Thứ Sáu, 21/10/2011 14:49

Lãi suất hạ, vay vốn có dễ?

Hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo giảm lãi suất huy động ở các tổ chức tín dụng xuống còn 14%/năm, giảm lãi suất cho vay xuống còn từ 17-19%/năm, thế nhưng một số doanh nghiệp vẫn phải vay hơn 20%/năm.

Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang cần vốn để sản xuất kinh doanh. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang nỗ lực để kéo lãi suất cho vay xuống thấp, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn than... chưa thể tiếp cận nguồn vốn với lãi suất mong muốn.

Dễ - khó tùy doanh nghiệp

Ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Công ty TNHH cơ khí Văn Tiến Dũng (Gò Vấp) cho biết, lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN chỉ từ 17-19%/năm, thế nhưng công ty của ông đang vay với lãi suất 20 - 25%/năm, tùy theo tiến độ giải ngân mau hay chóng.

Ông Trương Tuấn Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Trương Hiệp Thạnh (Bến Lức, Long An), một công ty chuyên sản xuất và xuất khẩu bánh tráng đi thị trường Hoa Kỳ, Australia thì cho hay, vay vốn ngân hàng không khó, có khó chăng là kỳ vay đầu tiên. Nếu trả lãi đúng hạn thì những lần sau sẽ được vay dễ dàng. Công ty của ông không vay tiền đồng nên không bị ảnh hưởng bởi việc tăng lãi suất, còn vay USD chỉ mất 6,5 - 7%/năm, mỗi lần vay được 50.000 USD và thời hạn vay là 6 tháng.

Về phía các nhà băng, ông Phạm Linh, Phó Tổng giám đốc OCB cho biết: "Hiện nay, OCB đang hướng đến việc phân bổ mạnh nguồn lực vào phân khúc doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng tiêu dùng nội địa, doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu…". Với đối tượng khách hàng này, ngoài việc cung cấp các dịch vụ với mức phí ưu đãi, OCB còn được các tổ chức tài chính nước ngoài giúp để có thêm nguồn vốn giá rẻ, thời gian dài, đáp ứng nhu cầu vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Cụ thể, OCB đã triển khai cho vay bằng nguồn dự án SMEFP III đến các công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Các đơn vị này khi có nhu cầu vay vốn sẽ được tài trợ tối đa 85% tổng chi phí đầu tư hợp lệ của dự án; thời hạn cho vay lên đến 10 năm, mức cho vay lên đến 25 tỷ đồng/dự án. Những dự án được ưu tiên xem xét là các khoản đầu tư trung dài hạn để đầu tư xây dựng nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị thuộc các ngành nghề như sản xuất, khoáng sản, nông lâm ngư nghiệp, xây dựng, cơ khí, phân phối, kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu, vận tải, in ấn và xuất bản, công trình công cộng và hạ tầng cơ sở, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo. Đương nhiên OCB cũng xét đến các dự án phù hợp với các quy định về bảo vệ môi trường của Chính phủ Việt Nam...

Ðể có vốn sản xuất

Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) vừa công bố phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 20%/năm như một cách xoay vốn trong tình hình khó khăn

Anh Trần Như Dưỡng, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Ván ép Phúc Thành (quận Thủ Đức, TP.HCM) cho biết: "Doanh nghiệp nhỏ thường không thích vay các tổ chức tín dụng vì hàng tháng, hàng quý các tổ chức này đòi báo cáo rất nhức đầu, không còn thời giờ để sản xuất"- anh cho biết. Do đó, hiện nay để thực hiện việc kinh doanh theo ý muốn, anh kêu gọi bà con, bạn bè cùng góp vốn vào để làm ăn, chứ không hy vọng gì vay ở ngân hàng.

Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ vay vốn khó, các công ty lớn cũng không phải "dễ thở" với các ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (VCG) cho biết, trong tình hình thiếu vốn chung, rất nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn phương án huy động vốn từ các cổ đông. Ông than: "Tăng vốn trong thời điểm này là biện pháp cực chẳng đã, nếu chúng tôi tiếp cận được vốn vay với chi phí có thể chấp nhận được thì đã không phiền đến cổ đông".

Trong tình hình thiếu vốn này, các doanh nghiệp tìm mọi cách để xoay sở. Cụ thể như Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) vừa công bố phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất trái phiếu là 20%/năm. Nhà đầu tư mua trái phiếu để hưởng lãi suất này thì quá tốt (cao hơn lãi suất ngân hàng) nếu không có rủi ro. Còn về phía doanh nghiệp làm thế nào để kinh doanh có lãi để trả cho trái chủ? Đây là bài toán khó, nếu không giải được thì công ty sẽ gánh thêm khoản nợ mới.

Kỷ lục về giải thể, ngừng hoạt động

Con số 48.700 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động chỉ trong 9 tháng đầu năm 2011, tăng 21,8% so với năm 2010, một lần nữa xác nhận tình trạng khó khăn nhiều mặt của doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh bình luận, đây là con số lớn nhất được công bố từ trước đến nay. "Doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn đầu vào như lãi suất cao, giá nguyên vật liệu tăng, tiền lương tăng mà còn gặp khó khăn cả đầu ra. Đây là lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa" , TS Lê Đăng Doanh nhận xét. TS Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng, môi trường kinh doanh đang xấu đi là do bất ổn kinh tế vĩ mô khiến doanh nghiệp không định đoán được kế hoạch kinh doanh, không thể đầu tư dài hạn. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, biện pháp tốt nhất để doanh nghiệp vượt qua khó khăn lúc này là tự cứu mình bằng cách cơ cấu lại, tổ chức lại sản xuất, điều chỉnh lại các mặt hàng, rút bớt hoạt động đầu tư mạo hiểm hoặc vay vốn quá nhiều, vượt khả năng chi trả. Bên cạnh đó, doanh nghiệp rất cần một giải pháp hỗ trợ tổng thể, mang tính đột phá, đúng trọng tâm từ phía Nhà nước.

Hồ Đạt Sanh

Diễn đàn Doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   'Sắp xếp lại ngân hàng: Đã cấp bách lắm rồi' (21/10/2011)

>   Đến 12/10, doanh số giao dịch liên ngân hàng tăng gần 10% (21/10/2011)

>   Tỷ giá liên ngân hàng lập đỉnh mới 20.748 đồng (21/10/2011)

>   Hiểm họa từ tín dụng đen (21/10/2011)

>   TS Lê Xuân Nghĩa: Dự trữ ngoại tệ vượt mức dự đoán lên 7,5 tuần nhập khẩu (20/10/2011)

>   Nhận diện tín dụng “đen” (20/10/2011)

>   Mức độ tiếp cận dịch vụ ngân hàng còn thấp (20/10/2011)

>   Căn nguyên sốt lãi suất liên ngân hàng (20/10/2011)

>   Vốn khả dụng của các ngân hàng đảm bảo khả năng thanh toán (20/10/2011)

>   Lãi suất liên ngân hàng lên 40%: Lớn 'luộc' bé? (20/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật