Đến lượt ngân hàng 'lũng đoạn' giá USD
Các chuyên gia đã nhiều lần nói về "chợ đen" USD trong ngân hàng. Tuy nhiên, điều này có vẻ như đã bị lấp bóng bởi cái "chợ đen" trên thị trường tự do. Tuy nhiên, hiện nay, khi thị trường tự do hết tác oai tác quái thì chính cái "chợ đen" trong lòng các ngân hàng mới lộ diện là tác nhân có tác động mạnh nhất đến thị trường.
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước cho rằng chu kỳ căng thẳng USD cuối năm 2011 sẽ không lặp lại, nhưng, thực tế vẫn chưa có gì khác biệt. Thay đổi duy nhất là đối tượng tăng giá, lũng đoạn thị trường lộ mặt và bị chỉ trích trước đây là USD "chợ đen" - còn nay là ngân hàng.
Xin xỏ mới được mua USD... giá cao
Chỉ còn hai tháng nữa là Tết. Tết đến sớm hơn đang thúc ép các DN hối hả bước vào mùa vụ sản xuất cuối năm. Trong khi chưa hết khó khăn với lãi suất cao thì DN lại phải đối mặt với tình trạng tỷ giá gia tăng.
Hồi giữa năm, khi USD đang trong giai đoạn ổn định, thị trường USD tự do hoạt động èo uột, giá thấp hơn cả giá niêm yết trong ngân hàng, đã có những dự đoán từ các tổ chức tín dụng quốc tế cho rằng, USD sẽ tiếp tục chịu sức ép vào cuối năm và tỷ giá có thể lên đến 21.800 đồng/USD. Đến thời điểm này, khi tỷ giá chính thức mới chạm 21.000 đồng, nhưng tỷ giá giao dịch thực tế đã có lúc vượt qua cả mốc 21.800 đồng như dự đoán.
Một DN nhập khẩu thực phẩm ở Hà Nội mới đây cho biết, cuối năm, DN đang cần nhập hàng để phân phối bán Tết, dù số lượng không quá nhiều, chỉ 1,5-2 triệu USD, nhưng rất khó mua và giá cao. Cách đây 1 tuần, khi DN cần hơn 1 triệu USD mà phải trải qua 3-4 ngân hàng mới nhận được cái gật đầu đồng ý giúp, theo cách sẽ giới thiệu DN đến với đầu mối USD và ngân hàng, chỉ thu phí môi giới và kiểm đếm... Giá mua cộng với phí tính đã lên đến 21.800 đồng. Mà mua xong vẫn chưa được cầm tiền do ngân hàng yêu cầu nộp vào luôn để thực hiện thanh toán. So với giá USD chính thức, DN đã tốn thêm gần 100 triệu đồng.
Trong khi đó, một DN nhựa ở Hà Nội cũng khá bức xúc kể rằng, để nhập khẩu lô hàng nguyên liệu chuẩn bị làm hàng cuối năm, họ đã phải mua USD với giá 21.750 đồng. Đã thế, mức giá này còn cao hơn cả giá tự do tới 150 đồng.
Giám đốc DN này cho hay, mỗi lô hàng nhập nguyên liệu 3-4 triệu USD, tính ra DN thiệt hại đến 300-400 triệu đồng. Tuy nhiên, tất cả phần vượt trội đều được ngân hàng tính vào các khoản phí thu ngang tay, không có giấy tờ nên DN chẳng biết kêu ai. Mà đây là tình trạng chung đã diễn ra nhiều năm nay, không thể khác được.
Thậm chí, một DN dệt may ở Hưng Yên cũng bức xúc nói, mọi năm, DN có nhiều USD đều bán cho ngân hàng. Năm nay xuất khẩu khó khăn, lại mở rộng thị trường nội địa nên nguồn USD của DN không dồi dào như thường lệ. Thế là, từ chỗ khách hàng thân thiết được ngân hàng ưu ái bán USD, nay DN phải xin xỏ ngân hàng để được mua thêm USD. Thậm chí, họ phải chấp nhận mua giá cao hơn, khoảng 21.300-21.500 đồng từ mấy tháng nay. May mà, mức giá đó còn khá tốt so với các DN khác không có nguồn USD, phải chịu giá cao hơn.
Để được lợi nhuận cao hơn trên tỷ giá niêm yết, các ngân hàng biện ra đủ thứ lý do để thu tiền. Hai phương thức lách luật phố biến nhất của nhà băng là mua bán lòng vòng qua đối tác thứ ba, hoặc tăng các khoản phí để làm tăng tỷ giá thực.
Theo các DN, kiểu gì thì ngân hàng cũng có lợi. Trong cách thứ nhất, ngân hàng luôn thể hiện mình là người trung gian để kết nối giữa các bên có nhu cầu và bên có USD. Ngân hàng là người được hưởng nhiều lợi ích từ môi giới, kiểm đếm và có khi thực hiện luôn các nghiệp vụ thanh toán để hưởng lợi. Mà trong rất nhiều trường hợp, DN có USD lại là các công ty thân thiết hoặc công con, công ty liên kết của ngân hàng... Vì thế, rất nhiều DN nghi ngờ đây là chiêu cũ của các ngân hàng: đẩy USD của mình qua các công ty con để bán giá cao mà không sợ bị phạm lỗi bán cao hơn tỷ giá.
Trường hợp còn lại, tất cả các loại phí, phần phụ trội cao hơn chính thức đều được tính toán và thu rất khoa học, nhưng... lại không có bất cứ giấy tờ gì. DN nào may mắn thì có một hợp đồng tư vấn dịch vụ đi kèm với khoản phí cao ngất ngưởng.
Do vậy, mặc dù đã có rất nhiều lời kêu ca và ngay cả khi SJC, đơn vị đươc giao nhiệm vụ bình ổn vàng cho biết phải mua USD với giá cao hơn giá niêm yết để mua vàng với mục tiêu bình ổn, thì... các đơn vị quản lý vẫn "bó tay" với thực tế USD hai giá. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM thừa nhận, đã có rất nhiều thông tin phản ánh về tình trạng này, tuy nhiên, cơ quan này vẫn chưa phát hiện ra trường hợp nào vì thiếu bằng chứng.
Song, bằng chứng lại là một đòi hỏi rất cũ, vì thế, hoàn toàn không có tác dụng để trị dứt điểm căn bệnh kinh niên USD hai tỷ giá trong ngân hàng. Được thể, các ngân hàng lại tỏ ra mạnh bạo hơn trong việc hành hạ DN. Dù Ngân hàng Nhà nước đã chấp nhận những "bước lùi" để tăng tỷ giá, nhưng điều đó có vẻ như chưa thỏa mãn nên các ngân hàng vẫn ngang nhiên duy trì hai tỷ giá như một sự thách thức đã tồn tại trong nhiều năm qua. Sự thách thức đó càng ngang nhiên hơn khi Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực lớn để thiết lập lại kỷ luật trong ngành ngân hàng. Và những biện pháp đó đã phát huy tác dụng với lãi suất vượt trần, nhưng chưa hiệu nghiệm lắm với tình trạng USD hai giá.
"Chợ đen" khó dẹp
Trước đây, USD giao dịch trên thị trường tự do được mệnh danh là "chợ đen". Và từ trước tháng 3/2011, thị trường này liên tục biến động, giá cả thường cao hơn giá chính thức trong ngân hàng khoảng 1.000 đồng.
Mỗi lần USD có biến động, thị trường tự do luôn là nơi có biến động đầu tiên và mạnh nhất. Chính vì thế, USD "chợ đen" luôn được xem là "tội phạm" gây ra mọi sự xáo trộn trên thị trường USD và đối tượng cần trị để lập lại trật tự trên thị trường ngoại tệ.
Trên thực tế, đúng như dự đoán của cơ quan chức năng, thị trường tự do dù xáo trộn nhưng chỉ là một bộ phận nhỏ và chịu nhiều tác động của tâm lý. Vì thế, chỉ cần nhà nước mạnh tay trong điều chỉnh tỷ giá về gần sát với cung - cầu thực, cộng với các biện pháp quản lý mạnh tay thì thị trường tự do sẽ được chấn chỉnh.
Song, những tháng đầu năm 2010 và từ 2011 đến nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá khá mạnh, USD tự do đã dần ổn định và giảm giao dịch... Trong một thời gian dài qua, dù Ngân hàng Nhà nước có điều chỉnh thì tỷ giá tự do cũng không còn dựa vào đó để tăng lên, thậm chí, khi tỷ giá chính thức tăng thì đã xuất hiện tình trạng giá tự do ngược chiều giảm mạnh.
Điều đó cho thấy, dù vẫn còn khoảng cách với giá niêm yết trong hệ thống ngân hàng, nhưng với khoảng cách ngày càng thu hẹp và giao dịch kém sôi động phần nào cho thấy, thị trường tự do đã dần được dẹp yên.
Tuy nhiên, khi "chợ đen" tự do được dẹp thì lộ cái "chợ đen" trong ngân hàng lớn hơn, và "quyền lực" hơn, không hề bị ảnh hưởng mà còn lộ mặt làm giá trên thị trường. Từ mấy tháng lại đây, tỷ giá thực trong giao dịch giữa ngân hàng và DN luôn cao hơn giá niêm yết, thậm chí còn cao hơn cả giá ngoài thị trường tự do.
Giá cao hơn nhưng các ngân hàng vẫn đắt khách, vì họ là người có nguồn USD lớn, có khả năng kết nối cung cầu. Hơn thế, khi thị trường tự do bị kiểm soát chặt và việc giao dịch trên thi trường này vốn thoải mái, thì nay rất dễ bị xem là vi phạm và xử lý mạnh tay... Điều này vô hình chung lại có lợi cho ngân hàng, bởi chỉ ngân hàng mới có các điều kiện, lợi thế để lách luật. Tất nhiên, họ đã biến việc này thành lợi nhuận nhuận bằng việc duy trì hai tỷ giá.
Các chuyên gia đã nhiều lần nói về "chợ đen" USD trong ngân hàng. Tuy nhiên, điều này có vẻ như đã bị lấp bóng bởi cái "chợ đen" trên thị trường tự do. Tuy nhiên, nay khi thị trường tự do hết tác oai tác quái thì chính cái "chợ đen" trong lòng các ngân hàng mới lộ diện là tác nhân có tác động mạnh nhất đến thị trường.
Mặc dù nó đã được nhận diện, cơ quan quản lý đã có những yêu cầu, chỉ đạo... và mạnh tay hơn, cấm bán USD sai tỷ giá, cấm thu phí... nhưng tất cả đều chỉ là những hình thức mong manh. Điều đó không khiến các ngân hàng sợ sệt. Chỉ cần khi có có hội, họ sẵn sàng phá bỏ tất cả để kiếm được lợi nhuận cao nhất.
Lê Khắc
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|