Tái cơ cấu ngân hàng: Sắp tới sẽ là ai mua ai?
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đang trở thành tâm điểm chú ý của dư luận cũng như các ngân hàng trong hệ thống.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định sáp nhập, hợp nhất ngân hàng là xu hướng tất yếu.
Tính đến cuối năm 2010, hệ thống ngân hàng Việt Nam bao gồm 1 ngân hàng phát triển, 1 ngân hàng chính sách xã hội, 5 ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng thương mại có cổ phần chi phối của Nhà nước, 37 ngân hàng thương mại cổ phần, 50 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài, 5 ngân hàng liên doanh, 18 công ty tài chính, 12 công ty cho thuê tài chính, 1 Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở và 1 tổ chức tài chính vi mô.
“Tổng tài sản của NHTM Việt Nam hiện rất lớn, gấp đôi GDP Việt Nam- một tỷ lệ rất cao. Dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng chiếm trên 125% GDP. Ai cũng nhìn thấy kết quả đó, nhưng thực chất bên trong chất lượng ra sao, chúng ta hoàn toàn không biết và dẫn tới chỗ nghi ngờ. Nợ xấu do các ngân hàng báo cáo là trên 3% nhưng các tổ chức nước ngoài đánh giá ít nhất là 10%” - TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban kinh tế Quốc hội chia sẻ lo lắng.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định không có chuyện đặt ra chỉ tiêu số ngân hàng phải tái cấu trúc mà phải căn cứ trên những tiêu chuẩn phù hợp.
Trước đề án tái cơ cấu của NHNN, Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn, cho biết Ủy ban cũng đang tính đến và có thể căn cứ trên các chỉ số tài chính để xếp hạng các ngân hàng.
Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy chỉ lưu ý: “Hiện tại nhiều ngân hàng đang lao đao về thanh khoản nên trước hết NHNN phải ra tay cứu. Sau đó, sử dụng biện pháp nghiệp vụ đủ mạnh (như tái chiết khấu, tái cấp vốn) để các ngân hàng nhỏ phải “bày” ra trước NHNN các khoản nợ xấu cũng như số liệu về an toàn tài chính khác. Đó là lúc để NHNN xem xét lại toàn bộ thể trạng và quyết định”.
Theo TS Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Ngân hàng (ĐH Kinh tế - Luật TPHCM), với lần tái cơ cấu này, quy mô vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu hay thậm chí là tổng tài sản không thể là mục tiêu cần hướng đến, mà quan trọng nhất là phải tập trung vào sự an toàn và hiệu quả của từng NH riêng lẻ.
Từ góc độ một định chế tài chính nằm trong hệ thống tín dụng, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty tài chính Dầu khí (PVF) Nguyễn Đình Lâm cho rằng, câu chuyện đặt ra thời gian tới sẽ là ai mua ai?!
Theo ông Lâm, hiện có nhiều ngân hàng “sức khoẻ” đã quá yếu nên muốn tồn tại sẽ phải tìm đường sáp nhập. “Quá trình mua bán sáp nhập sẽ diễn ra rất nhanh chứ không phải một vài năm, vì đây là thời điểm thuận lợi”- Ông Lâm nói.
Khánh Huyền
Tiền Phong
|