Thứ Tư, 19/10/2011 15:56

Vụ tranh chấp càphê tại Vinacafe Buôn Ma Thuột: Diễn biến ngày càng kịch tính

Báo Lao Động đã phản ánh vụ tranh chấp hơn 18.000 tấn càphê giữa một đại lý tư nhân với Cty CP đầu tư và xuất - nhập khẩu càphê Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột). Mới đây, VKSND TP.Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) đã kháng nghị đối với bản án sơ thẩm.

*“Ông lớn” thua kiện hàng trăm tỉ đồng

Mấu chốt của vụ tranh chấp là khi giao nhận hàng hóa, các bên không lập hợp đồng và hóa đơn, chỉ ghi giá tạm tính. Đánh giá yếu tố này, các quan điểm đối lập nhau đang dẫn dắt vụ kiện đến những diễn biến kịch tính hơn.

Xoay quanh hóa đơn, hợp đồng

Như LĐ đã phản ánh, từ năm 2007 - 2010, bà Võ Thị Kim Ngọc (trú tại xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột) có nhập kho Vinacafe Buôn Ma Thuột 18.564,476 tấn càphê nhân, được Vinacafe Buôn Ma Thuột cho tạm ứng tiền và tính lãi. Trong số hàng này, bà Ngọc đã xuất 11 hóa đơn GTGT với số lượng 18.200 tấn, ghi giá tạm tính. Tranh chấp phát sinh khi bà Ngọc cho rằng toàn bộ lô hàng trên là ký gửi, còn Vinacafe Buôn Ma Thuột khẳng định hai bên đã mua đứt bán đoạn. Hiện nay, giá càphê nhân trên thị trường đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm giao nhận hàng hóa giữa bà Ngọc và Vinacafe Buôn Ma Thuột. Nếu xác định đã bán đứt theo giá ghi trên 11 hóa đơn thì bà Võ Thị Kim Ngọc sẽ mất một số tiền lớn. Ngược lại, xác định là ký gửi thì phần mất tiền sẽ thuộc về Vinacafe Buôn Ma Thuột và tiền lãi tạm ứng thu được từ bà Ngọc không bù đắp nổi. Dễ thấy, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp.

Tại bản án sơ thẩm ngày 15.9, TAND TP.Buôn Ma Thuột nhận định, bà Ngọc vẫn còn quyền sở hữu đối với toàn bộ lô hàng. Chứng cứ là các biên bản đối chiếu công nợ thể hiện bà Ngọc còn nợ tiền ứng và lãi suất. Đặc biệt, mãi đến ngày 15.12.2010, công ty vẫn còn đề nghị chốt giá bán, nhưng bà Ngọc không đồng ý nên chưa có việc mua bán. Do vậy, TAND TP.Buôn Ma Thuột chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ngọc, buộc Vinacafe Buôn Ma Thuột trả lại toàn bộ lô hàng trị giá hơn 800 tỉ đồng. Ngược lại, tại quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, VKSND TP.Buôn Ma Thuột cho rằng đây là vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, chứ không phải tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản như tòa nhận định. Bà Ngọc đã xuất 11 hóa đơn GTGT - tức là đã bán đứt 18.200 tấn càphê, chỉ còn lại hơn 156,4 tấn càphê.

Một chứng cứ, hai quan điểm

Diễn biến vụ tranh chấp cho thấy, cả hai quan điểm đều thống nhất rằng bà Ngọc có nhập kho Vinacafe Buôn Ma Thuột số hàng trên, nhưng đối lập trong việc xác định nhập vào để gửi hay bán. Tòa án cho rằng, 11 hóa đơn GTGT do bà Ngọc xuất chỉ ghi giá tạm tính, thấp hơn nhiều so với giá thị trường tại thời điểm đó, nghĩa là chưa bán. Bên kia khẳng định đã có hóa đơn GTGT tức là có việc mua bán, còn giá trong hóa đơn có thấp hơn giá thị trường thì đó chỉ là sự thỏa thuận giữa hai bên.

Tranh cãi đến chuyện hợp đồng mới rắc rối hơn. TAND cho rằng, vì không có hợp đồng mua bán nên mới xét xử thành vụ án tranh chấp về gửi giữ tài sản, còn VKSND lại nói vì không có hợp đồng gửi giữ tài sản nên cần xác định đây là vụ án tranh chấp về mua bán. Từ đó, dẫn đến hai quan điểm khác nhau về nội dung: Một bên cho rằng đã không có hợp đồng mua bán thì bà Ngọc chỉ ký gửi, một bên lại khẳng định vì không có hợp đồng gửi giữ tài sản nên thực chất bà Ngọc đã bán xong. Như vậy TAND căn cứ vào yếu tố không có hợp đồng mua bán, còn VKSND thì căn cứ vào yếu tố không có hợp đồng gửi giữ tài sản. Mà trên thực tế, cả hợp đồng gửi giữ tài sản lẫn hợp đồng mua bán đều không có trong vụ giao nhận hơn 18.000 tấn càphê này. Các quan điểm đối lập nhưng có cơ sở đang dẫn dắt vụ kiện vào diễn biến ngày càng phức tạp hơn.

Theo luật sư Phạm Hàn Lâm (Văn phòng luật sư Hàn Lâm, Đắc Lắc) thì ngày 30.11.2010, ông Vũ Đức Tiến - TGĐ Vinacafe Buôn Ma Thuột - bút phê vào đơn đề nghị xem xét về giá đối với 18.564,476 tấn càphê của bà Ngọc với nội dung “đồng ý hủy chốt giá theo yêu cầu của bà Ngọc”. Tại biên bản hòa giải do TAND TP.Buôn Ma Thuột tổ chức, ông Nguyễn Minh Đường - Phó TGĐ - cũng thừa nhận bà Ngọc có gửi kho số lượng càphê trên, nghĩa là thừa nhận gửi chứ không phải bán. Luật sư Lâm cho rằng, VKSND TP.Buôn Ma Thuột chưa xem xét các chứng cứ này khi ra quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm.

Đặng Trung Kiên

Lao động

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu cà phê: Thận trọng hay bí lối? (19/10/2011)

>   Chuyên gia: Không nên xuất khẩu gạo ồ ạt (19/10/2011)

>   Giá gạo thế giới có xu hướng giảm trong năm 2012 (18/10/2011)

>   Sản lượng cà phê Ấn Độ vụ 2011/12 sẽ tăng 7% (18/10/2011)

>   Một phần ba doanh nghiệp xuất khẩu cà phê sẽ rời thị trường (17/10/2011)

>   Thu hẹp đầu mối xuất khẩu cà phê (17/10/2011)

>   Năm nay có thể xuất khẩu 1,2 triệu tấn cà phê (17/10/2011)

>   DN bất động sản, chứng khoán cũng xuất khẩu gạo (17/10/2011)

>   Giá ngô tăng cao do Trung Quốc mua nhiều (16/10/2011)

>   Không miễn giảm thuế nhập khẩu với ngô và lúa mì (16/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật