Vỡ nợ - hậu quả của tâm lý hám lợi
“Tại sao lại vào thời điểm hiện nay?” - TS Trịnh Duy Luân, viện trưởng Viện Xã hội học VN, đặt ra câu hỏi như vậy về các vụ vỡ nợ vừa qua, đồng thời cho rằng hầu hết các vụ vỡ nợ tín dụng không chính thức đều có liên quan đến kinh doanh bất động sản.
|
TS Trịnh Duy Luân, viện trưởng Viện Xã hội học VN |
* Nổ tín dụng đen: Phải bớt đi các yếu tố “đen”
* Thưa ông, hiện tượng vỡ nợ đang xảy ra hàng loạt với quy mô lớn. Từ góc nhìn của một nhà xã hội học, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng này?
- Cần có thêm khảo sát để có số liệu cụ thể nhưng tôi cho rằng hầu hết các vụ vỡ nợ vừa qua đều có liên quan đến kinh doanh bất động sản.
Liên tiếp xảy ra các vụ vỡ nợ
Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, cho biết theo thống kê sơ bộ, chín tháng đầu năm đã phát hiện khoảng 60 vụ vỡ nợ “tín dụng đen”, có vụ tổng số tiền lên tới 500 tỉ đồng. Các vụ vỡ nợ tập trung vào mười tỉnh thành, điển hình là Hà Nội và TP.HCM. “Phần lớn các vụ vỡ nợ thường người đi vay đầu tư vào bất động sản, chứng khoán. Người ta gọi đây là những thị trường vàng nhưng đến khi nó tụt giảm thì người đầu tư thất bại, mất khả năng trả nợ. Thiệt hại trong các vụ vỡ nợ này rất lớn nhưng khả năng thu hồi rất thấp, không đáng kể” - ông Tuyến nói.
Thông tin trên báo chí cho thấy Hà Nội là địa phương liên tục xảy ra các vụ vỡ nợ, trong đó có vụ ở Đan Phượng có số nợ xấp xỉ 300 tỉ đồng, vụ ở Hà Đông cũng lên đến vài trăm tỉ đồng, vụ ở huyện Phú Xuyên 300-400 tỉ đồng. Gần đây nhất, ở Q.Cầu
Giấy có vụ vỡ khoảng 100 tỉ đồng. Các vụ này có điểm chung là chủ nợ vay vốn, trả lãi suất cao rồi bỏ trốn. Đáng lưu ý, trong vụ vỡ nợ ở Phú Xuyên con nợ phải trả lãi trung bình 6%/tháng với khoản tiền lãi lên đến hàng tỉ đồng/tháng.
Cũng vì không trả nổi nợ nần mà có màn kịch thôi miên “cướp” vàng ngày 21-10 tại chợ Châu Ổ (thị trấn Châu Ổ, Quảng Ngãi). Sau khi vụ việc bị lật tẩy, nhiều người dân đã tụ tập trước nhà bà chủ tiệm vàng đòi tiền cho vay.
L.T.T. tổng hợp |
Hiện thị trường này đang bị chao đảo, đóng băng và rối loạn bởi các chính sách thắt chặt tín dụng. Nhiều “đại gia” đang bị dồn vào chân tường, khó khăn về vốn, đứng trước nguy cơ phá sản và vỡ nợ. Hiện tượng tín dụng không chính thức đã tồn tại khá lâu nhưng đến bây giờ mới có điều kiện bùng phát.
Về mặt pháp lý, đây là một quá trình giao dịch tự nguyện của hai bên, các chủ nợ và con nợ, không bị ép buộc bởi bên nào và cũng không nhờ đến sự bảo trợ của pháp luật. Đây chỉ là các giao dịch dân sự thông thường nên tôi muốn gọi đó là các giao dịch không chính thức, tín dụng không chính thức, giống như nhiều loại hình tín dụng không chính thức khác trong nhân dân ở quy mô nhỏ như việc chơi hụi, chơi họ, cùng góp vốn đầu tư...
Vấn đề xã hội là phải tìm hiểu xem trong các giao dịch này chủ nợ và con nợ là ai, động cơ nào dẫn đến các giao dịch, nguyên nhân nào dẫn đến các hậu quả như hiện nay.
* Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, tổng cục phó Tổng cục An ninh II kiêm giám đốc Công an Hà Nội, khi trả lời trên truyền hình có nói bên cạnh thủ đoạn làm ăn bất chính, lừa đảo của chủ nợ còn có sự giúp sức của chính nạn nhân, hay gọi thẳng là thói hám lợi. Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Cũng không sai, nếu nói nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là tâm lý hay “máu” hám lợi của các nhà đầu tư, bất chấp các quy luật phổ biến của kinh tế thị trường. Tâm lý hám lợi luôn mang tính bản năng như một đặc trưng của kinh tế thị trường.
Thế nhưng một nguyên lý rất đơn giản mà không cần phải là nhà kinh tế cũng có thể được nghe và đồng ý trong hoạt động đầu tư và kinh doanh: lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn. Tuy nhiên trong một nền kinh tế thị trường, mọi việc đều có thể xảy ra, dù đó là việc kỳ quái nhất và khó tin nhất.
Ta hãy thử đoán xem chủ nợ trong các vụ vỡ nợ này là ai. Chắc chắn số đông không phải là người nghèo. Họ có bạc tỉ, chí ít cũng vài trăm triệu đồng. Tiền này họ có được do đâu? Không ít người kiếm được bằng những cách thức khá dễ dàng, do nhiều cơ may, thậm chí từ những khoản đầu tư siêu lợi nhuận trước đó. Tức là trước đó có được tiền bằng các phương pháp nhiều rủi ro. Vì thế, họ có cơ sở tài chính và cả tâm lý để tiếp tục chơi trò rủi ro trên cơ sở thói hám lợi cố hữu.
Một nhóm người khác, có tiền nhưng ít kiến thức, không biết đầu tư kinh doanh vào đâu, không được tư vấn, không lường trước được rủi ro, lại bị tâm lý hám lợi thôi thúc cũng tự nguyện trở thành con mồi của các con nợ.
Còn các con nợ “đại gia” là ai? Tôi không cho rằng tất cả họ đều là những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp. Sẽ có một bộ phận là các nhà đầu tư bất động sản, chứng khoán, vàng... Họ có thể đã có những thành công ở chặng đầu và không biết hoặc không thể dừng chân, hăm hở lao vào các phi vụ phiêu lưu mới.
Ông bà ta thường nói “Đi đêm có ngày gặp ma”, đến khi “gặp phải ma” thì họ vùng vẫy, quẫy đạp để thoát ra. Hoàn cảnh xô đẩy dẫn họ trở thành kẻ lừa đảo trong mắt các chủ nợ, công luận và luật pháp.
Ở đây, cũng cần đề cập cả cơ sở thực tiễn cho hiện tượng này. Đó là sự tồn tại một loại thị trường ngầm, thị trường “đen“, không kiểm soát được và có phần “hoang dã” ở nước ta. Đây là sản phẩm của những khiếm khuyết về cơ chế, pháp luật chưa đầy đủ, bị các cá nhân lợi dụng và thao túng... Thị trường này đặc biệt quen thuộc trong lĩnh vực buôn bán bất động sản, làm giá chứng khoán, vàng...
Đương nhiên, có những con nợ vốn là những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp, có ý đồ, thủ đoạn được thiết lập ngay từ đầu. Chúng nắm rõ tâm lý “hám lợi” và có những thủ đoạn tinh vi để câu nhử các con mồi. Với đối tượng này, rõ ràng pháp luật phải vào cuộc. Rất tiếc là ranh giới để phân biệt loại con nợ này với loại thứ nhất không hề dễ dàng.
* Theo những nghiên cứu của ông, ở VN có bao giờ xã hội lâm vào cơn “vỡ nợ dây chuyền” như hiện nay?
- Trong thập niên 1980, khi chúng ta chuẩn bị chuyển sang cơ chế thị trường, từng có một đợt sóng vỡ nợ các loại “tín dụng nhân dân”, HTX tín dụng, khiến không ít người dân ở đô thị mất trắng tài sản dành dụm cả đời. Nhưng lúc đó hầu hết họ là người lao động, đặc biệt họ chưa hề có một chút kiến thức gì về kinh tế thị trường, về tín dụng, vay nợ... Đó có thể xem là “cơn sốt vỡ da” của người dân khi chuyển từ thời kỳ bao cấp sang cơ chế thị trường.
Còn bây giờ, sau gần 30 năm phát triển kinh tế thị trường, đáng ngạc nhiên là chúng ta vẫn tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện các nạn nhân mới của hiện tượng “hám lợi và hoang tưởng”. Phải chăng đây là “cơn sốt vỡ da” thứ hai?
Như vậy, ít nhất có hai chiều cạnh cần chú ý. Thứ nhất, có thể đó là sự phản ánh một loại hệ quả của kinh tế thị trường trong những giai đoạn hiện tại. Thứ hai, có một bộ phận dân chúng đang rất thiếu hụt kiến thức và thông tin phổ thông về kinh tế thị trường, tài chính tín dụng. Và do vậy, các hoạt động truyền thông kiến thức, hỗ trợ tư vấn về pháp lý và về đầu tư rất cần được tăng cường.
Thu Hà thực hiện
TUỔI TRẺ
|