Ngân hàng và ‘cuộc chiến’ địa bàn
Đề án Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại cần đưa ra giải pháp rốt ráo cho bài toán phân vùng hoạt động của từng nhóm ngân hàng.
Một luồng ý kiến về tái cấu trúc đang nhắm tới những ngân hàng nông thôn đã biến thành ngân hàng thành thị trong những năm 2006 - 2007, theo đà tăng của thị trường chứng khoán và sự hậu thuẫn của Nghị định 141/2006/NĐ-CP ngày 22/11/2006 của Chính phủ ban hành danh mục mức vốn pháp định của các tổ chức tài chính.
Lý do là, khi thị trường chứng khoán lao dốc, những ngân hàng vốn đang vận hành êm ái ở nông thôn đã nhanh chóng bộc lộ điểm yếu khi lên thành thị, bởi khả năng quản trị không theo kịp sự gia tăng quá nhanh về quy mô hoạt động.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong Đề án Tái cấu trúc ngân hàng thương mại đang được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xây dựng, cần có giải pháp để “đẩy” các ngân hàng này trở lại nông thôn hoặc có giải pháp hữu hiệu để phân vùng hoạt động cho từng nhóm ngân hàng.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhấn mạnh: “Các ngân hàng thương mại cổ phần nông thôn mới được nâng cấp lên đô thị đang tạo ra vấn đề lớn cho hệ thống, do vốn ít, tăng trưởng tín dụng nóng, quản trị rủi ro kém”. Theo ông Thành, các ngân hàng này đáng ra là những ngân hàng địa phương tốt, song do tất cả đều “nhảy” ra thành phố, đẩy lãi suất lên cao, làm rối loạn hệ thống ngân hàng, thậm chí làm “nhiễu” cả nền kinh tế.
Trên thực tế, trước khi có Nghị định 141/2006/NĐ-CP, nhiều ngân hàng cổ phần nông thôn ở nước ta như Kiên Long, Mỹ Xuyên… đã hoạt động khá ổn định ở nông thôn, hỗ trợ rất tốt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… Tuy nhiên, sau khi có Nghị định 141/2006/NĐ-CP, các ngân hàng đổ xô lên thành thị, dẫn tới hiện tượng ngân hàng dư thừa ở thành thị, song lại thiếu trầm trọng ở nông thôn. Do đó, việc phân nhóm ngân hàng hoạt động rạch ròi ở từng phân khúc thị trường khác nhau là rất cần thiết.
Trong một thông báo phát đi tháng trước, NHNN cũng đã nêu ra 4 nguyên tắc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Trong đó, nguyên tắc đầu tiên là phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình hoạt động, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng, từ thành thị tới nông thôn. Phát triển nhiều loại hình ngân hàng hoạt động hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp, đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng của từng tầng lớp dân cư trong xã hội.
Trước những thông tin đó, có ý kiến cho rằng, sau khi NHNN “khám” xong sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại, sẽ có một “cuộc chiến” phân chia địa bàn giữa các ngân hàng. Theo đó, một số ngân hàng sẽ buộc phải hoạt động ở những phạm vi nhất định.
Tuy nhiên, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc NHNN, người từng đặt bút cho phép hàng chục ngân hàng nông thôn lên thành thị cho rằng, đây sẽ là giải pháp khó. “Có người nói tại ông Thúy cho một số ngân hàng nhỏ nông thôn lên thành phố, nên mới sinh chuyện. Nhưng vào thời điểm đó, tôi thấy không thể đưa các ngân hàng nông thôn vào cái chuồng có rào sắt để kiểm soát, thì phải kiểm soát bằng kiểu khác: đưa ra một loạt tiêu chuẩn, yêu cầu chung cho cả ngân hàng nông thôn và thành thị, bắt các ngân hàng phải tuân thủ. Nếu nói bất ổn trong hệ thống ngân hàng hiện nay do lỗi để các ngân hàng nông thôn lên thành thị và nên đưa các ngân hàng nông thôn lên thành thị trở lại nông thôn, vậy sẽ làm gì để đóng các ngân hàng này trên những cái ‘chuồng’ đó?”, ông Thúy đặt câu hỏi.
Dù ít nhiều mang tính biện bạch, song câu hỏi của ông Thúy không phải không có lý. Bởi trước đây, khi hệ thống ngân hàng vẫn còn hai nhóm: nông thôn, thành thị thì NHNN không thể giám sát được hai nhóm này hoạt động đúng phạm vi của mình.
Hà Tâm
đầu tư
|