Thứ Năm, 20/10/2011 21:29

Giá gạo thế giới sẽ tăng mạnh từ đầu năm 2012

Chưa bao giờ thế giới lại phải đối mặt với nhiều bất ổn về an ninh lương thực như hiện nay. Mưa bão, lũ lụt đang gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng ở nhiều quốc gia châu Á, đồng thời làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ của các nước không có khả năng sản xuất. Đây là những nhận định được các chuyên gia lúa gạo đưa ra trong hội nghị thương mại gạo thế giới năm 2011 tổ chức tại TP.HCM từ ngày 19 - 21.10. Những bất ổn này, dự báo cũng sẽ đẩy giá gạo thế giới tăng lên trung bình 700 USD/tấn vào đầu năm 2012…

Thế giới nín thở chờ… giá gạo!

Nhiều nước đang tăng cường nhập khẩu gạo dự trữ. Ảnh: Reuters

Trong vòng vài tháng trở lại đây, mọi thông tin xấu tạo nên áp lực tăng giá gạo trên thị trường thế giới đều tập trung vào quốc gia chi phối tới 30% sản lượng gạo toàn cầu là Thái Lan. Chính sách hỗ trợ tăng giá thu mua lúa thường lên 15.000 baht/tấn hôm 7.10, ngay lập tức đã đưa giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên 614-630 USD/tấn. Mặc dù chưa đạt đến con số kỳ vọng 800 USD/tấn như nhiều dự báo đưa ra trước đó, nhưng sự tăng giá gạo của Thái Lan đã kéo mặt bằng giá gạo thế giới tăng ít nhất 100 USD/tấn. Trong vòng vài tuần trở lại đây, tình hình lũ lụt tại Thái Lan còn gây ra thiệt hại lớn đến sản lượng lúa vụ chính đang thu hoạch cũng khiến cho giá gạo thế giới chao đảo. Mới đây, Chính phủ Thái Lan công bố con số thiệt hại lên tới 4 triệu tấn lúa, trong khi bà Korbsook Jamsuri, chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan dẫn con số thiệt hại từ Bộ Nông nghiệp nước này ước vào khoảng từ 2-2,5 triệu tấn.

Phát biểu tại hội nghị thương mại gạo thế giới hôm 20.10, bà Korbsook Jamsuri trấn an trước 500 khách mời là các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu, chuyên gia lúa gạo đến từ khắp nơi trên thế giới rằng, tồn kho gạo của nước này đủ bù đắp cho sản lượng thiệt hại do mưa lũ gây ra. Hiện nay, theo bà, trong hệ thống kho tư nhân còn tồn khoảng 4 triệu tấn gạo và 1 triệu tấn tại kho nhà nước, số gạo này ít nhất sẽ đáp ứng đủ nguồn cung tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, xét ở góc độ xuất khẩu thì trong năm 2012, theo bà Korbsook Jamsuri, dự báo lượng gạo hàng hoá của Thái Lan bán ra thị trường sẽ giảm đáng kể so với con số ước tính của năm nay là hơn 11 triệu tấn.

“Mặc dù sản lượng xuất khẩu giảm nhưng tôi tin rằng lợi nhuận vẫn đảm bảo vì giá bán của chúng tôi đang có xu hướng tăng”-bà Korbsook Jamsuri nói.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, sự tham gia vào thị trường gạo thế giới của Ấn Độ với việc Chính phủ nước này cho giới doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 3 triệu tấn gạo non-Basmati sẽ khó chặn được đà tăng giá gạo. Ông Jeremy Zwinger, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành tạp chí The Rice Trader nhận định: Ấn Độ là một nhân tố quan trọng sau ba năm quay trở lại tham gia thị trường xuất khẩu gạo, nhưng sự tăng giá trên thị trường gần đây chủ yếu còn đến từ yếu tố tâm lý chứ không hoàn toàn do biến động cung cầu. Hơn nữa, hiện nay sự hạn chế về hậu cần cảng biển của Ấn Độ cũng không cho phép nước này có thể xuất ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn ra thị trường 3 triệu tấn gạo như kế hoạch.

“Thái Lan với Chính phủ mới, đặt ra những mục tiêu và chính sách mới. Còn Ấn Độ họ cũng không cớ gì phải bán gạo giá thấp giữa lúc mặt bằng giá thế giới cao. Tôi nghĩ rằng giá gạo sẽ tăng lên 700 USD/tấn vào đầu năm 2012," ông Jeremy Zwinger phân tích.

Mức giá gạo trên 600 USD/tấn của Thái Lan và Việt Nam hiện nay được khách hàng đánh giá là quá cao nên tình hình giao dịch ở hai thị trường này vài tuần gần đây khá trầm lắng. Bà Cao Thị Ngọc Hoa, phó tổng giám đốc Tổng công ty lượng thực miền Nam, cho biết hiện nay gạo Ấn Độ đang rẻ nhất thế giới (khoảng 320-450 USD/tấn gạo 25 và 15% tấm). Tuy nhiên, đây là gạo tồn kho, chất lượng thấp nên chỉ bán vào thị trường châu Phi, Trung Đông, còn khách hàng cần gạo cao cấp thì phải tìm đến Việt Nam và Thái Lan. Bà Korbsook Jamsuri, chủ tịch hiệp hội xuất khẩu gạo Thái Lan cũng khẳng định, giá gạo của Thái Lan sẽ khó giảm vì đã được tính toán đầy đủ chi phí cộng với lợi nhuận. “Việc mua trợ giá lúa của nông dân ở mức cao hơn 44% so với trước sẽ khó có thể hy vọng giá bán thấp,” bà nói thêm.

Trong khi đó, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, các yếu tố cung cầu gạo thế giới đều tăng khá nhanh trong niên vụ 2010-2011. Dù lượng gạo sản xuất trên toàn cầu đạt 451,2 triệu tấn, tăng 11,1 triệu tấn so với niên vụ trước nhưng lượng tiêu thụ cũng tăng tới 10,5 triệu tấn. Trong đó lượng gạo thương mại tăng từ 31,6 triệu tấn trong niên vụ trước lên 32,7 triệu tấn trong niên vụ này.

“Chênh lệch vừa phải với gạo Thái Lan!”

Đất nước chi phối 30% sản lượng gạo toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Reuters

Việt Nam sẽ gặt hái được gì khi mặt bằng giá gạo thế giới tăng cao? Liệu từ nay đến hết quý 1.2012 - trước khi vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, doanh nghiệp còn đủ gạo tồn kho để tận dụng cơ hội xuất khẩu? Trả lời câu hỏi này, ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), khẳng định năm nay ngoài con số xuất khẩu đạt kỷ lục 7-7,3 triệu tấn gạo, Việt Nam sẽ đảm bảo yêu cầu gối đầu tồn kho xuất khẩu đến hết quý 1.2012 cũng như ổn định thị trường nội địa. Số liệu thống kê của cục Trồng trọt cũng khẳng định sản lượng lúa năm nay của Việt Nam sẽ tăng hơn 1 triệu tấn so với năm 2010, đạt 41 triệu tấn. Sau khi cân đối tiêu dùng nội địa, Cục trồng trọt dự báo năm 2011 sẽ còn dư khoảng 8 triệu tấn gạo hàng hoá xuất khẩu.

Nhận định thị trường trong thời gian tới, theo ông Phạm Văn Bảy, ngay trong quý 1/2012 doanh nghiệp đã có hợp đồng bán 100.000 tấn gạo sang Malaysia. Bên cạnh đó, từ nay đến hết tháng hai năm sau, chắc chắn thị trường Indonesia sẽ có nhu cầu nhập khẩu trở lại, sản lượng dự kiến khoảng trên nữa triệu tấn. Vài tháng trước, Philippines công bố đến giữa năm sau nước này sẽ không có kế hoạch nhập gạo do lượng tồn kho đảm bảo đủ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, tình trạng bão lụt xảy ra liên tiếp gần đây đã gây ảnh hưởng nặng nề mùa vụ cũng như thất thoát gạo dự trữ nên Philippines sẽ sớm phải mua gạo trở lại. Và dự báo Việt Nam là lựa chọn số một của nước này.

“Vấn đề còn lại là doanh nghiệp phải tỉnh táo phân tích thị trường, không nên quá vội vã bán ra và đặc biệt cần phải đảm bảo 100% lượng hàng tồn kho trước khi ký hợp đồng,” ông Bảy khuyến cáo.

Xét ở góc độ thị trường khi có sự cạnh tranh và nâng đỡ giá từ Thái Lan, theo ông Jeremy Zwinger, doanh nghiệp Việt Nam cần cân bằng một mức giá thấp hơn nhất định so với Thái Lan. Ông cho rằng, trong nhiều năm qua, việc gạo Việt Nam luôn duy trì thấp hơn so với Thái Lan trung bình 30-50 USD/tấn là một chích sách khôn khéo.

“Xét về chất lượng thì gạo Việt Nam không bằng Thái Lan nên việc định giá cho phù hợp với thị trường, không quá thấp nhưng cũng không quá cao sẽ có lợi thế cạnh tranh,” ông Jeremy Zwinger nói.

Hoàng Bảy - Khả Anh

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Diễn biến giá đường mùa vụ 2011-2012 (20/10/2011)

>   Việt Nam tham gia sâu hơn vào thị trường gạo đồ (19/10/2011)

>   Xuất khẩu cà phê đạt 2,6 tỷ USD (19/10/2011)

>   Giá gạo Thái Lan có thể tăng 19% vào cuối năm (19/10/2011)

>   Nhà nhập khẩu đường còn rất ít dự trữ (19/10/2011)

>   Vụ tranh chấp càphê tại Vinacafe Buôn Ma Thuột: Diễn biến ngày càng kịch tính (19/10/2011)

>   Xuất khẩu cà phê: Thận trọng hay bí lối? (19/10/2011)

>   Chuyên gia: Không nên xuất khẩu gạo ồ ạt (19/10/2011)

>   Giá gạo thế giới có xu hướng giảm trong năm 2012 (18/10/2011)

>   Sản lượng cà phê Ấn Độ vụ 2011/12 sẽ tăng 7% (18/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật