thành báo cáo về hiệu quả đầu tư của dự án.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, những quan ngại về hiệu quả thực sự của dòng vốn ĐTRNN đã được dư luận lên tiếng từ cách đây khoảng 1 năm, khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo về 21 năm ĐTRNN. Theo đó, trong 21 năm, đã có gần 1,8 tỷ USD được các doanh nghiệp Việt chuyển ra nước ngoài, song lợi nhuận chuyển về rất khiêm tốn, chỉ 39 triệu USD. Và tỷ suất lợi nhuận tính chung cho cả giai đoạn 21 năm, kể từ khi Việt Nam có dự án đầu tiên ĐTRNN vào năm 1989 chỉ ở mức 0,46%.
Tất nhiên, đây chỉ là những con số chưa đầy đủ; thêm nữa, hầu hết các dự án ĐTRNN của doanh nghiệp Việt mới đang chỉ ở giai đoạn triển khai, song không phải không có lý khi dư luận đặt dấu hỏi về hiệu quả đầu tư của dòng vốn này. Khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chính Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng đã phải thừa nhận, doanh thu và lợi nhuận của các dự án ĐTRNN “chưa tương xứng với số tiền bỏ ra”. Còn Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam cũng gật đầu rằng, dù là sử dụng vốn đầu tư của ai, Nhà nước hay tư nhân, thì cũng phải chứng minh được hiệu quả đầu tư như thế nào.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 10 tháng đầu năm, đã có 1,99 tỷ USD được đăng ký ĐTRNN. Lũy kế tới nay, tổng vốn đăng ký ĐTRNN là 10,8 tỷ USD. Trong đó, vốn đầu tư của Nhà nước chiếm tới hơn 60%. Trong bối cảnh nguồn vốn trong nước còn hạn hẹp và đang được thắt chặt, thì kiểm soát chặt hơn vốn ĐTRNN là điều dễ hiểu. “Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng phải thắt chặt hậu kiểm”. Đó là quan điểm của ban soạn thảo Dự thảo Nghị định và quan điểm này đã nhận được sự đồng thuận lớn từ dư luận.
Để thắt chặt hậu kiểm, Dự thảo Nghị định quy định, tình hình thực hiện dự án đầu tư, như tiến độ thực hiện dự án; khối lượng thực hiện; chất lượng công việc; các chi phí; các biến động... sẽ được “theo dõi” thường xuyên. “Việc này sẽ bao gồm cả chuyện nắm bắt kịp thời các khó khăn, vướng mắc của dự án để có biện pháp xử lý kịp thời”, một thành viên ban soạn thảo cho biết.
Theo Dự thảo Nghị định, không chỉ “theo dõi”, mà các dự án ĐTRNN có sử dụng vốn Nhà nước còn được kiểm tra thường xuyên bởi chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước. “Cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư quyết định tổ chức kiểm tra dự án đầu tư theo kế hoạch hoặc đột xuất”, Dự thảo Nghị định viết và quy định rõ, nội dung kiểm tra dự án sẽ tập trung vào việc chấp hành quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án; đấu thầu; sử dụng vốn đầu tư và các nguồn lực khác của dự án; bố trí vốn đầu tư, giải ngân, quyết toán vốn đầu tư…
Cũng để đảm bảo vốn Nhà nước được đầu tư và sử dụng hiệu quả hơn, Dự thảo Nghị định quy định rõ, với các dự án ĐTRNN có sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước, trong đó nhà đầu tư nắm giữ 100% vốn hoặc nắm quyền chi phối trong dự án, thì việc mua sắm hàng hóa, tư vấn và xây lắp đối với dự án này phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Hà Nguyễn
ĐẦU TƯ
|