Ngậm đắng lãi suất cho vay đến 23%, 24%/năm
Trong khi mặt bằng lãi suất cho vay hạ khoảng 1, 2% thì nhiều khách hàng đã vay vẫn “ngậm đắng” với lãi suất đến 23%, 24%/năm.
Anh Hùng, khách hàng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) than vãn, dù hiện tại lãi suất đã giảm xuống 21% - 23% (vay cá nhân) nhưng anh vẫn phải trả khoản vay ở đây với lãi suất 24%/năm.
Ấn bao nhiêu, chịu bấy nhiêu
Trong khi hàng loạt ngân hàng như BIDV, Vietcombank (VCB), Agribank… giảm lãi suất cho vay cá nhân về dưới 20%/năm và lãi suất cho vay doanh nghiệp xuống dưới 19%/năm thì tại nhiều ngân hàng thương mại cổ phần, lãi suất cho vay cá nhân vẫn còn cao. Chẳng hạn, lãi suất cho vay cá nhân tại ACB về vốn sản xuất, kinh doanh từ 21,5% - 21,84%/năm, “đứng” hơn 1 tháng trở lại đây, trong khi mặt bằng chung lãi suất đang xu hướng giảm.
Một số ngân hàng khác, lãi suất cho vay không những không giảm mà còn tăng. Như tại SHB, từ 24/10, ngân hàng này điều chỉnh lãi suất cho vay cá nhân từ 21 – 23%/năm lên 24,5% - 26%/năm, tùy vào từng hồ sơ khách hàng. Theo giải thích của một số nhân viên tín dụng, là do lãi suất liên ngân hàng tăng cao nên giá vốn tăng, các nhà băng không thể “giữ” lãi suất cũ.
Do lãi suất cao, những người đã “trót” giải ngân đành khóc thầm. Anh Hùng, cho biết: “Đến giữa tháng 10, tôi vẫn phải trả tiền vay với lãi suất 24%/năm. Vào thế đi vay rồi, ngân hàng ấn lãi bao nhiêu, mình chỉ biết gật đầu chấp nhận”. Chị Tâm, một khách hàng của ngân hàng khác, 6 tháng nay đều phải trả nợ vay với lãi suất 22,5%/năm, cũng khổ sở không kém: “Hồi tôi vay, lãi suất chỉ 13,5%/năm, rồi cứ lên tới giờ. 22,5% cũng cố thắt lưng, buộc bụng vì cái lý luôn thuộc về các ngân hàng”.
Nên có trần lãi suất cho vay?
Trong hợp đồng tín dụng, nhiều ngân hàng đưa mức độ biến động lãi suất tối đa dựa trên trần lãi suất huy động với biên độ ấn định trước, nhưng mức này ở các ngân hàng không giống nhau. Chẳng hạn, có ngân hàng đưa ra biên độ 4%, có ngân hàng là 5%, thậm chí 7%, 8%/năm. Hiện nay, nếu tính lãi suất cho vay trên cơ sở lãi suất huy động cộng với biên độ 8%/năm, thì mức cao nhất mà khách hàng phải trả cũng chỉ là 22%/năm, thấp hơn mức một số ngân hàng đang áp dụng. Đối với những hợp đồng tín dụng dài hạn, nhiều ngân hàng áp dụng biên độ này, nhưng cũng có ngân hàng lại “thả nổi” lãi suất. Hoặc trong một ngân hàng cũng áp dụng nhiều cách ấn định lãi suất khác nhau. Kết quả là khi đã vay tiền, khách hàng chỉ biết “ngân hàng nói sao nghe vậy”. Nhiều khách hàng đặt vấn đề: “Đã có trần huy động tại sao NHNN không quy định luôn trần lãi suất cho vay?”.
Trả lời việc có nên áp trần lãi suất cho vay, nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy, lắc đầu: “Biện pháp hành chính ấn định trần lãi suất huy động và cho vay rất khó thực hiện khi chi phí vốn cao. Tôi cho là không nên có trần lãi suất huy động, cũng không nên có trần lãi suất cho vay. Hiện nay có quá nhiều ngân hàng chứ không phải “độc quyền”, nên sẽ có sự cạnh tranh lãi suất.
Còn ông Cao Sĩ Kiêm lưu ý, khách hàng phải “chọn mặt mà vay”, vì các loại tín dụng đều trên cơ chế thỏa thuận. Trước khi vay, cá nhân, doanh nghiệp phải thẩm định kỹ hợp đồng tín dụng với các điều khoản đã ký. “Ấn định trần lãi suất cho vay là không nên làm, vì chúng ta đã có quá nhiều biện pháp hành chính”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Phương Nhi
đất việt
|