Lãi suất còn gượng ép
Thống kê ước lượng con số từ các ngân hàng thương mại công bố thì thị trường hiện có gần 30.000 tỉ đồng cho vay với lãi suất 17%-19%/năm.
Các ngân hàng cũng đã bắt đầu giải ngân vốn giá rẻ này. Tuy nhiên, nhiều hộ kinh doanh cá thể, các DN, các hội ngành nghề của mình vẫn than tại các hội thảo rằng lãi suất cho vay như mức trên chưa đến được tay mình, đa số vẫn còn chịu lãi vay trên 20%/năm. Thế nên lãi suất cho vay nói hạ nhiệt vẫn theo kiểu gì đó gượng ép.
Chỉ thị 02 của Ngân hàng Nhà nước buộc các ngân hàng thương mại khi huy động vốn của người dân, DN không được vượt quá 14%/năm kể cả khuyến mãi, thưởng… Sợ bị rút tiền gửi ra khỏi hệ thống nên một số ngân hàng tìm đủ cách để lách. Có ngân hàng âm thầm thỏa thuận lãi suất đã bị Ngân hàng Nhà nước phát hiện xử lý nghiêm. Nhưng có ngân hàng lách quy định bằng hình thức huy động lãi suất tiền gửi theo ngày, tính lãi 14%/năm hoặc có ngân hàng thỏa thuận bằng các hợp đồng dân sự ràng buộc trong đó quy định mức lãi phạt nếu ngân hàng trả lãi không đúng hạn… Xét lại việc này vẫn có cảm giác lãi suất huy động đang chưa thật thông.
Tại sao có kiểu lãi suất gượng ép? Nghị quyết 11 của Chính phủ đưa ra nhằm mục đích kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Nhiều mục tiêu kiên quyết làm như thắt chặt chính sách tiền tệ, siết đầu tư công, giảm bội chi ngân sách…
Bước đầu chính sách tiền tệ thắt chặt đã phát huy tác động, tiền đưa ra lưu thông được rút về bằng các giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng, giảm tín dụng phi sản xuất (chứng khoán, bất động sản, vay tiêu dùng)… Lãi suất cho vay theo đó cũng hạ nhiệt.
Thế nhưng các chính sách khác như cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách… vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Các bộ, ngành, các tổng công ty, tập đoàn nhà nước từ đầu năm đến nay đã công bố cắt giảm đầu tư, đã phát động nhiều chiến dịch phát huy sáng kiến, nâng cao năng suất lao động… nhưng xem ra con số tiết kiệm thực tế chưa thật thuyết phục.
Do vậy, để lãi suất đầu ra và vào hết gượng ép như hiện nay, giúp nền kinh tế ổn định, phát triển nhanh bền vững, các DN có môi trường kinh doanh minh bạch, hơn lúc nào hết cần thêm thái độ kiên quyết từ Chính phủ, các địa phương được phân cấp làm tốt và có trách nhiệm với hai mũi giáp công cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách.
Bùi Nhơn
Pháp luật TPHCM
|