Thứ Tư, 26/10/2011 06:50

Nông sản biến đổi gen: lờ cảnh báo, lừa người mua

Trong khi vấn đề cây trồng và sản phẩm biến đổi gen (GMO) vẫn còn đang tranh cãi thì sản phẩm này đã đầy rẫy trên thị trường với thông tin mập mờ che giấu người tiêu dùng.

Âm thầm xâm nhập

Theo số liệu của Cơ quan dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học nông nghiệp (ISAAA), cho đến năm 2010, 15 năm sau khi giống cây trồng BĐG được trồng đầu tiên, đã có có 29 quốc gia đã trồng giống cây này trên đồng ruộng. Tổng diện tích cây trồng biến đổi gen trên thế giới là 149 triệu hec ta, trong đó 3 cây trồng chiếm diện tích lớn nhất là đậu tương (73,3 triệu hec ta), ngô (46,8 triệu hec ta), và bông vải 21 triệu hec ta). Việt Nam mới chỉ thí điểm trong phạm vi nhỏ để đi kết luận có trông loại cây này hay không. Tuy nhiên, trong khi việc trồng cây BDG chưa có kết luận thì sản phẩm này đã bán tràn lan.

GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Tổng Thư ký Hội sinh học Việt Nam cho rằng: Dù muốn hay không Việt Nam cũng đang sử dụng sản phẩm cây trồng biến đổi gen. Cụ thể mỗi năm chúng ta nhập khẩu trên 2 triệu tấn khô dầu đậu tương và 1,6 triệu tấn ngô, trong đó đa số là ngô biến đổi gen.

Theo ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: "Kết quả điều tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tại Hội thảo về thực phẩm biến đổi gen hồi tháng 9/2007 cho thấy, hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi có mặt trên thị trường đều chứa sản phẩm GMO. Trong một số giống ngô biến đổi gen mang gen Bt (chống sâu đục thân)  được trồng lẫn với ngô bình thường tại Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, các nhà khoa học đã xác định có hiện tượng trội gen. Điều lo ngại là các giống ngô này là do một số công ty nước ngoài thông qua trung gian đưa trực tiếp cho nông dân trồng và bao tiêu sản phẩm. Người dân Nam Trung Bộ và Tây Nguyên cũng trồng bông biến đổi gen một cách tự phát."

Qua khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 đã phát hiện 111/323 mẫu nguyên liệu, sản phẩm sơ chế, chế biến có nguồn gốc từ bắp, đậu nành, khoai tây, gạo, đậu Hà Lan... đang được bày bán tại 17 chợ, siêu thị ở TP.HCM có hàm lượng  biến đổi gen.

Người tiêu dùng không phân biệt được nông sản biết đổi gen do không có nhãn mác rõ ràng. Ảnh minh họa

Kỹ sư Trần Thị Mỹ Hiền, trưởng nhóm nghiên cứu đề tài "Khảo sát sự có mặt của biến đổi gen trong nông sản nguyên liệu và một số sản phẩm chế biến khác đang lưu hành trên thị trường TP.HCM" nhận định: "Các cây trồng và sản phẩm biến đổi gen được nhập vào nước ta bằng nhiều con đường, chính thức hoặc không chính thức nhưng vẫn chưa được quản lý, thông báo công khai".

Hồi đầu tháng 10/2011, buổi Tọa đàm về biến đổi gen, rất nhiều các nhà khoa học xác nhận rằng:  Thực ra thì hầu hết các mẫu thức ăn chăn nuôi trên thị trường Việt Nam hiện đều chứa sản phẩm biến đổi gen (như ngô và đậu tương). Phần lớn chúng được nhập chính thức qua các công ty liên doanh với nước ngoài và chưa được kiểm soát.

Bỏ qua cảnh báo, lừa người tiêu dùng

Theo Quyết định về quy chế quản lý an toàn sinh học đối với biến đổi gen, sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc từ GMO, các sản phẩm biến đổi gen phải được cấp giấy chứng nhận an toàn sinh học và sản phẩm biến đổi gen lưu thông trên thị trường trên nhãn phải ghi dòng chữ "sản phẩm có sử dụng công nghệ biến đổi gen". Tuy nhiên, các đơn vị nhập khẩu, phân phối loại sản phẩm này vẫn chưa công khai thông tin trên nhãn để người tiêu dùng chọn lựa.

Đáng buồn hơn, nhiều đại biểu cho rằng, hầu hết bông trồng ở Việt Nam đã gần như 100% là bông GMO. Điều đáng tiếc là các nhà khoa học Việt Nam mới đang cố gắng làm chủ công nghệ này chứ chưa có kết quả gì rõ ràng.

Theo ông Đỗ Gia Phan, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam: "Trong khi công nghệ biến đổi gen còn đang tranh cãi, mới chỉ được rất ít nước áp dụng trong sản xuất, ta nên hết sức thận trọng, tránh nôn nóng để trở thành vật hy sinh cho những nhược điểm của công nghệ này. Đặc biệt, tất cả những sản phẩm biến đổi gen phải được dán nhãn theo đúng quy định của Nhà nước để người dân biết và lựa chọn."

Ông Trần Đình Long cho rằng: "Sự xuất hiện quá nhiều sản phẩm, cây trồng GMO trên thị trường chứng tỏ việc quản lý và giám sát cây trồng GMO cũng như sản phẩm GMO của nước ta còn quá yếu kém, vi phạm Luật An toàn sinh học".

Cho đến nay, Bộ NN&PTNT đã tiến hành 2 bước khảo nghiệm các giống. Bộ NN&PTNT cho biết, các cơ sở pháp lý để sử dụng giống cây trồng biến đổi gen ở Việt Nam đã được xây dựng và tương đối hoàn chỉnh. Lộ trình sử dụng giống cây trồng này cũng được xác định chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm và bước đi thận trọng.

Trước mắt chỉ cho phép khảo nghiệm ba loại cây là ngô, đậu và bông vải. Đây là ba loại cây biến đổi gen trên thế giới trồng nhiều và cũng là sản phẩm mà Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn. Đồng thời không có chủ trương phát triển cây trồng biến đổi gen đối với nhóm cây xuất khẩu chủ lực như lúa gạo, cà phê, tiêu, điều, chè, cây ăn quả...

Hưng Sơn

Diễn đàn kinh tế VN

Các tin tức khác

>   Thị trường mủ cao su: Giá cả thất thường (25/10/2011)

>   Giá cà phê vượt cạn (25/10/2011)

>   Sản lượng đường niên vụ mới có thể tăng thêm 250.000 tấn (25/10/2011)

>   Đã xuất khẩu được 6,111 triệu tấn gạo (24/10/2011)

>   Xuất khẩu gạo: Không nên quá lạc quan! (23/10/2011)

>   Xuất khẩu cà phê có điều kiện: Lợi bất cập hại? (23/10/2011)

>   Có 136 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo (22/10/2011)

>   ĐBSCL sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao (21/10/2011)

>   Gạo Việt chiếm lĩnh Hong Kong (21/10/2011)

>   Muốn vay 45.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp cà phê, điều (21/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật