Nên cổ phần hóa ngay các “ông lớn”
PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính), cho rằng tiến trình tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước nên bắt đầu bằng việc cổ phần hóa ngay các “ông lớn” như TKV, VNPT, PVN...
* Phóng viên: Theo ông, giải pháp nào là quan trọng nhất để tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ?
- PGS-TS Hoàng Trần Hậu: Giải pháp hàng đầu là quyết liệt cổ phần hóa (CPH). Nhà nước phải đưa ra danh mục ngành nghề nào Nhà nước nắm giữ trọn vẹn, ngành nghề nào nắm giữ chủ đạo và ngành nghề nào không cần nắm giữ. Và tiến hành CPH phải quyết liệt, chứ không CPH ở mức độ nhẹ như bây giờ.
Tôi đề nghị Nhà nước chỉ nên duy trì các DNNN 100% vốn Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng an ninh. Còn lại, cần CPH tất cả các tập đoàn, chỉ nên nắm giữ 60%-65% vốn thay vì mức 95% như hiện nay. Chúng ta hãy bắt đầu ngay từ những tập đoàn đang nắm giữ những nguồn lực lợi thế nhất của DNNN như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV)…
* Nhà đầu tư tư nhân tham gia cổ phần thì họ sẽ được gì?
- Hiện thị trường tài chính đang không hấp dẫn, cái mà các nhà đầu tư mong muốn là tham gia quản trị, giám sát hoạt động của doanh nghiệp. Ví dụ như Ngân hàng Cổ phần Ngoại thương Việt Nam hay Tập đoàn Bảo Việt, có nhà đầu tư chiến lược tham gia góp vốn thì hiệu quả kinh doanh nâng cao hơn rất nhiều.
* Tuy nhiên, nếu tư nhân nắm cổ phần quá nhỏ thì tiếng nói sẽ không đủ mạnh để có thể quản trị doanh nghiệp?
- Chúng ta cũng không nên né tránh CPH có phải là tư nhân hóa hay không. Nếu sau khi CPH mà các cổ đông vẫn là cổ đông Nhà nước thì như cái vòng luẩn quẩn. Nên thực hiện đa sở hữu để Nhà nước và tư nhân cùng nắm giữ doanh nghiệp.
Công nhân VNPT kéo cáp ngầm điện thoại trên đường Hoàng Văn Thụ (TPHCM). Ảnh: Tấn Thạnh
* Về quan điểm Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, theo ông, trong thời gian tới, Nhà nước có nên giảm tỉ lệ này trong các DNNN?
- Về dài hạn, việc Nhà nước cần giảm cổ phần chi phối tại các DNNN là đúng. Còn hiện nay, tôi cho rằng về mặt lý thuyết, rất cần kinh tế tư nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân của chúng ta hiện chưa đủ mạnh nên Nhà nước vẫn phải có vị trí quan trọng, vẫn phải chi phối trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, chỉ có điều là làm sao để các DNNN của chúng ta mạnh lên với một hệ thống quản trị tốt. Nhà nước có thể giám sát, minh bạch.
Còn nếu chúng ta cổ xúy ngay việc cho tư nhân vào làm toàn bộ thì điều đó cũng rất khó vì kinh tế tư nhân vẫn chưa phải là mạnh. Bởi chúng ta còn quá ít các doanh nhân thực sự thành công do tài năng hay quá trình kinh doanh mang lại. Trong thời gian qua, chúng ta thấy có rất nhiều “đại gia”. Tuy nhiên, theo tôi đánh giá, đa phần họ đều lớn lên từ thị trường bất động sản, tài chính.
* Có ý kiến cho rằng nên đánh giá lại hiệu quả của tập đoàn tài chính trong các DNNN?
- Tôi cho rằng phải xóa bỏ hoàn toàn các ngân hàng và tập đoàn tài chính trong DNNN. Đây là việc rất khó nhưng Chính phủ nên quyết tâm làm. Bởi lẽ như thế sẽ tránh cho việc tiếp cận tín dụng không minh bạch, sẽ không kiểm soát được nợ xấu của các tập đoàn Nhà nước. Chúng ta thấy rằng một đứa con A cho đứa con B vay tiền thì sẽ dễ dãi hơn nhiều việc đi vay tiền ở bên ngoài. Để giám sát tài chính, đặc biệt là nợ xấu của DNNN thì không nên có tập đoàn tài chính trong DNNN. Hiện nhiều nước, như Hàn Quốc chẳng hạn, họ cũng bắt đầu thực hiện cách này.
DNNN lỗ cao gấp 12 lần doanh nghiệp ngoài Nhà nước
Ngày 15-11, Học viện Tài chính đã tổ chức hội thảo về tái cấu trúc DNNN. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hằng năm có khoảng 12% DNNN bị lỗ trong sản xuất kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nói chung là 25%. Tuy nhiên, mức lỗ bình quân của một DNNN cao gấp 12 lần so với doanh nghiệp ngoài Nhà nước.
Bổ sung, ông Nguyễn Ngọc Tuyến, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, nhận định mặc dù được hưởng nhiều ưu thế trong việc sử dụng tài nguyên, đất đai, vốn… nhưng hiệu quả hoạt động kinh doanh của DNNN chỉ bằng 50% so với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
T.Nam |
Tâm Uyên thực hiện
người lao động
|