Chính phủ trình dự án Luật Phòng chống rửa tiền
Được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần đầu vào chiều 11/10, dự án Luật Phòng chống rửa tiền đã gây tranh luận sôi nổi ngay từ tên gọi và phạm vi điều chỉnh.
Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Phòng, chống rửa tiền cần mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố.
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, về vấn đề này còn hai loại ý kiến.
Các ý kiến tán thành cho rằng, tài trợ khủng bố thường gắn với rửa tiền. Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố, do vậy cũng có thể quy định về chống tài trợ khủng bố trong luật này. Với phạm vi như vậy, đề nghị lấy tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố”.
Tuy nhiên cả thường trực Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Pháp luật đều cho rằng luật này chỉ quy định về phòng, chống rửa tiền và tên gọi của luật là “Luật Phòng, chống rửa tiền”.
Vì, tài trợ khủng bố tuy có liên quan đến rửa tiền nhưng gắn kết trực tiếp và mật thiết với hoạt động khủng bố, do đó cần quy định trong Luật Phòng, chống khủng bố (đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012).
Với đề nghị làm rõ thêm lý do tại sao lại đưa quy định chống tài trợ khủng bố vào cùng luật này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khi được mời trả lời ngay đã trình bày một văn bản khá dài với nhiều lý do.
Trong đó đặc biệt nhấn mạnh khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF) với khuyến nghị về chống tài trợ cho khủng bố. Việc đưa nội dung phòng, chống tài trợ khủng bố vào dự án luật cũng là thực hiện cam kết của Việt Nam khi gia nhập Công ước 1999 về ngăn chặn tài trợ khủng bố.
Tuy nhiên, lý do này dường như chưa thực sự thuyết phục. Nhiều ý kiến tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết, tuy nhiên phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của nước ta.
Có ý kiến cho rằng việc ban hành luật này chủ yếu là để đáp ứng yêu cầu của Tổ chức phòng chống rửa tiền quốc tế mà chưa thực sự xuất phát từ yêu cầu thực tế của Việt Nam, báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Cơ quan thẩm tra cũng “phê” dự thảo luật chủ yếu tập trung quy định về phòng ngừa, còn chống rửa tiền chưa tương xứng, chưa đủ liều lượng. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành chương về xử lý vi phạm. Còn việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được Bộ Luật hình sự quy định.
Liên quan đến mức giá trị giao dịch phải báo cáo, Ủy ban Kinh tế không tán thành dự luật chỉ quy định có tính nguyên tắc như “giá trị lớn”, “số tiền có giá trị lớn” của giao dịch và giao cho Ngân hàng Nhà nước quy định mức cụ thể. Mà đề nghị cần quy định trong luật về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, hoặc giao Thủ tướng Chính phủ quy định
Dự án Luật Phòng chống rửa tiền cũng sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tới.
Nguyễn Vũ
TBKTVN
|