Xuất khẩu cà phê có điều kiện: Lợi bất cập hại?
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có thể không được xuất khẩu nữa nếu đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN) về kinh doanh cà phê có điều kiện được Bộ Công Thương thông qua. Trả lời TBKTSG vào đầu tuần qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho rằng đề xuất này nếu được thực thi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành cà phê Việt Nam và làm nảy sinh nhiều hệ lụy khác…
Theo Công văn số 290 của Bộ NN&PTNN trả lời Bộ Công Thương hôm 7-10-2011 về việc kinh doanh cà phê có điều kiện, bộ này nhất trí rằng việc quy định về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu cà phê là cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.
Cụ thể các điều kiện dự kiến là: các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê phải có ít nhất một cơ sở chế biến cà phê, với kho chứa phù hợp đáp ứng đầy đủ các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, doanh nghiệp đã tham gia chế biến và xuất khẩu cà phê trong hai năm liên tục với khối lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.
Một số doanh nghiệp lớn trong ngành xuất khẩu cà phê ủng hộ đề xuất của Bộ NN&PTNN và cho rằng quy định này nhằm sắp xếp lại và làm lành mạnh thị trường xuất khẩu cà phê vốn quá đã “lộn xộn” chuyện tranh mua, tranh bán trong thời gian qua.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện cả nước có khoảng 140 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Các doanh nghiệp này tổ chức mua và xuất khẩu cà phê, đồng thời bán lại cho khoảng 20 doanh nghiệp nước ngoài có nhà máy hoặc cơ quan đại diện tại Việt Nam. Thị phần năm 2010 của cà phê Việt Nam ước chiếm khoảng 14% sản lượng cà phê toàn cầu. |
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành cà phê lại có ý kiến ngược lại. Theo ông Phạm Ngọc Mỹ, Giám đốc doanh nghiệp Mylabcoffee, “quy định này đã chèn ép những doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp mới thành lập”. Thực tế, khó có doanh nghiệp tư nhân nào của Việt Nam có thể đạt được số lượng xuất khẩu như quy định và những doanh nghiệp mới muốn tham gia thị trường cũng không thể đạt được những điều kiện mà bộ đưa ra.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cà phê Green Bazan Coffee (GBC), cho rằng quy định này không những gây khó cho các doanh nghiệp nhỏ mà còn “triệt tiêu” năng lực phát triển và tồn tại của doanh nghiệp. “Chúng tôi đã đầu tư nhiều máy móc thiết bị để tạo ra cà phê sạch xuất khẩu nhằm nâng giá trị của hạt cà phê. Nhưng năng lực xuất khẩu của công ty mỗi năm cũng chỉ đạt tối đa gần 1.000 tấn. Chiếu theo đề xuất trên, công ty không được tiếp tục xuất khẩu cà phê là điều quá vô lý”, ông Đức bức xúc. Chưa kể nhiều năm qua, GBC đã bỏ nhiều công sức xúc tiến thương mại, tìm kiếm khách hàng, và hiện đã có một số khách hàng ổn định. Vì vậy, nếu đề xuất trên được hai bộ thông qua, công ty sẽ mất đi nhiều chi phí cơ hội.
Nghịch lý hơn, trước đây liên bộ NN&PTNN và Công Thương đã từng có chủ trương hạn chế các doanh nghiệp nước ngoài mua cà phê trực tiếp từ nông dân nhưng với đề xuất mới này, bộ lại mở rộng cửa cho các doanh nghiệp nước ngoài tham gia xuất khẩu cà phê. Với thế mạnh về vốn lẫn công nghệ, việc đáp ứng những quy định nói trên không phải là điều quá khó đối với các tập đoàn mua nông sản nước ngoài. “Nhà nước có thể kiểm soát việc tranh mua, tranh bán cà phê nguyên liệu bằng cách khác, chứ không nên áp dụng những biện pháp hành chính như vậy”, một doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhận xét.
Nhiều chuyên gia trong ngành cà phê cũng cảnh báo rằng, nếu những đề xuất này được thông qua, ngành cà phê sẽ trở lại tình trạng độc quyền của các doanh nghiệp nhà nước như thời gian trước. Kinh nghiệm từ quá khứ cho thấy, thời điểm ngành cà phê trong nước chưa có doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài tham gia, doanh nghiệp nhà nước ở thế “độc quyền thu mua, độc quyền xuất khẩu”, mua thấp bán cao đã khiến cho nhiều nông dân trồng cà phê chịu nhiều thiệt thòi trong thời gian dài.
Sơn Nghĩa
TBKTSG
|