Kéo giảm lãi suất: Tránh “vết xe cũ”
Để thực hiện chính sách kéo giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dường như đang lựa chọn cách bơm thêm thanh khoản ra thị trường. Cần phải thực hiện những chính sách nào để tránh được “vết xe cũ” năm 2010, khi NHNN bơm mạnh thanh khoản để kích cầu khiến áp lực lạm phát gia tăng?
Lạm phát
Tình hình lạm phát đã hạ nhiệt, tháng 8 tăng 0,9%, tháng 9 tăng 0,82% và còn có thể thấp hơn trong tháng 10. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp lễ Tết, lạm phát có thể sẽ tăng tốc trở lại.
Không chỉ vậy, chính sách thắt chặt tiền tệ được áp dụng trong năm nay và có thể sang cả năm 2012, tạo gánh nặng cho hầu hết các doanh nghiệp. Mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ làm giảm nhu cầu trong khu vực tư nhân, nhưng không đủ để làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Theo số liệu mới nhất, chi ngân sách thực hiện trong tám tháng đầu năm đã bị “phình to”. Đó là yếu tố chính khiến lạm phát tiếp tục cao.
Mặt khác, thời gian qua, giá vàng trong nước thường cao hơn giá thế giới cho thấy tâm lý lo ngại lạm phát trong người dân vẫn rất nặng. Đây là một trong những yếu tố gây áp lực lạm phát, hay nói cách khác là lạm phát kỳ vọng vẫn cao.
Ngoài ra, tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam và việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu từ 830.000 đồng/tháng đến 2 triệu đồng/tháng tùy vùng cũng có thể có những tác động tiêu cực lên chỉ số giá tiêu dùng những tháng cuối năm 2011. Nhưng yếu tố quan trọng nhất là tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán những tháng cuối năm theo khung khống chế dự kiến của cả năm 2011 (tương ứng là 20% và 15-16%) sẽ cao hơn nhiều so với những tháng đầu năm. Chính sách “bơm tiền” mạnh mẽ của NHNN trong hai tuần vừa qua của tháng 9 để buộc các ngân hàng “tuân theo” lãi suất huy động trần 14% và lãi suất cho vay 17-19% đang làm dấy lên mối lo ngại đó.
Trong khi đó, với dự báo thị trường là một khoản lớn dự trữ bắt buộc dư thừa (37.000 tỉ đồng) có thể sẽ được NHNN sử dụng để bơm thanh khoản ra thị trường, cộng với thanh khoản thông qua thị trường mở (OMO) hay để giải cứu cho các ngân hàng nhỏ đang thiếu vốn, sẽ có thể tiếp tục là áp lực lớn đối với lạm phát trong những tháng cuối năm. Trong tuần lễ thứ ba của tháng 9, NHNN đã bơm ròng ra thị trường khoảng 4.000 tỉ đồng. Việc NHNN bơm tiền vào hệ thống ngân hàng thông qua OMO là động thái mới nhất theo chiều hướng “nới lỏng” được thị trường quan sát một cách lo lắng như đang theo “vết xe cũ” của cuối năm ngoái. Do đó, theo tính toán của tác giả, lạm phát có thể tăng ở mức 24% vào cuối năm (xem bảng).
Chưa kể thêm là tỷ giá đô la Mỹ đang lên hơn 21.000 đồng/đô la trên thị trường tự do sẽ làm tăng giá nhập khẩu hàng hóa vào cuối năm và làm khó thêm cuộc chiến chống lạm phát.
Lãi suất
NHNN đã bắt đầu thực hiện việc kéo lãi suất cho vay trên thị trường xuống mức 17-19%/năm bằng nhiều biện pháp mạnh tay hơn nhằm cảnh cáo các ngân hàng lách luật đẩy lãi suất tiền gửi vượt quá quy định 14%/năm, kéo theo lãi suất đầu ra tăng theo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Để thực hiện “biện pháp hành chính” mới này, NHNN có vẻ chọn lựa cách bơm thêm thanh khoản mạnh mẽ.
Các dấu hiệu sản xuất trì trệ bắt đầu xuất hiện rõ trong mấy tháng gần đây cho thấy đã đến lúc xem xét một “ủy nhiệm chính sách” (policy assignment) khác trong việc chống lạm phát. Ngoài tính nhất quán trong chính sách thắt chặt tiền tệ, cần nhấn mạnh việc sử dụng chính sách tài khóa một cách quyết đoán hơn để cắt giảm đầu tư công và chi tiêu chính phủ. Hoạt động thị trường mở và chính sách huy động thêm dự trữ bắt buộc sẽ tiếp tục là các biện pháp hữu ích để giảm tốc độ cung tiền.
Thiếu sự hỗ trợ của chính sách tài khóa thắt chặt, chính sách tiền tệ khó có thể làm giảm lãi suất một cách hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam nên có những giải pháp như sau:
- Triển khai các quyết định chắc chắn và cố định về chính sách tài khóa để làm giảm tổng cầu, thông qua chi tiêu chính phủ ít hơn, đặc biệt là đầu tư công.
- Chính sách tiền tệ nên linh hoạt hơn để giảm bớt vai trò của việc giảm tổng cầu và tăng cường vai trò của kích thích tổng cung trì trệ.
- Trong những tháng cuối cùng của năm nay và sang năm 2012, NHNN sẽ dựa nhiều hơn vào thị trường mở và chính sách dự trữ bắt buộc (đặc biệt là với các khoản vay ngoại tệ) để hạn chế cung tiền. Kèm theo đó, NHNN nên tác động giảm lãi suất để thiết lập lại đường cong lãi suất bình thường và loại bỏ các biến dạng hiện có trong thị trường tín dụng và lãi suất.
- Trần lãi suất 14% nên được bỏ để nâng cao vai trò của cơ chế thị trường trong hệ thống ngân hàng hơn là việc sử dụng các công cụ hành chính vốn kèm theo nhiều tác dụng phụ.
Sự phối hợp chính sách nói trên cũng là để giảm hiệu ứng chèn ép của khu vực quốc doanh đối với khu vực tư nhân. Thông tin mới về thực hiện ngân sách cho thấy cả chi tiêu và thu ngân sách đã tăng lên rõ rệt kể từ đầu năm đến nay. Việc kiềm chế tài khóa nên được áp dụng ngay từ quí 4 năm nay và trong việc chuẩn bị lập kế hoạch ngân sách năm 2012.
TS. Phạm Đỗ Chí
tbktsg
|