Cam kết giữ biến động tỷ giá 1%: Thách thức đáng kể!
(Infonet) – Ngoài việc chấn chỉnh giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do, chỉ thị mới đây của NHNN hé lộ thêm khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại tệ.
Khi mới nhậm chức, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã tuyên bố sẽ giữ ổn định tỷ giá USD/VND không tăng quá 1% cho đến cuối năm 2011. Tỷ giá bình quân liên ngân hàng tại thời điểm đó ở mức 20,628 VND/USD.
Sau hơn một tháng được giữ ổn định, tỷ giá liên ngân hàng liên tiếp được điều chỉnh tăng và hiện đang đứng ở 20,803 VND/USD sau 14 đợt điều chỉnh của NHNN.
Như vậy, so với mức 20,628 VND/USD thì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở thời điểm hiện tại đã tăng 0.85%, và đang tiến rất gần tới con số mục tiêu 1% do NHNN đưa ra.
Những tín hiệu tích cực từ cán cân thanh toán quốc tế, dòng kiều hối… là cơ sở để các nhà hoạch định chính sách tin tưởng vào cam kết giữ mức biến động 1%.
Theo số liệu ước tính của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cán cân thanh toán quốc tế năm nay sẽ thặng dư từ 4-5 tỷ USD, và dự trữ ngoại hối đã tăng từ 3.5 tuần nhập khẩu lên 7.5 tuần nhập khẩu.
Tuy vậy, áp lực lên tỷ giá USD/VND hiện vẫn đang đến từ nhiều phía như các khoản vay ngoại tệ đáo hạn, biến động lớn trên thị trường vàng, tâm lý kỳ vọng đồng nội tệ tiếp tục mất giá… Trong đó, vấn đề nhức nhối và khó giải quyết nhất vẫn là tâm lý lo ngại mất giá đồng nội tệ; và từ đó gây ra những hệ quả xấu như biến động lớn trên thị trường vàng và tâm lý kỳ vọng tỷ giá để đầu cơ.
Trên thị trường vàng bình ổn, nhu cầu vàng hiện vẫn rất lớn trong khi phần lớn số lượng vàng bán ra không quay trở lại hệ thống ngân hàng. Áp lực huy động ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro khi nhập khẩu vàng đã khiến cho cuộc rượt đuổi giữa tỷ giá thị trường tự do và tỷ giá chính thức vẫn đang diễn ra khá căng thẳng.
Trước những diễn biến rối ren trên thị trường vàng và ngoại tệ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 95 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 202 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Theo đó, mức phạt lên tới 300 - 500 triệu đồng đối với các hành vi hoạt động ngoại hối không được cấp phép hoặc giấy phép hết hạn, xuất nhập khẩu vàng lậu, niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ … Riêng với hành vi mua bán vàng, ngoại tệ sai quy định của pháp luật, ngoài bị tịch thu tang vật, hình phạt bổ sung là tước giấy phép hoạt động.
Tín hiệu tích cực từ động thái cứng rắn lần này là các hoạt động giao dịch ngoại tệ chợ đen kém sôi động hẳn đi và tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do đã có dấu hiệu hạ nhiệt hơn.
Song song với Nghị định 95 của Chính phủ, NHNN cũng vừa có văn bản ngày 27/10 gửi các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài để triển khai các giải pháp nhằm bình ổn tỷ giá và thị trường ngoại hối.
Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối báo cáo chi tiết doanh số giao dịch ngoại tệ với khách hàng, doanh số giao dịch ngoại tệ trên thị trường liên ngân hàng và trạng thái ngoại tệ cuối ngày 27/10/2011, đăng ký lượng ngoại tệ cần mua từ NHNN, cũng như dự báo nhu cầu ngoại tệ trong thời gian hai tuần tới.
Như vậy, ngoài việc chấn chỉnh giao dịch ngoại tệ trên thị trường tự do, chỉ thị mới đây của NHNN hé lộ thêm khả năng sử dụng nguồn dự trữ ngoại hối để bình ổn thị trường ngoại tệ.
Chọn giải pháp bảo toàn tương đối nguồn dự trữ ngoại hối hay sử dụng nó để giữ tỷ giá tăng không quá 1% là câu hỏi lớn đặt ra lúc này? Nếu ổn định thị trường vàng bằng nguồn dự trữ ngoại hối thì liệu thời gian bình ổn này sẽ kéo dài được bao lâu, khi giá vàng trên thế giới liên tục có những biến động khó lường.
Hoàng Vũ
|