Bộn bề sáp nhập ngân hàng
Những tín hiệu rõ nét hơn về sáp nhập ngân hàng đã được phát đi, song với tính chất phức tạp và nhạy cảm của hoạt động tài chính - ngân hàng, có thể thấy còn quá nhiều việc phải làm trước khi nói đến một thương vụ sáp nhập cụ thể.
Kỳ I: Có không sự “bình đẳng” trước sáp nhập?
Những tín hiệu rõ nét hơn về sáp nhập ngân hàng đã được phát đi, song với tính chất phức tạp và nhạy cảm của hoạt động tài chính - ngân hàng, có thể thấy còn quá nhiều việc phải làm trước khi nói đến một thương vụ sáp nhập cụ thể.
Bài toán sáp nhập ngân hàng sẽ không có kết quả của phép cộng đơn thuần, kiểu “nhỏ + nhỏ = lớn” hay “yếu + yếu = mạnh”.
Không còn là câu chuyện bàn bạc trên các diễn đàn của giới nghiên cứu, tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng đang được nhắc tới trong các kế hoạch thực hiện. Mới đây, lần đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước chính thức phát đi một thông điệp về việc này.
Phát biểu tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, tín dụng theo hướng tăng hợp lý về quy mô, giảm nhanh số lượng các ngân hàng và tổ chức tín dụng yếu kém là một trong những nhiệm vụ của kế hoạch năm 2012 và các năm tiếp theo.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn quá nhiều câu hỏi chung chưa được giải đáp thỏa đáng. Chẳng hạn, xét ở khía cạnh quy mô thì các ngân hàng nào sẽ phải, bị, hay chủ động tham gia sáp nhập, hợp nhất?
Trên thực tế, không phải chỉ các ngân hàng nhỏ mới đứng trước yêu cầu sáp nhập, mà cả các ngân hàng lớn cũng không thể đứng ngoài xu hướng này, bởi nếu ngân hàng lớn mà yếu kém, thì yêu cầu phải sáp nhập, hợp nhất còn bức thiết hơn.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, các ngân hàng lớn có vấn đề của ngân hàng lớn, ngân hàng nhỏ có tồn tại của ngân hàng nhỏ, do đó không thể nói có ai đứng ngoài yêu cầu tái cơ cấu. Quan trọng là, chỉ đúng vấn đề, đúng tồn tại để làm cơ sở lựa chọn các giải pháp xử lý.
Ngân hàng Nhà nước, trong thông điệp về sáp nhập ngân hàng nói trên, cũng đánh giá, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ tăng quy mô, uy tín, thương hiệu... Do đó, xu hướng sáp nhập, hợp nhất ngân hàng có thể xảy ra giữa các ngân hàng, bất kể với quy mô nào.
Song cũng không ngẫu nhiên khi các ngân hàng nhỏ lại luôn được đề cập trong câu chuyện tái cơ cấu, sáp nhập ngân hàng. Bởi lẽ, không thể phủ nhận rằng, trong hệ thống, có nhiều ngân hàng nhỏ và yếu, liên tục gặp tình trạng kém thanh khoản, lao vào các cuộc đua và "lách" lãi suất để hút vốn.
Dù vậy, câu hỏi đặt ra là, ngân hàng nhỏ sẽ sáp nhập với một ngân hàng nhỏ khác, hay cần một "đại gia" đứng ra chèo chống, gánh đỡ những khó khăn của ngân hàng nhỏ?
Ông Luis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên Standard Chartered (Việt Nam) nêu quan điểm, nếu gộp hai ngân hàng nhỏ, yếu với nhau, chưa chắc cho ra một ngân hàng lớn và mạnh, mà có thể cho ra một ngân hàng yếu, nhưng… quy mô lớn hơn và khi đó, xử lý hậu quả của một ngân hàng yếu có quy mô lớn còn khó khăn hơn rất nhiều.
Rõ ràng, quy mô một ngân hàng không phải là yếu tố tiên quyết khi xem xét tái cơ cấu, sáp nhập. Song cần quan tâm đúng mức tới thực tế hoạt động và những lo ngại hiện hữu của các ngân hàng quy mô nhỏ, với định hướng "tăng hợp lý về quy mô" như Thủ tướng Chính phủ vừa nêu trước Quốc hộin
Kỳ II: Bao nhiêu ngân hàng là đủ?
Huy Hào
đầu tư
|