'Hô biến' lãi suất 6% lên 14%/năm?
Với quy định mức lãi suất không kỳ hạn, lãi suất huy động dưới 1 tháng chỉ 6%, NHNN đang tạo đường cong lãi suất, tránh lách trần huy động.
Theo các chuyên gia, biện pháp này vẫn tiềm ẩn những bất ổn, bởi với việc lách trần “tinh xảo” của các ngân hàng hiện nay, thì trần lãi suất không quan trọng bằng thời hạn tính lãi và thời hạn tính lãi không quan trọng bằng cách tính lãi!
Đồng tình!
7 lãnh đạo của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đều rất đồng tình khi NHNN kéo lãi suất không kỳ hạn về mức 6%/năm. Họ khẳng định trần 6%/năm này không khiến ngân hàng gặp khó khăn gì.
|
Với cách lách trần tinh xảo, các ngân hàng thương mại dễ dàng uốn thẳng đường cong lãi suất của NHNN. |
Trước ngày 28/9, khi Thông tư 30 của NHNN quy định lãi suất huy động các kỳ ngắn hạn tối đa không quá 6%, nhiều ngân hàng cùng kêu vốn huy động từ khu vực người dân đang hao hụt vì lãi suất giảm về 14% một năm. Để hút vốn, nhiều ngân hàng đã sử dụng triệt để những chương trình huy động ngắn ngày, kỳ hạn tuần, đẩy lãi suất không kỳ hạn lên cao. Có nơi, như ABBank đưa ra kỳ hạn tiết kiệm 1 ngày với lãi suất từ 8% - 12% một năm và hàng loạt ngân hàng điều chỉnh lãi suất 1, 2, 3 tuần về 14 như ACB, Sacombank, Agribank…
Trong khi đó, các kỳ dài ngày hơn như 3 tháng, 6 tháng đã xuống dưới 14%, có nơi như ACB kỳ hạn 6, 9, 12 tháng chỉ 13,08% một năm. Nhìn vào biểu lãi suất này có thể thấy, người dân thích ngắn hơn dài hạn và dòng vốn từ người dân của các ngân hàng cũng phần lớn đến từ các kỳ ngắn hạn, trong đó có những kỳ cực ngắn như lãi suất tuần, lãi suất ngày hoặc lãi thanh toán…
Theo số liệu của NHNN, vốn khu vực dân cư cuối năm 2009 từ tín dụng dài hạn (trên 12 tháng) chỉ chiếm 12 - 19% một năm, số còn lại là ngắn hạn (dưới 1 năm). Theo một đại diện của NHNN, tình hình này càng tăng mạnh vào đầu năm 2011, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn dưới 3 tháng, lãi suất tuần, tháng. Nếu theo lô gich này thì Thông tư 30 sẽ khiến các ngân hàng thương mại đau đầu lo hao hụt vốn khi lãi suất không kỳ hạn giảm về 6% một năm.
Uốn thẳng “đường cong”?
Mục đích của NHNN khi ban hành Thông tư 30 nhằm tránh rủi ro thanh khoản cho hệ thống ngân hàng khi thu hút vốn vào các kỳ dài hạn, không “lấy ngắn nuôi dài”, tạo đường cong lãi suất hợp lý và quan trọng hơn là dẹp việc lách trần huy động 14% thông qua dạng tiết kiệm 1, 2 ngày… của các ngân hàng. Nhưng tại sao ngân hàng thương mại không ca thán trước việc “kéo thẳng” lãi suất về 6% khi nguy cơ huy động vốn giảm gần kề? Theo phân tích của một chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng “bằng lòng” là do họ dễ dàng nâng lên theo ý muốn. “Với việc lách trần lãi suất tinh xảo của các ngân hàng hiện nay thì 6% thành 14% là điều dễ làm. Quan trọng là cách tính lãi”, vị này nói. Theo đó, lãi suất tuần 6% một năm nhưng nếu cộng dồn lãi, tính theo ngày thì lãi suất cũng có được mức mong muốn.
Đồng tình với quan điểm, chuyên gia Lê Thẩm Dương, nói: “Kéo lãi suất về 6% là biện pháp cần thiết, nhưng phải nhanh chóng chuyển sang biện pháp thị trường”. Ông Dương cho rằng, với thực tế này, các ngân hàng thương mại sẽ có vô vàn cách để lách trần lãi suất huy động, và như thế nếu tiếp tục sử dụng biện pháp hành chính, NHNN có thể phải cần đến “thông tư về cách tính lãi”. Bởi, từ trần lãi suất 8% người ta có thể dễ dàng chuyển thành lãi suất 15% một năm. Như vậy, về thực chất đường cong lãi suất mà NHNN muốn tạo ra vẫn sẽ thẳng.
Mỹ Dung
Đất Việt
|