Cần lộ trình cho việc sáp nhập ngân hàng
Việc sáp nhập ngân hàng sẽ được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, dưới nhiều hình thức và lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của ngân hàng cụ thể, ngân hàng Nhà nước sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền...
Giải bài toán thanh khoản
Do muốn tăng trưởng nhanh, nhiều ngân hàng huy động vốn với giá cao rồi mạnh tay cho vay phi sản xuất dẫn đến nợ xấu tăng, nhiều ngân hàng rơi vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn
Từ năm 2005 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) mới ra đời hoặc chuyển đổi từ mô hình nông thôn lên đô thị. nhóm NH này thường tập trung phát triển mạng lưới, dịch vụ tài chính… nhằm tăng quy mô hoạt động, chiếm lĩnh thị phần, tăng giá trị tài sản, trong khi năng lực quản trị không theo kịp tốc độ phát triển dẫn đến “sức khỏe” yếu kém.
Hệ lụy của chạy đua tăng trưởng nhanh
Thực tế cho thấy trong số 37 NH thương mại cổ phần có gần 20 NH chỉ mới tăng vốn điều lệ lên 1.500 - 3.000 tỉ đồng vào đầu năm 2011 nhưng tổng tài sản lại tăng quá nhanh. Chẳng hạn, NH Bảo Việt, Kiên Long… tổng tài sản tăng 100%, lên tới 12.000 tỉ đồng.
Do muốn tăng trưởng nhanh nên nhiều NH ồ ạt huy động vốn với giá cao rồi mạnh tay cho vay phi sản xuất. Cụ thể, tháng 2-2011, trong số 42 NH có đến 24 NH dư nợ cho vay phi sản xuất trên 25%; 18 NH dư nợ cho vay phi sản xuất từ 25% trở xuống. Đến cuối tháng 5-2011, toàn hệ thống NH vẫn còn hai NH tăng trưởng tín dụng vượt 20% so với quy định. Đó là NH Phương Tây 24%, NH Việt Nam Thương tín 26%, buộc NH Nhà nước phải tiến hành thanh tra.
Trong khi đó, các NH vốn lớn cũng “cuốn theo chiều gió” ồ ạt đầu tư tài chính và cho vay bất động sản nhưng chẳng may thị trường tài chính trong và ngoài nước bất ổn, thị trường nhà đất đóng băng kéo dài khiến nợ xấu của NH tăng cao. Đơn cử như NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nợ xấu lên tới 6,7%, trong đó chủ yếu là cho vay bất động sản. Số liệu thống kê đến cuối tháng 8-2011 cho thấy dư nợ cho vay của các NH đạt 2.388.000 tỉ đồng, trong đó nợ xấu là 76.736 tỉ đồng.
Khống chế trần lãi suất liên ngân hàng
Do thị trường tài chính biến động thất thường, chính sách tiền tệ thay đổi, đồng thời không thu hồi được số tiền đã cho vay nên nhiều NH liên tục rơi vào tình trạng mất cân đối nguồn vốn (thanh khoản), liên tục cầu cứu NH bạn hỗ trợ vốn, nhất là vào những thời điểm khách hàng mạnh tay rút tiền. Ví dụ, giữa tháng 10-2011, NH Nhà nước rút về số tiền tái cấp vốn cho số ít NH, bơm tiền ra thị trường có giới hạn, các NH lớn hủy bỏ hạn mức cấp tín dụng cho NH bạn, lập tức hàng loạt NH thiếu hụt thanh khoản phải vay vốn NH bằng mọi giá làm lãi suất liên NH (lãi suất vay vốn NH bạn) lên tới 22%/năm. Trước tình hình đó, NH Nhà nước phải bơm tiền ra thị trường nhiều hơn, lãi suất liên NH có phần hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức 18%/năm. Tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều năm qua...
Giới phân tích cho rằng vấn đề trước mắt của các NH là giải quyết dứt điểm bài toán thanh khoản. Nếu lãi suất liên NH luôn ở mức cao có thể làm vốn khó chảy vào nền kinh tế, lãi suất cho vay rất khó đi xuống bởi các NH lớn có thể tập trung cho vay NH bạn vẫn lợi hơn so với cho doanh nghiệp vay vốn. Do đó, NH Nhà nước cần khống chế trần lãi suất liên NH, rồi quy định NH nào được tái cấp vốn phải thu hẹp hoạt động tín dụng để các NH đó tập trung thu hồi các khoản tiền đã cho vay, từng bước giải quyết nợ xấu. Khi đó, tình trạng NH thiếu hụt thanh khoản sẽ được giảm dần.
Cần khám “sức khỏe”
Theo chuyên viên kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh, liều thuốc “hồi sinh” tái cấp vốn và bơm tiền qua thị trường nhằm giải quyết thanh khoản đã không thay đổi “sức khỏe” NH. Hiện nay, công tác quản lý của NH chưa hoàn hảo nên thường diễn ra tình trạng mất vốn. Việc giám sát hoạt động NH cũng chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng NH che giấu nợ xấu. Do đó, Nhà nước cần phải nâng cấp vai trò Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia để khám “sức khỏe”, chẩn bệnh NH.
Còn TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước, cho rằng các NH đang đối mặt nhiều rủi ro. Đã đến lúc Nhà nước phải sắp xếp lại hệ thống NH, nhất là các NH thường xuyên thiếu hụt thanh khoản theo hướng sáp nhập hoặc giải thể… |
Kỳ tới: Làm sạch nợ xấu
Thy Thơ
Người lao động
|