Gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nào?
Trong bất cứ nền kinh tế nào cũng đều duy trì một hệ thống định chế tài chính lớn, vừa và nhỏ.
Một câu hỏi đang làm không ít khách hàng băn khoăn là việc nên gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng nào ở thời điểm hiện nay, bởi lẽ đang có rất nhiều thông tin đồn thổi không tích cực về các ngân hàng.
Ví dụ như Ngân hàng TMCP A “bị” liệt vào danh sách “chăm sóc” đặc biệt của NHNN vì lý do nợ xấu quá “khủng”, hay Ngân hàng TMCP B đang thiếu thanh khoản trầm trọng nên “nhắm mắt” vay ngân hàng bạn với lãi suất rất cao. Hoặc mấy ngân hàng đang bị khách hàng đến rút tiền ầm ầm nên một lãnh đạo cao cấp của NHNN phải bay từ Hà Nội vào TP. HCM để giải quyết…
Bà Trần Thị Oanh, cán bộ nhà nước đã nghỉ hưu ở quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, có quá nhiều tin đồn, đó là chưa kể những thông tin được gọi là chính thống trên phương tiện thông tin đại chúng về tình hình hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng hiện nay khiến bà không dám gửi tiền tiết kiệm tại NHTM cổ phần quen thuộc mà chuyển sang một ngân hàng có gốc quốc doanh. “Mặc dù đã bỏ thói quen trước đây là chỉ gửi tiết kiệm tại các ngân hàng quốc doanh nhưng nay tôi vẫn phải quay trở lại gửi tiền ở ngân hàng này vì không biết làm thế nào”, bà Oanh nói.
Trong cuộc trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo một NHTM từng bị đồn là nằm trong vào danh sách “chăm sóc” đặc biệt của NHNN vì lý do nợ xấu quá “khủng” đã tỏ ra bất bình trước những đồn kiểu này. Báo cáo tài chính mới nhất của ngân hàng này cho thấy, nợ xấu khá thấp so với mặt bằng chung của hệ thống ngân hàng hiện nay và đương nhiên không vượt quá ngưỡng an toàn cho phép của NHNN. “Những tin đồn kiểu này có ảnh hưởng phần nào tới hoạt động của ngân hàng, trong tháng vừa rồi, lãnh đạo cấp dưới có báo cáo tình hình về khách hàng rút tiền tiết kiệm chuyển sang ngân hàng khác”, vị lãnh đạo trên thốt lên.
Còn lãnh đạo một NHTM khác chia sẻ, ông đã tận mắt chứng kiến cảnh nhân viên của mình phát khóc sau khi mất rất nhiều công sức thuyết phục về độ an toàn của ngân hàng mà không giữ chân được một vị khách định gửi tiền tiết kiệm chỉ vì ngân hàng này không nằm trong nhóm G12.
Ông Vũ Tú, Tổng giám đốc TienPhongBank nêu quan điểm: Thứ nhất, Thống đốc cũng đã phát biểu rất rõ, quy mô vốn không phải là tiêu chí đánh giá chất lượng hoạt động của một ngân hàng mà phải căn cứ vào việc ngân hàng đó hoạt động có lành mạnh hay không; các chỉ số có đạt chuẩn của NHNN, thông lệ quốc tế không. Thứ hai, trong bất cứ nền kinh tế nào cũng đều duy trì một hệ thống các định chế tài chính lớn, vừa và nhỏ phù hợp quy mô và loại hình hoạt động của nền kinh tế. Nếu nghĩ ngân hàng lớn là tốt, còn ngân hàng nhỏ không tốt là hoàn toàn sai lầm.
“ Do vậy, để người dân có cách nhìn đúng về tình hình hoạt động của các ngân hàng, từng ngân hàng cần phải nỗ lực hơn trong hoạt động quảng bá thương hiệu, công bố thông tin minh bạch. Đồng thời, NHNN cũng phải hỗ trợ các ngân hàng trong việc công bố thông tin. Thời gian qua, việc thông tin chung chung về việc NHNN sẽ xem xét khả năng sáp nhập những ngân hàng yếu kém mà không nêu rõ tên ngân hàng nào đã khiến người dân không yên tâm”, ông Tú nói.
NHNN cũng cho biết, thời gian tới, NHNN tiếp tục tăng cường giám sát thị trường tiền tệ và hoạt động của từng TCTD cũng như toàn bộ hệ thống để phát hiện kịp thời và có biện pháp hỗ trợ thích hợp các TCTD có khả năng thiếu hụt thanh khoản, để bảo đảm thị trường tiền tệ hoạt động thông suốt, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền, an toàn của từng TCTD cũng như của cả hệ thống.
Nhuệ Mẫn
đầu tư chứng khoán
|