Xuất khẩu gạo: Không nên quá lạc quan!
Việt Nam cần tránh xu hướng một chiều khi nhìn nhận về chính sách thu mua lúa gạo mới của Thái Lan để xây dựng một chiến lược sản xuất và xuất khẩu lúa gạo lâu dài, có lợi nhiều hơn cho nông dân.
Tình hình sản xuất và xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam
Năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,7 triệu tấn gạo và năm 2011 có thể sẽ đạt hơn 7 triệu tấn. Giai đoạn 2005-2010 là thời kỳ xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam tăng trưởng rất mạnh cả về giá cả và số lượng. Tổng khối lượng xuất khẩu trong sáu năm đạt gần 32 triệu tấn, trị giá 12 tỉ đô la Mỹ, chiếm 41% về số lượng và 56% về kim ngạch xuất khẩu trong giai đoạn 1989-2010. Đặc biệt, năm 2009 số lượng gạo xuất khẩu đã vượt mức 6 triệu tấn(1), vượt xa các tính toán trước đó cho rằng Việt Nam chỉ có thể xuất khẩu 5 triệu tấn gạo.
Nếu tiếp tục đà tăng 2%/năm (mức trung bình giai đoạn 2006-2010), đến năm 2015 Việt Nam có thể đạt sản lượng 44-45 triệu tấn lúa. Trong hai năm gần đây, Việt Nam đã có sự cải thiện đáng kể các khâu sau thu hoạch, giúp gia tăng lượng gạo thương phẩm ra thị trường. Nếu triển vọng gia tăng sản lượng trong các năm tới trở nên chắc chắn hơn thì trong 3-4 năm tới khối lượng xuất khẩu đạt 9 triệu tấn gạo có nhiều khả năng xảy ra. Trong khi đó, dự báo tình hình thị trường vẫn tốt ít nhất trong trung hạn, bởi nhu cầu thế giới tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp và các nước nhập khẩu lúa gạo vẫn chưa có những thay đổi đáng kể về sản lượng.
Chính sách mới của Thái Lan và triển vọng xuất khẩu của Việt Nam
Từ ngày 7-10-2011, Chính phủ Thái Lan đã nâng giá mua lúa của nông dân từ 10.000 lên 15.000 baht đối với lúa thường và từ 15.000 lên 20.000 baht với loại Hom Mali. Với tỷ giá ở mức 30 baht/1 đô la Mỹ, tính ra mức giá lúa thường vào khoảng 500 đô la Mỹ và Hom Mali vào khoảng 670 đô la Mỹ/tấn. Với mức giá này thì giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Thái Lan sẽ khoảng 850 đô la Mỹ/tấn.
Thái Lan là nhà cung cấp gạo hàng đầu, chiếm 30% thị phần xuất khẩu của thế giới, nên việc tăng giá thu mua nội địa chắc chắn sẽ tác động đến giá thế giới. Và những nước xuất khẩu gạo như Việt Nam, Ấn Độ, Campuchia hay Myanmar… đều có thể hưởng lợi từ việc giá thế giới tăng.
Với chính sách mới của Thái Lan, Việt Nam có thể vượt lên trở thành nhà xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn tác động chính sách của Thái Lan từ cả hai phía: lợi và bất lợi. Nếu Thái Lan duy trì chính sách nhất quán và kéo dài ít nhất 4-5 năm thì Việt Nam có thể hưởng lợi trong 3-4 năm đầu, khi giá lúa gạo thế giới tăng kích thích tăng trưởng sản lượng sản xuất trong nước, qua đó gia tăng sản lượng xuất khẩu. Nhưng điều này cũng ẩn chứa rủi ro bởi giá gạo tăng cũng đồng thời kích thích việc gia tăng sản lượng ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan… và cả những nước nhập khẩu nhưng có tiềm năng sản xuất lúa gạo. Khi cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ đảo chiều. Khi giá cả tăng vọt, việc kích thích sản xuất trong ngắn hạn thường kéo theo gia tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận biên. Khi giá cả đảo chiều, với lợi nhuận biên thấp thì nguy cơ lỗ là rất lớn. Bài học này không chỉ riêng với lúa gạo, mà trong sản xuất cá, tôm đều gặp phải. Đây là vấn đề Việt Nam phải tính đến để tránh thiệt hại cho nông dân.
Nếu Thái Lan chỉ thực hiện chính sách trên trong một vài năm thì tác động đến Việt Nam cũng chỉ trong ngắn hạn. Bài học trong lịch sử cho thấy giá cả ổn định và xu hướng tăng chậm là có lợi nhiều nhất cho Việt Nam.
Việt Nam nên ứng xử như thế nào?
Việt Nam không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ hai trong việc xuất khẩu gạo mà nên quan tâm nhiều đến chính sách dài hạn và lợi ích lâu dài của nông dân. Vị trí thứ nhất hay thứ hai chưa chắc mang lại sự giàu có, sung túc. Ngược lại, đó có thể là một cái bẫy mang lại nhiều rủi ro do chi phí gia tăng. Lợi ích trong dài hạn phải thuộc về nông dân, cái đảm bảo tốt nhất cho an ninh lương thực quốc gia.
Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam là đóng góp vào an ninh lương thực thế giới. Việt Nam sẽ cung cấp có trách nhiệm với thị trường lúa gạo quốc tế theo khả năng tối đa của mình. Do đó, cần tiếp tục theo dõi tác động thị trường sau khi Thái Lan thực hiện chính sách mới để có những chỉ dẫn kịp thời.
Trường hợp giá thế giới tăng, Chính phủ cũng không nên áp thuế xuất khẩu gạo. Thay vào đó, có thể áp dụng mức thu phí xuất khẩu cho việc thành lập quỹ hỗ trợ nông dân để đầu tư trở lại cho vùng trồng lúa nhằm cải thiện đời sống và phúc lợi của nông dân, cũng như hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Thu phí này là để ngăn chặn tình trạng tăng giá quá nóng mà lợi ích có thể nằm ở các nhóm đầu cơ, nhưng lại ảnh hưởng không tốt đến giá cả thị trường.
Chính sách mới của Thái Lan nhằm làm lợi cho nông dân của họ, tác động đến giá cả thị trường thế giới là có, nhưng mạnh yếu như thế nào còn tùy thuộc nhiều yếu tố chứ một mình Thái Lan không thể quyết định được. Không phải tất cả khoản tăng giá mua lúa gạo của Chính phủ Thái Lan đều phản ánh vào sự tăng giá của thị trường, bởi nó còn phụ thuộc vào nhu cầu thế giới, nguồn cung cũng như chính sách của các quốc gia nhập khẩu. Đây là vấn đề cần tiếp tục theo dõi, sự lạc quan nếu có cũng chỉ nên ở mức vừa phải.
Việt Nam nếu có hưởng lợi từ chính sách mới của Thái Lan thì cũng như nhiều quốc gia xuất khẩu gạo khác, chứ không phải cá biệt. Do đó, cần tránh xu hướng một chiều khi nhìn nhận đánh giá. Là nước xuất khẩu nhiều lúa gạo, đã có một thị phần vững chắc và các mối quan hệ bạn hàng gắn bó, vì vậy chúng ta cần nuôi dưỡng tiềm năng xuất khẩu và các mối quan hệ vững chắc trong một chiến lược lâu dài.
_________________________
(1) Số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, có khác chút ít so với số liệu do Tổng cục Thống kê công bố.
TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ
TBKTSG Online
|