Lãi suất liên ngân hàng 40%/năm là có thật
Thiếu thanh khoản, một số ngân hàng nhỏ đã chạy đi “vay nóng” đã đẩy lãi suất liên ngân hàng lên tới mức 40%/năm cho kỳ hạn một tháng, theo như tờ Đầu Tư Chứng Khoán đưa tin ngày 19.10.
Ông Hồ Hữu Hạnh, giám đốc ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết đến ngày hôm 20.10, ông nghe rằng có ngân hàng đi vay với lãi suất 30%/năm. “Đó là một số ngân hàng nhỏ đang tạm thời thiếu thanh khoản. Họ đã được ngân hàng Nhà nước hỗ trợ”, ông cho hay.
Cũng trong ngày 20.10, theo báo cáo của vụ Chính sách tiền tệ, từ ngày 10 – 14.10, lãi suất thị trường liên ngân hàng tăng 3 – 3,5%/năm và phổ biến ở mức kỳ hạn qua đêm khoảng 16 – 16,5%/năm, 1 tuần khoảng 17 – 17,5%/năm. Vụ này khẳng định, vốn khả dụng của tổ chức tín dụng đảm bảo khả năng thanh toán và các mức lãi suất huy động và cho vay ngoài thị trường đối với khách hàng ít biến động.
Giới ngân hàng cho biết đây là mức lãi suất cục bộ ở một vài ngân hàng nhỏ đang thiếu hụt thanh khoản, còn phần lớn các giao dịch vẫn ở mức 17% đối với kỳ hạn 6 tháng và khoảng 20,5% đối với kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, ông Trương Văn Phước, tổng giám đốc ngân hàng Eximbank (EIB) cho hay, qua các ngày gần đây thì các mức lãi suất này có xu hướng dịu đi. Một hai ngày nay lãi suất liên ngân hàng hạ, đến hôm qua kỳ hạn 1 tháng còn 18%/năm. “Có thể thời gian qua hiện tượng rút vốn khiến một số ngân hàng thiếu hụt thanh khoản tạm thời”, ông nói.
Mức lãi suất “khủng” 40% đã từng diễn ra vào tháng 2 – đầu tháng 3.2008, khi lãi suất liên ngân hàng vay qua đêm từng vọt lên mức 43%/năm khi tình trạng căng thẳng về tiền đồng đang ở mức rất cao. Tuy nhiên, hiện tại, ngay cả ở mức lãi suất kỷ lục này, những ngân hàng đang mắc phải thanh khoản thiếu hụt dù phải chấp nhận, nhưng cũng không vay được. Các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lớn là người cho vay chính trên thị trường. Tuy nhiên, họ cũng đang rất thận trọng và không muốn rơi vào tình cảnh bị “quỵt nợ”. “Ngân hàng lớn muốn hô bao nhiêu ngân hàng nhỏ cũng phải chịu”, một quan chức nhà nước cho biết. Theo quan chức này, dù các ngân hàng nhỏ đã được ngân hàng Nhà nước hỗ trợ, nhưng cũng ở mức giới hạn.
Theo TS Lê Thẩm Dương, lãi suất tăng tất cả là nằm ở vấn đề cung cầu. Sự thanh khoản toàn hệ thống không có vấn đề, nhưng từng ngân hàng có vấn đề. Ngân hàng nhỏ bị lãi suất đồng thuận 14% chẹn đứng khi vay của dân. Họ cũng không còn cửa lách khi ngân hàng Nhà nước siết chặt kiểm tra. Đi vay tái cấp vốn thì lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng được nâng lên từ ngày 10.10, cũng là yếu tố đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng cao. Không ít ngân hàng không đủ điều kiện để vay tái cấp vốn. Từ đó, một số ngân hàng rơi vào thanh khoản yếu chỉ còn cửa vay liên ngân hàng. Cung cầu vốn bị ép mạnh, lãi suất buộc phải tăng. Các cửa phải trông chờ vào ngân hàng Nhà nước.
Theo Hồng Sương
Sài Gòn Tiếp thị
|