Giá cà phê vượt cạn
Giá cà phê robusta trên thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe (London) đã bật lên lại vào cuối tuần trước và khuya hôm qua, phiên đầu tuần. Không riêng gì giá cà phê, giá hầu hết các loại hàng hóa có kinh doanh trên các TTKH đều đi chung hướng, theo từng hơi thở của các buổi thương thảo của các vị lãnh đạo các nước thuộc khu vực sử dụng đồng euro (eurozone).
|
Giá đóng cửa TTKH Liffe đầu niên vụ 2011/12 so với hôm nay(tác giả tổng hợp) |
Cuối tuần, các nước khu vực eurozone, đặc biệt là 2 nước Đức và Pháp, vẫn chưa đi tới một đồng thuận rõ ràng về cách sử dụng lượng tiền góp chung vào trong Quỹ Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF). Tuy nhiên, quyết tâm cứu cho được Hy Lạp thì khá rõ. Mặt khác, tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bật đèn đỏ cho đợt mua cổ phiếu vòng 3 trong gói kích cầu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các tin ấy có thể là nguyên nhân chính cho đợt tăng giá trên các TTKH hàng hóa, trong đó có cà phê.
Trong khi đó, từ hơn cả tuần nay, thời tiết nắng và khô đã thúc cà phê tại các vùng trồng ở Tây nguyên và Đông Nam bộ chín nhanh. Có vài nơi, nông dân bắt đầu hái bói. Song, để thu hoạch đại trà, trái cà phê cần ít ra từ 7 đến 10 ngày nắng nữa mới bảo đảm độ chín đủ và đều. Như vậy, đến giữa tháng 11, chắc có hàng lai rai ra thị trường. Còn lượt ra đại trà cũng cần phải đến cuối tháng 11 hay đầu tháng 12. Với thời điểm ấy, thu hoạch niên vụ này được xem là bình thường, không sớm cũng không muộn.
Giá TTKH tăng mạnh đã kéo giá nội địa qua khỏi “mức tâm lý” 40.000 đồng/kg. Đến sáng hôm nay 25/10, giá quay lại mức chừng 41.500 - 42.000 đồng, giảm 500 đồng so với ngày đầu tháng, song tăng cả 2.000 đồng/kg so với sáng thứ Sáu tuần trước.
Mua bán nội địa vẫn chưa nhộn nhịp vì các nhà xuất khẩu lớn vẫn đang rất dè dặt do giá kỳ hạn dao động khôn lường và quá rủi ro. Hơn nữa, lãi suất ngân hàng ở các mức chừng 18%-20%/năm không khuyến khích họ mua sớm để ghim hàng được. Trong khi đó, các nhà xuất khẩu nhỏ cũng chẳng dám mạnh tay mua bán do tin đồn hạn chế xuất khẩu đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Trên TTKH robusta Liffe, sau khi xuống mức thấp dưới 1.850 đô la/tấn cơ sở giao dịch tháng 1-2012, giá bùng lên lại. Qua chỉ 2 ngày giao dịch thứ Sáu cuối tuần và thứ Hai đầu tuần này, Liffe đã lấy lại 83 đô la. Như đã nói, giá tăng đợt này chủ yếu do các yếu tố kinh tế vĩ mô. Song, phải nói rằng giá xuống nhanh dịp tuần trước đã làm khựng đáng kể các hoạt động mua bán.
Ở mức dưới 1.850 đô la/tấn, người trên thị trường xác nhận rằng chẳng có nhà xuất khẩu nào dám bán. Đồng thời, tin lượng hàng có giấy xác nhận chất lượng giảm cũng đã giúp cho Liffe tự tin tăng.
Về xuất khẩu, hiện nay, nếu ai còn các hợp đồng cũ, loại 2, 5% đen vỡ vẫn còn có giá xấp xỉ 2.000 đô la/tấn để giao hàng xuống tàu. Còn giá hiện thời, khách chào mua vẫn giữ mức trừ 80-90 đô la/tấn dưới giá TTKH Liffe cho giao hàng tháng 12 trở đi.
|
Tồn kho có xác nhận chất lượng Liffe (certs) giảm lần thứ 7 liên tiếp. (Tác giả tổng hợp) |
Tính đến ngày 17/10/2011, lượng cà phê có giấy xác nhận chất lượng Liffe giảm thêm 17.560 tấn, chỉ còn 350.520 tấn. Đây là lần giảm thứ 7 liên tiếp sau khi hàng tồn kho loại này tăng lên mức kỷ lục của mọi thời đại 417.420 tấn vào ngày 10-7-2011. Tuy nhiên, với mức hiện nay, tồn kho này cũng vẫn còn cao hơn 40% con số cách đây 52 tuần là 215.190 tấn.
Lại thêm một lần nữa, giá cà phê nội địa vượt cạn thành công, qua mức quan trọng 40.000 đồng/kg. Liệu mức này có được giữ bền vững khi các nước khu vực eurozone giải quyết ổn thỏa tình hình khủng hoảng của họ?
Dù sao, giá cà phê nội địa và xuất khẩu vẫn rất bấp bênh vì phải trôi nổi theo các hoạt động kinh tế của nước người. Nên, tìm cho ra hướng, tìm cho ra tiếng nói riêng của hạt cà phê Việt Nam xem ra vẫn đang còn dài phía trước.
Nguyễn Quanh Bình
TBKTSG ONLINE
|