Thứ Hai, 03/10/2011 15:57

Chặn lãi suất ngắn hạn, tiền gửi ngân hàng sẽ giảm?

Lãi suất huy động trần 14%/năm được thực thi nghiêm, hàng loạt các ngân hàng lập tức đẩy lãi suất kỳ hạn ngắn lên cao (hầu hết chạm trần 14%/năm) để giữ khách. Ngân hàng Nhà nước 'siết tiếp', khống chế trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn dưới 1 tháng chỉ tối đa 6%/năm, chính thức từ thứ Bảy tuần qua.

Dù còn dư địa cho vay khá nhiều, đến nay "room" tín dụng của ABBank vẫn còn nguyên

Với phong cách "xoay xở" và "lách", theo dự báo từ tuần này, có thể các ngân hàng sẽ tiếp tục đưa ra các chiêu thức khác để ổn định dòng tiền gửi của khách hàng. Nhưng qua những câu chuyện này có thể thấy, huy động tiền gửi đã và đang tiếp tục là câu chuyện sống còn với nhiều ngân hàng.

Theo phản ánh của một số ngân hàng, với những chính sách mới liên quan tới lãi suất huy động liên tục được ban hành thời gian gần đây, nhiều khách hàng đã tỏ ra không mấy vui vẻ do lãi suất tiền gửi bị giảm mạnh so với mức thực hưởng 18-19%/năm trước đây. Không ít người gửi tiền, nhất là các nhà đầu tư lại tính đến chuyện chuyển kênh đầu tư khi đồng vốn nhàn rỗi khó được linh hoạt.

Trên thực tế, không phải bây giờ, cứ mỗi khi diễn biến lãi suất tiền gửi tiết kiệm theo xu hướng tăng và cạnh tranh trong thu hút vốn nhàn rỗi trở nên gay gắt, hầu hết các nhà băng đều đưa ra sản phẩm tiết kiệm ngắn ngày. Trong đó, chủ yếu là kỳ hạn tuần và 3 tháng trở xuống, với kỳ vọng thu hút được vốn nhàn rỗi.

Kể từ đầu tháng 9/2011 khi NHNN ban hành Chỉ thị 02, yêu cầu các nhà băng phải thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tiền đồng, không ít nhà băng quy mô vừa và nhỏ đã đưa ra kỳ hạn lãi suất ngày, nhưng lãi suất tiết kiệm cao nhất lên đến 14%/năm để giữ chân khách hàng.

Vấn đề ở chỗ, việc lãi suất ngắn hạn bị chặn lại kể từ 1/10, tiết kiệm ngân hàng liệu có thể hấp dẫn người gửi tiền?

Nhà băng nhỏ, khó còn thêm khó

Khi những diễn biến lãi suất xảy ra, tâm điểm chú ý là các nhà băng nhỏ, bởi lợi thế cạnh tranh của các ngân hàng này chủ yếu dựa vào lãi suất cao để hút tiền gửi. Một số ngân hàng nhỏ cho biết, lượng tiền gửi sụt giảm đáng kể từ hơn tháng qua khi áp dụng nghiêm quy định về trần lãi suất 14%/năm. Nhưng nguyên nhân không chỉ do lãi suất tiền gửi giảm mà còn có cả lý do khách quan là khá nhiều người rút tiền mua vàng khi giá vàng giảm mạnh gần đây.

Chính vì vậy, với quy định của Thông tư 30 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày ngày thứ Bảy tuần qua không ít nhà băng lo ngại nguồn tiền gửi lại "chảy" sang kênh đầu tư khác khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng trở xuống chỉ bằng khoảng 2/3 (6%/năm) so với trước đây.

Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần quy mô nhỏ có trụ sở ở TP. HCM, trong hơn nửa tháng qua khi chủ trương siết chặt trần lãi suất huy động được NHNN đưa ra, nguồn tiền tiết kiệm của nhà băng này đã 'vơi dần' khoảng vài chục tỷ đồng/ngày. Tính ra hơn nửa tháng qua nhà băng trên đã mất gần 1.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm VND. Vì thế, điều làm vị tổng giám đốc trên lo ngại là khả năng vốn đầu vào sẽ còn giảm trong thời gian tới khi mà lãi suất kỳ hạn 1 tháng không còn được duy trì ở mức trần như trước.

"Xu hướng của người gửi tiền trong bối cảnh thị trường hiện nay chủ yếu là chọn kỳ hạn tiền gửi ngắn ngày, từ 3 tháng trở xuống và gần đây nhiều người chỉ chọn kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng, nhằm linh hoạt đồng vốn khi cần thiết. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư chỉ chọn gửi tiền không kỳ hạn hoặc kỳ hạn ngày, tuần, với mục đích linh hoạt vốn để đón đầu cơ hội khi các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản) tăng trở lại hoặc nếu giá vàng giảm xuống mức phù hợp để bắt đáy", vị tổng giám đốc này cho biết. "Lãi suất kỳ hạn ngắn ngày trước đây cũng được cào bằng so với kỳ hạn 1 - 12 tháng nên dễ thu hút tiền gửi, giờ chỉ còn 6%/năm cho kỳ hạn tiết kiệm 1 tháng trở xuống chắc chắn sẽ khó cho ngân hàng, nhất là những đơn vị quy mô còn nhỏ và vừa như nhà băng chúng tôi", ông nói.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc Oricobank (OCB) cho rằng, với một mức lãi suất tiền gửi được cào bằng 14%/năm và áp dụng đồng đều cho tất cả ngân hàng vốn đã rất khó cho những nhà băng quy mô nhỏ nên việc đưa ra kỳ hạn tiết kiệm tuần hoặc ngày cũng là một trong những giải pháp để cạnh tranh thu hút tiền nhàn rỗi giữ vốn tiết kiệm trong lúc này.

Còn theo bà Trần Thanh Hoa, Tổng giám đốc ABBank, cạnh tranh huy động tiết kiệm trong bối cảnh thị trường hiện khó khăn hơn trước, vì thế với ABBank dù còn dư địa cho vay khá nhiều. Nhưng ABBank cũng phải cân đối nguồn để phát triển cho vay.

Huy động tiếp tục là thời sự

Thực tế, thời gian gần đây không chỉ ở ngân hàng nhỏ mà ngay cả các nhà băng lớn như ACB, Eximbank (EIB, DongABank… lượng tiền gửi tiết kiệm cũng sụt giảm theo xu hướng của thị trường khi lãi suất tiết kiệm tiền đồng phải thực hiện đúng quy định trần.

Đáng chú khi giá vàng thế giới đang có chiều hướng giảm nhiệt và xuống mức thấp, kéo giá vàng trong nước chỉ còn 44 triệu đồng/lượng đã thu hút nhiều người chuyển vốn tiết kiệm sang mua vàng. Dẫn đến, tiền gửi ở các ngân hàng sụt giảm là khó tránh.

Câu chuyện tiền gửi sụt giảm đã được dự báo bởi hiện lãi suất không được áp dụng theo cơ chế 'thực dương', tức là cao hơn lạm phát nên bản thân người gửi tiền muốn tìm kênh khác để đầu tư. Vàng và ngoại tệ là một sự lựa chọn được nhiều người quan tâm, đặc biệt khi vàng giảm giá mạnh và USD tự do thì tăng khá đều đặn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Sacombank (STB) cũng thừa nhận, lượng tiền gửi tiết kiệm của khách tại Ngân hàng cũng không tránh được sụt giảm. Song theo ông Thành, trong lúc này không nên đặt nặng vấn đề lãi suất thực dương mà nên hướng nguồn tiền nhàn rỗi sang các kênh đầu tư khác. Bởi nếu tiếp tục duy trì lãi suất thực dương, khả năng các doanh nghiệp dù có tiền sẽ gửi tiết kiệm, thay vì kinh doanh. Do đó, việc áp trần mới cho lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng trở xuống ở mức 6%/năm, ông Thành cho rằng, cũng là cần thiết để tạo đường cong cho mặt bằng lãi suất tiết kiệm tiền gửi VND.

Đánh giá được đưa ra từ TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa quản trị và Kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, xu hướng lãi suất sẽ còn phụ thuộc vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI). CPI tháng 9 đã có dấu hiệu giảm nhiệt, chỉ tăng 0,82% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, theo ông Dương, nếu tính theo năm thì lạm phát vẫn còn ở mức khá cao. Đồng thời, trước xu hướng sụt giảm của lãi suất tiết kiệm, tâm lý nhiều người cho rằng, gửi tiền ngân hàng không còn lợi như trước đây nên sẽ tìm cách chuyển hướng.

Song TS. Lê Thẩm Dương cho rằng, cần thiết phải giảm lãi suất để chia sẽ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là mùa kinh doanh cao điểm cuối năm đang rất cận kề.

Thùy Vinh

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   ACB khẳng định không “gài bẫy” ngân hàng bạn (03/10/2011)

>   Đến lượt giá USD tự do dâng cao 21.400 đồng (03/10/2011)

>   Cận cảnh "tín dụng đen" (03/10/2011)

>   Lãi suất còn gượng ép (03/10/2011)

>   Thêm quy định trần lãi suất và áp lực lạm phát mới (03/10/2011)

>   Tỷ giá đang chịu áp lực mạnh mẽ (02/10/2011)

>   Đồng loạt giảm lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 1 tháng (02/10/2011)

>   Kéo giảm lãi suất: Tránh “vết xe cũ” (01/10/2011)

>   'Hô biến' lãi suất 6% lên 14%/năm? (01/10/2011)

>   Ngân hàng nhỏ gặp khó vì trần lãi suất (01/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật