Nổ tín dụng đen: Phải bớt đi các yếu tố “đen”
Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM), thực chất các vụ đổ vỡ do vay mượn trong dân gian cũng là cấp tín dụng như ngân hàng, nhưng khác cơ bản đó là “đen”. Hạn chế đổ vỡ, cách tốt nhất là bớt đi các yếu tố “đen”. Ông Thơ nói:
- “Đen” được hiểu là không theo luật pháp như lãi suất cao, lãi nhập vốn, không theo thông lệ như cho vay phải có đăng ký, không được cho vay đảo nợ. “Đen” là vì người cho vay không yêu cầu bên đi vay có phương án kinh doanh hiệu quả, có tài sản thế chấp...
* Theo ông, cái mà người cho vay lãi suất cao thường mắc phải là gì?
- Với người đi vay, họ thường làm ăn theo kiểu đến đâu hay đến đó, chẳng có phương án kinh doanh với đầu vào, chi phí, đầu ra hoặc chu kỳ thu hồi vốn. Không những thế, họ chấp nhận rót tiền vào những dự án kinh doanh cực kỳ rủi ro như đầu cơ bất động sản, lướt sóng vàng, đầu tư chứng khoán.
Trong khi đó người cho vay thiếu hẳn thông tin về người đi vay. Họ cho vay không theo nguyên tắc nào cả. Người cho vay chỉ nghe chứ ít khi biết được người vay dùng tiền làm gì. Họ cũng chẳng biết người vay đã mất khả năng thanh toán. Khi rơi vào trường hợp này thì bên đi vay lại ra sức tô điểm để được vay thêm tiền nhằm gỡ gạc hoặc trả cho những người đã vay trước.
* Phải chăng kinh tế khó khăn là nguyên nhân dẫn đến vỡ nợ hàng loạt?
- Kinh tế tăng trưởng nóng thì chứng khoán, bất động sản cũng tăng nóng, thu hút giới đầu cơ rót vốn vào, trong đó có những người vay mượn tín dụng đen. Khi địa ốc, chứng khoán đóng băng, giá vàng biến động thất thường cũng là lúc xảy ra vỡ nợ.
Theo tôi, điều này chỉ là một phần hoặc thúc đẩy nhanh quá trình đổ vỡ mà thôi. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ mọi giao dịch của các vụ vỡ nợ đều ít nhiều có yếu tố “đen”. Ngay trên thế giới cũng thế, khi kinh tế toàn cầu rơi vào khủng hoảng, hàng loạt vụ đổ bể mới bùng nổ. Khi soi xét kỹ đều có nguyên nhân là làm ăn không chặt chẽ, thậm chí lừa đảo.
* Cách nào để nhận diện có nguy cơ rơi vào tín dụng đen hoặc bị lừa đảo?
- Lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Cách đơn giản nhất là so sánh lãi suất mà người vay sẽ trả với lãi suất ngân hàng. Nếu thấy mức chênh lệch cao, chắc chắn là có vấn đề. Hiện ngân hàng cho vay lãi suất 1,6-1,7%/tháng đã có người không trả nổi thì sớm hay muộn người vay tín dụng đen lãi suất 5-10%/tháng cũng vỡ nợ.
Cũng nên thực hiện theo đúng những gì pháp luật đã cho phép. Khi cho vay phải có hợp đồng công chứng việc vay mượn và có tài sản thế chấp đầy đủ để hạn chế người vay dùng một tài sản đi vay của nhiều người khác.
Đặc biệt, phải nắm rõ người đó dùng vốn vào mục đích gì. Nếu vào bất động sản, chứng khoán là rủi ro rất lớn bởi hình thức đầu tư này mang nặng tính đầu cơ, giá không lên, thanh khoản kém là vỡ nợ. Hết chu kỳ vay, người vay khất hẹn, đó cũng là dấu hiệu của việc làm ăn không hiệu quả, cần phải thận trọng, không nên cho vay thêm...
H.T.
tuổi trẻ
|