Thứ Hai, 03/10/2011 06:31

Thêm quy định trần lãi suất và áp lực lạm phát mới

Ngày 28.9.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành thông tư số 30 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam. Theo đó, lãi suất cao nhất áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 6%/năm; từ kỳ hạn 1 tháng trở lên không vượt quá 14%/năm.

Rõ ràng, nền kinh tế cần lãi suất cho vay hạ xuống một cách tự nhiên chứ không phải theo cách áp đặt hành chính như hiện tại. Ảnh minh hoạ.

Đây có thể coi là một động thái hoàn thiện nốt chỉ thị 02 của NHNN ban hành cuối tháng 8 nhằm “lập lại kỷ cương” trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng thương mại (NHTM).

Tuy nhiên, trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao thì quy định mới này gần như đã xoá bỏ tính cạnh tranh về lãi suất trong hoạt động huy động vốn giữa các NHTM. Dòng vốn sẽ tiếp tục bị rút khỏi các ngân hàng nhỏ và chảy vào các ngân hàng lớn.

Vốn dịch chuyển khỏi các NHTM nhỏ

Mục đích của thông tư 30 là tạo ra một đường cong lãi suất, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn ngắn sẽ có lãi suất thấp hơn kỳ hạn dài. Thông thường, trong một thị trường tài chính ổn định, lãi suất ở các kỳ hạn ngắn luôn thấp hơn lãi suất ở các kỳ hạn dài, do mức độ rủi ro trong dài hạn luôn lớn hơn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, quy tắc này sẽ không đúng trong giai đoạn nền kinh tế bất ổn. Người gửi tiền kỳ vọng rằng trong dài hạn mọi thứ sẽ tốt hơn ngắn hạn và do vậy luôn đòi hỏi lãi suất ngắn hạn cao hơn lãi suất dài hạn. Bản thân các NHTM cũng chấp nhận điều này, vì khi nền kinh tế bất ổn các NHTM có thể rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản và do đó những khoản huy động ngắn hạn lại được ưu tiên hơn.

Tình trạng của hệ thống tài chính Việt Nam năm 2008 cũng như từ cuối 2010 đến nay đã rơi vào tình trạng bất thường này. Lãi suất kỳ hạn ngắn luôn được đẩy lên cao hơn so với kỳ hạn dài.

Trước khi có chỉ thị 02, lãi suất thoả thuận giữa khách hàng và NHTM luôn là các kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng, trong đó lãi suất kỳ hạn 1 tháng luôn cao hơn lãi suất kỳ hạn 3 tháng. Điều này tất yếu dẫn tới một hệ quả là nhiều người lựa chọn hình thức gửi tiền kỳ hạn ngắn để hưởng lãi suất cao. Chỉ thị 02 áp trần lãi suất 14% không xoá bỏ được hiện tượng này. Người dân ưu tiên lựa chọn kỳ hạn ngắn hoặc siêu ngắn vì lãi suất tất cả các kỳ hạn đều bằng nhau trong khi gửi ngắn hạn người dân sẽ có nguồn tiền linh hoạt hơn.

Nếu để duy trì các mức trần lãi suất này mà NHNN tiếp tục phải bơm tiền qua thị trường mở cũng như hoạt động tái cấp vốn thì lạm phát có thể quay trở lại thay vì giảm một cách bền vững. Đồng thuận lãi suất huy động và cho vay sẽ khó có thể duy trì.

Với thông tư 30, NHNN muốn làm cho lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng kém hấp dẫn hơn so với các kỳ hạn dài từ 1 tháng trở lên. Với quy định mới này, chắc chắn sẽ có nhiều khoản tiết kiệm chuyển sang kỳ hạn từ 1 tháng trở lên để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, việc áp trần lãi suất kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ còn 6%/năm sẽ lại tiếp tục làm mất khả năng cạnh tranh trong hoạt động huy động vốn của các NHTM nhỏ. Với mức lãi suất bằng nhau thì gửi tiền tại các NHTM lớn có uy tín sẽ an toàn hơn rất nhiều so với các NHTM nhỏ. Người gửi tiền sẽ chọn các NHTM lớn để gửi tiết kiệm. Điều này đã được chứng minh phần nào trong lần áp trần lãi suất 14% một cách triệt để đầu tháng 9.2011. Các NHTM nhỏ như Navibank, DaiABank, VietABank bị rút tiền huy động và tiền gửi sụt giảm nhiều. Navibank cho biết tính đến ngày 17.9.2011 ngân hàng này bị rút khoảng 537 tỉ đồng. Trong khi đó, các NHTM lớn như Eximbank, ACB v.v. lại có được mức tăng mạnh của tiền gửi dân cư.

NHNN buộc phải bơm tiền

Với sự dịch chuyển của dòng vốn sang nơi an toàn hơn, các ngân hàng nhỏ thiếu vốn sẽ lại càng thiếu vốn. Thị trường liên ngân hàng ngay lập tức phản ứng với thông tư 30, lãi suất liên ngân hàng có chiều hướng tăng lên nhẹ, cụ thể ngày 29.9.2011, kỳ hạn 1 tuần có lãi suất 14,5%/năm, 2 tuần 15%/năm, và 1 tháng là 16%/năm, cao hơn so với lãi suất trần quy định bởi NHNN. Diễn biến tăng này một phần là do chu kỳ vay vào cuối tháng và một phần do các NHTM chuẩn bị cho phần dự trữ thiếu hụt khi dòng vốn bắt đầu dịch chuyển.

Để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM nhỏ, trong tháng 9 NHNN đã tích cực sử dụng công cụ thị trường mở. Một mặt, NHNN nâng kỳ hạn cho vay trên thị trường mở được nâng từ 7 ngày lên 14 ngày. Mặt khác, NHNN đã nâng lượng bơm ròng lên đến 28.000 tỉ đồng trong tháng 9. Tuy nhiên, để có được vốn từ thị trường mở các NHTM lại cần có trái phiếu chính phủ. Điều này vốn không phải thế mạnh của các NHTM nhỏ. Để đảm bảo thanh khoản, các NHTM này buộc phải tìm đến nguồn tái cấp vốn của NHNN cũng như tìm cách hạn chế cấp tín dụng cho các doanh nghiệp. Trong bối cảnh lợi nhuận của các NHTM Việt Nam vẫn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng thì đây thực sự là một cú sốc lớn cho các ngân hàng nhỏ.

Áp lực lạm phát mới lại xuất hiện

Với việc NHNN buộc phải bơm tiền qua thị trường mở cũng như thực hiện tái cấp vốn để hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM nhỏ, lượng tiền cơ sở chắc chắn sẽ gia tăng. Tuy nhiên, trong một nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn về vĩ mô với mức lạm phát chín tháng đầu năm 2011 đã ở mức 16,63% thì hai mức lãi suất trần 6%/năm cho kỳ hạn dưới 1 tháng và 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên sẽ khiến cho dòng tiền luôn có xu hướng tìm đến các kênh đầu cơ khác như vàng hoặc ngoại tệ. Điều này sẽ khiến cho cung tiền tăng vì tiền mặt ngoài hệ thống ngân hàng tăng thay vì lượng huy động tăng.

Hệ quả là chỉ số giá cả vẫn chịu áp lực tăng trong những tháng tới do cung tiền tiếp tục gia tăng. Nhưng bất chấp cung tiền tăng, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục gặp khó trong hoạt động huy động vốn. Đến lượt, điều này sẽ gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động cho vay bởi nhu cầu vay cuối năm thường tăng cao, đặc biệt khi NHNN yêu cầu các NHTM phải cho doanh nghiệp vay với mức lãi suất 17 – 19%/năm. Hơn nữa, nợ xấu của các ngân hàng lại đang gia tăng cùng với khó khăn của nền kinh tế. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, phó chủ tịch uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, thì tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng đến tháng 6.2011 vào khoảng 75.000 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ. Như vậy, ngay cả khi NHNN muốn tăng tín dụng cho nền kinh tế trong các tháng cuối năm này cũng không phải dễ.

Rõ ràng, nền kinh tế cần lãi suất cho vay hạ xuống một cách tự nhiên chứ không phải theo cách áp đặt hành chính như hiện tại. Nhưng nếu vì để duy trì các mức trần lãi suất này mà NHNN tiếp tục phải bơm tiền qua thị trường mở cũng như hoạt động tái cấp vốn thì lạm phát có thể quay trở lại thay vì giảm một cách bền vững. Đồng thuận lãi suất huy động và cho vay sẽ khó có thể duy trì.

Nguyễn Minh Cường

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Tỷ giá đang chịu áp lực mạnh mẽ (02/10/2011)

>   Đồng loạt giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 1 tháng (02/10/2011)

>   Kéo giảm lãi suất: Tránh “vết xe cũ” (01/10/2011)

>   'Hô biến' lãi suất 6% lên 14%/năm? (01/10/2011)

>   Ngân hàng nhỏ gặp khó vì trần lãi suất (01/10/2011)

>   Doanh nghiệp Việt vay lãi suất cao hơn 5 lần doanh nghiệp FDI (30/09/2011)

>   Tổng huy động vốn vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng (30/09/2011)

>   "Hé cửa" cho vay tiêu dùng (30/09/2011)

>   Thông tư 30, cần thiết nhưng… (30/09/2011)

>   'Trảm' lãi suất ngày, nhà băng 'xúi' khách gửi theo tháng (30/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật