Tái cơ cấu tư duy
Do cơ quan chức năng chưa công bố chính thức về chương trình cụ thể nên đang có khá nhiều suy luận rằng sẽ có những NH sáp nhập, hay một vài sự đóng cửa ở đâu đó. Việc suy luận có thể gây nên những hoang mang phi lý, do vậy việc bàn về cơ cấu lại hệ thống NH VN có thể nên có định hướng trước về tư duy.
Có một vài lập luận về việc tập trung các NH nhỏ lại thành các NH lớn hơn. Nếu tham chiếu các bài học cho thấy, mục tiêu của ý tưởng là rất tốt nhưng đó mới chỉ là một vế của vấn đề tái cơ cấu.
Đến nay, hệ thống NH VN có thể được coi là đã trải qua 2 lần tái cơ cấu căn bản: lần đầu là cuối những năm 1980 và sau đó là đợt tái cơ cấu sau khủng hoảng tài chính khu vực (1998). Hiện tại, hệ thống lại đang đứng trước cuộc cải cách thứ ba.
Do đó nếu căn cứ vào nguyên lý và nhìn vào hoạt động thực tế của hệ thống NH VN và kết quả của quá trình tái cơ cấu hai lần trước, thì có thể thấy còn khá nhiều vấn đề cần được định hướng lại trước khi “làm” cơ cấu lại hệ thống NH lần thứ ba này:
Thứ nhất, nguồn vốn tài chính là nguồn lực khan hiếm: Đối với bất kỳ quốc gia nào, nguồn vốn tài chính cần luôn được coi là nguồn lực khan hiếm của xã hội và do đó việc sử dụng nó không được dễ dãi hay thiếu cẩn trọng theo cách này hay cách khác. Do đó, cơ cấu lại NH cũng cần định hướng lại cách ứng xử của NH với nguồn tài lực. Nguyên tắc coi nguồn vốn tài chính là tài lực quý hiếm đặt ra yêu cầu hoạt động NH và các chính sách về NH cẩn trọng. Theo định hướng này, toàn bộ nguồn vốn tín dụng cần được định hướng cho khu vực sản xuất vật chất - nơi thực sự tạo ra của cải cho xã hội.
Tại VN, quan sát cho thấy, có khá nhiều biểu hiện về sự dễ dãi với nguồn lực tài chính ở các NH (và rộng hợp là toàn bộ nền kinh tế), cần được định hướng lại theo thời gian tới. Sự tăng trưởng tín dụng rất nhanh so với quản trị quản lý của NH VN và tập trung cho các hoạt động đầu cơ hơn là đầu tư sản xuất cho thấy điều đó. Theo dòng lịch sử, các năm, tăng tưởng tín dụng của cả hệ thống thường tăng trưởng gần 40% so với năm trước; có năm, mức này lên tới trên 50% so với năm trước. Nếu tính riêng từng NH, có NH tăng trưởng tín dụng ở mức rất mạnh trên 100% so với năm trước... Sự tăng trưởng này trước tiên, dẫn đến NH thiếu thanh khoản và lại kích thích hoạt động chấp nhận rủi ro quá mức và đầu cơ vào khu vực bong bóng như bất động sản hay chứng khoán...
Thứ hai, NH không phải là Cty tài chính cho các DN: Trong Luật các tổ chức tín dụng có các quy định khá quan trọng về hạn chế cho vay cổ đông nội bộ ( như Điều 127); Điều đó định hướng rằng, NH được lập ra là hoạt động cho xã hội mà không phải sau khi thành lập NH trở thành Cty tài chính cho DN (lập ra nó). Tuy nhiên, thời gian qua, nguyên tắc này ở VN đã bị vi phạm theo nhiều cách rất “kỹ thuật” (lách luật). Hàm ý về hiện tượng này, ý kiến của một số chuyên gia đầu ngành đã từng phát biểu rằng, các cổ đông lớn của các NHTM cổ phần phần lớn là các chủ DN kinh doanh bât động sản rất lớn với các dự án bất động sản lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Khuynh hướng gần đây ở VN, dường như đang có trào lưu rằng một số DN thôn tính NH và biến NH này thành Cty tài chính của mình (huy động vốn cho hoạt động của Cty hơn là phục vụ nền kinh tế).
Thứ ba, không được lấy vốn để thay cho quản lý tốt. Quan sát cho thấy, có rất nhiều NH VN trong thời gian qua hoạt động theo nguyên tắc “lấy vốn để thay cho quản trị tốt”. Tình trạng đó có nghĩa rằng NH đang hoạt động trái với nguyên tắc cơ bản về hoạt động tài chính và quản trị DN hiện đại. Các NH dường như chỉ chú trọng vào việc tăng vốn. Hơn thế nữa quá trình tăng vốn lại rất dễ dàng, không đi kèm với cải thiện quản trị, quản lý rủi ro của NH.
Một vài ý tưởng suy luận rằng, NH nhỏ, thiếu vốn có thể được chính phủ bơm vốn theo cách này hay cách khác như mua cổ phần, hay mua lại các khoản nợ khó đòi... Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, quá trình bơm vốn (tái cơ cấu về tài chính) cho NH cần phải đi liền với cải thiện về quản trị, quản lý NH. Tại VN, việc yêu cầu các NHTM tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng cũng cần đi kèm với yêu cầu vể nâng cao năng lực quản lý và cải thiện quản trị NH một cách tương ứng thì quá trình tái cơ cấu ấy mới có thể dẫn đến lành mạnh hóa hệ thống NH một cách bền vững.
Việc yêu cầu các NHTM tăng vốn lên 3.000 tỉ đồng cũng cần đi kèm với yêu cầu về nâng cao năng lực quản lý và cải thiện quản trị NH một cách tương ứng. |
Thứ tư, cổ phần hóa NHTM nhà nước không nên theo phong trào. Việc cổ phần hóa các NHTM nhà nước trong thời gian qua cũng được coi là quá trình cơ cấu lại hệ thống này theo hướng thương mại hóa (tách bạch hoạt động chính sách của NHTM nhà nước về các ngân hàng chính sách) và tăng cường quản trị... Tuy nhiên, ngay tại các NHTM nhà nước thời gian qua, việc cổ phần hóa dường như đã diễn ra theo phong trào. Có NHTM nhà nước vốn hàng ngàn tỉ đồng nhưng sau khi cổ phần hóa đã dường như bị tuột khỏi tay Nhà nước.
Tình trạng cổ phần hóa NHTM nhà nước theo cách cũ, phong trào còn có thể dẫn đến tình trạng tài sản của Nhà nước bị mài mòn theo cách này hay cách khác, chẳng hạn như lợi ích của Nhà nước trong các giao dịch không được bảo đảm mà chỉ vì quyền lợi của cá nhân (do cơ chế về đại diện quản lý phần vốn góp rất lớn của Nhà nước tại NHTM cổ phần chưa được xây dựng và hoàn thiện trước khi tiến hành cổ phần hóa NHTM nhà nước).
Cuối cùng, NH càng to có phải là NH tốt ? Các quan điểm trên báo chí cho thấy, dường như quá trình cơ cấu lại NH VN sẽ chỉ nhằm thành lập các NH thật to về vốn và chi nhánh. Trong thực tế, NH càng to thường là những NH có đủ vốn để hấp thụ các cú sốc. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng với NH có hệ thống quản trị tốt và theo nguyên tắc cẩn trọng (hệ thống quản trị và giám sát tốt).
Tại VN, gần đây đã có bài học nhãn tiền và đắt giá về cái gọi là tập đoàn kinh tế rất to theo nghĩa “khủng” cả về vốn và “khủng cả về quy mô” với hàng trăm Cty con cháu. Thực tế đã cho thấy, những Cty hay những NH quá to chưa chắc là nơi tuyệt đối an toàn và đó lại là những nơi dễ đổ vỡ và để lại các hậu quả rất xấu cho xã hội. Đối với quá trình tái cơ cấu NH VN, hiện tại, có một vài lập luận về việc tập trung các NH nhỏ lại thành các NH lớn hơn. Nếu tham chiếu các bài học cho thấy, mục tiêu của ý tưởng là rất tốt nhưng đó mới chỉ là một vế của vấn đề tái cơ cấu.
ThS Lê Văn Hinh
Diễn đàn DN
|