Sáp nhập ngân hàng để xử lý thua lỗ
Các bên không những không phải chịu tổn thất lớn nào mà còn được hưởng lợi ích và cơ hội phát triển mới.
Từ đầu năm đến nay đã có 10 thương vụ mua bán sáp nhập trong hệ thống ngân hàng. Trong đó có tám vụ mua bán giữa các ngân hàng trong nước với các đối tác chiến lược nước ngoài. Mục đích bán cổ phần là tăng vốn và tranh thủ kỹ năng quản trị, công nghệ của nước ngoài. Thương vụ kết hợp giữa hai đối tác trong nước là LienVietBank và Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (thuộc Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam) để cho ra đời LienViet PostBank là tâm điểm chú ý trong các thương vụ sátpnhập năm 2011.
Ngăn chặn phá sản
TS Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, nhận định vụ sátp nhập cho ra đời của LienViet PostBank là một mô hình đặc biệt vì đây là mô hình ngân hàng bưu điện đầu tiên tại Việt Nam. Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam có mạng lưới gồm 63 bưu điện tỉnh, thành, bảy công ty trực thuộc và gần 18.000 điểm phục vụ bao gồm các bưu cục, đại lý bưu điện, kiốt, điểm bưu điện - văn hóa xã trên toàn quốc.
. Thưa ông, chắc chắn sắp tới sẽ còn nhiều thương vụ sátp nhập nữa nhưng tại sao thương vụ LienViet PostBank lại tạo được nhiều chú ý?
+ TS Nguyễn Mạnh Dũng : Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam góp vốn bằng Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện. Vì thế thương vụ này còn có tác dụng lớn làm ngăn chặn sự phá sản của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, cũng như đảm bảo sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng. Thêm vào đó, các bên không những không phải chịu tổn thất lớn nào mà còn được những lợi ích và cơ hội phát triển mới. Vì thế đây là một ví dụ điển hình về xử lý thua lỗ tổ chức tín dụng.
|
Việc mua bán sát nhập trong hệ thống ngân hàng sẽ tạo cơ hội cho các ngân hàng thương mại phát triển. |
. Mục đích dài hạn của việc sáp nhập này là gì?
+ Dự kiến khoảng năm năm sau khi hợp nhất, LienViet PostBank sẽ trở thành một trong 10 ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần hàng đầu tại Việt Nam và sẽ là mô hình ngân hàng bán lẻ tốt nhất Việt Nam, giống mô hình của một số nước trên thế giới.
. Mô hình ngân hàng bưu điện ở thế giới đã phát triển và thành công thế nào?
+ Mô hình này trên thế giới đã có từ 70 năm trước. Sau khi các ngân hàng ra đời theo hình thức truyền thống, người ta nhanh chóng nhận ra tại sao không kết hợp ngân hàng với bưu điện để có mạng lưới kinh doanh và cơ sở vật chất thực sự tốt. Thế nên mô hình ngân hàng - bưu điện ra đời. Hiện nay có ba nước rất thành công với mô hình này là Đức, Pháp và Thụy Điển. Ở các nước khác thì vẫn có mô hình này nhưng thành công ít hơn.
Hy sinh lợi nhuận khi mới sáp nhập
. Ông lý giải thế nào khi một số nước cũng có điều kiện kỹ thuật tốt nhưng mô hình này ít thành công như ba nước kể trên?
+ Lỗi không nằm ở mô hình mà là do quản trị. Mô hình này sẽ thành công với điều kiện hai bên thực hiện nghiêm túc chức năng của mình. Bưu điện không thể xem nhẹ các giao dịch liên quan tới ngân hàng mà phải hoạt động giống như một ngân hàng chuyên nghiệp. Chính vì thế, ở một số nước có tình trạng bưu điện của họ phát triển quá mạnh nên họ không muốn kết hợp với ngân hàng. Hoặc có những nước đã xây dựng mô hình này nhưng lại không nghiêm túc thực hiện nên ít thành công.
. Nếu như vậy liệu LienViet PostBank có thể trở thành ngân hàng bưu điện hàng đầu tại Việt Nam trong tương lai với điều kiện trong nước hiện nay?
+ Họ sẽ làm được nếu thực hiện tốt các điều kiện sau:
Thứ nhất là việc định hướng phát triển mô hình ngân hàng - bưu điện. Nghĩa là phải xây dựng một cơ chế quản lý mới kết hợp giữa ngân hàng và bưu điện trong đó phải hợp nhất thành công hai hệ thống tín dụng khác nhau. Thứ hai, vài năm đầu họ phải chấp nhận lợi nhuận thấp. Bởi vì phải theo mục tiêu, LienViet PostBank sẽ chia cổ tức cho cổ đông với tỉ lệ 15%/năm. Như vậy sau khi nhận góp vốn bằng giá trị của Công ty Dịch vụ tiết kiệm bưu điện thì chi phí hằng năm của LienVietBank sẽ lớn hơn trước khi sát nhập. Thứ ba, khi quy mô hoạt động mở rộng thì chi phí quản lý, chất lượng đội ngũ nhân viên… cũng là một vấn đề đáng lưu tâm.
Ngoài ra, hai bên phải xây dựng, nâng cấp hạ tầng, kỹ thuật để đảm bảo tính thống nhất về chất lượng dịch vụ. Đây là một thách thức lớn vì số lượng bưu cục lớn và trải rộng trên toàn quốc. Vấn đề tích hợp hệ thống công nghệ cũng phải tính tới. Việc tích hợp hai hệ thống thông tin khác nhau luôn là một bài toán khó yêu cầu sự đầu tư lớn về cả phần cứng lẫn phần mềm. Bởi hiện nay nhiều bưu cục ở vùng nông thôn khó khăn về liên lạc và thiếu thốn trang thiết bị. Cuối cùng, LienViet PostBank phải xử lý được khoản lỗ 145 tỉ đồng của Công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện để lại trước đó.
Huy động vốn ở các NHTM giảm mạnh
Tính từ ngày 7-9 đến giữa tháng 10, vốn huy động của 16 NHTM giảm khoảng 43.000 tỉ đồng. Trong đó tiền gửi tiết kiệm của người dân giảm 32.575 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM |
Yên Trang thực hiện
Pháp luật TPHCM
|