80% CTCK chưa minh bạch tiền gửi của NĐT
Hiện nay có đến 80% CTCK không tách bạch tiền gửi của NĐT với tiền gửi của công ty. Đó là lý do khiến nhiều người có cách hiểu "chết người" về con số đột biến 1.092 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền cuối quý III của ORS.
Sau thông tin "ORS: Đột biến còn 1.092 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền cuối quý III" đăng trên một số website, cổ phiếu này được nhiều NĐT quan tâm và đã tăng kịch trần lên 3.400 đồng/CP trong 2 ngày liên tiếp (24 - 25/10). Nhiều NĐT hồ hởi cho biết, với lượng tiền gửi lớn như vậy, chỉ cần gửi tiết kiệm, Công ty cũng có lãi to như một số CTCK khác như KLS hay SSI…
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ BCTC của ORS, sẽ không ít người phải giật mình vì cách hiểu "chết người" này. Nguyên nhân của sự hiểu lầm trên bắt nguồn từ việc rất nhiều CTCK hiện không tách bạch tiền gửi của NĐT với tiền gửi của công ty.
NĐT cần thận trọng
Quý III/2011, ORS chỉ lãi 1,51 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2010, Công ty lãi 7,61 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, ORS lỗ 6,58 tỷ đồng. Năm 2011, ORS thông qua kế hoạch doanh thu 65 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 12,8 tỷ đồng.
BCTC quý III của ORS ghi nhận lượng tiền mặt tăng rất mạnh 1.091,92 tỷ đồng. Trong đó, thay đổi lớn nhất là khoản tiền gửi của Công ty tại ngân hàng có số dư 1.073,67 tỷ đồng, trong khi số dư đầu năm chỉ có 33,357 tỷ đồng. Theo thuyết minh BCTC, khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền có nhiều tài khoản khác nhau, không chỉ phản ánh số tiền của CTCK, mà còn của khách hàng và các giao dịch chuyển tiền đến tài khoản tiền gửi của CTCK. Theo chuẩn mực kế toán, các giao dịch như vậy phải ghi nhận vào các tài khoản phải trả tương ứng. Dựa trên báo cáo của ORS, nếu trừ đi các khoản tiền phải trả cho hoạt động giao dịch chứng khoán là 1.060 tỷ đồng, lượng tiền gửi thuộc về ORS không có gì đột biến.
CTCK cần gương mẫu khi công bố thông tin
Một chuyên gia tài chính chia sẻ, ngay cả khi đọc kỹ BCTC của DN, NĐT vẫn thấy khó hiểu do nhiều DN vẫn né tránh việc minh bạch thông tin, chỉ công bố một phần BCTC mà không công bố đầy đủ thuyết minh báo cáo, báo cáo lưu chuyển tiền tệ..., chưa kể đến việc phải bóc tách các khoản mục một cách rõ ràng.
Với các CTCK, vốn là DN nắm rõ những quy định pháp luật về chứng khoán, không ít đơn vị lại chưa minh bạch thông tin trong nghĩa vụ báo cáo quý III. Tại CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (AGR), đến thời điểm 25/10/2011 (hạn chót công bố thông tin), BCTC quý III/2011 chỉ công bố duy nhất trang 7 (bảng kết quả hoạt động) trên website mà không có một lời giải thích. Ba CTCK niêm yết khác là BSI, SBS, SVS thì đến nay vẫn chưa công bố BCTC quý III/2011 lên website công ty hay trên Sở GDCK. Theo thống kê của ĐTCK dựa trên BCTC của 27 CTCK đã niêm yết, việc ghi nhận các khoản tiền gửi tại các CTCK khá khác nhau. Chỉ có 16 CTCK có tách bạch tiền của NĐT trong BCTC, phần còn lại chưa tách bạch.
Một số CTCK niêm yết khác như APS, HBS, HCM, HPC, GBS, CTS lại gộp chung các khoản tiền này mà không có giải thích rõ ràng, khiến NĐT có thể hiểu lầm như trường hợp của ORS kể trên. Nếu lấy tổng số tiền ở khoản mục tiền gửi trừ đi số dư ở khoản mục phải trả cho hoạt động giao dịch chứng khoán (hoặc phải trả khác như CTS) thì lượng tiền thực tế của CTCK còn lại rất ít. Với khối CTCK chưa niêm yết, việc tách bạch tiền gửi vẫn là một dấu hỏi lớn. Tính chung toàn thị trường, số CTCK chưa minh bạch thông tin về tiền gửi nhà đầu tư có thể đến 80%.
Tách bạch tiền gửi NĐT: vẫn dậm chân tại chỗ?
Khoản 2, điều 71 Luật Chứng khoán quy định nghĩa vụ của CTCK: "Quản lý tách biệt chứng khoán của từng NĐT, tách biệt tiền và chứng khoán của NĐT với tiền và chứng khoán của CTCK". Bộ Tài chính và UBCK cũng đã có nhiều văn bản yêu cầu CTCK phải tách bạch tài khoản. Tuy nhiên, do các văn bản trên chưa quy định rõ ràng khiến việc hiểu tách bạch kiểu gì cũng được và cũng chưa có chế tài xử phạt rõ ràng.
Đa số CTCK hiện nay mới tách bạch tiền gửi NĐT ở tài khoản tổng, tức là CTCK mở một tài khoản tổng tại ngân hàng để NĐT gửi tiền vào tài khoản đó. CTCK không thực hiện việc chi trả và nhận tiền của NĐT mà do ngân hàng làm. Tuy nhiên, CTCK quản lý số tiền đó, nên việc chiếm dụng tiền của khách hàng là vẫn có khả năng xảy ra. CTCK vẫn có thể sử dụng tiền của khách hàng để làm các nghiệp vụ ứng trước, cầm cố, ký quỹ hay chiếm dụng lãi tiền gửi của khách hàng…
Theo ghi nhận của ĐTCK, trong giai đoạn thị trường khó khăn vừa qua, khi khách hàng lớn muốn rút một khoản tiền lớn tại một số CTCK thì không thể rút ngay. Một số NĐT buộc phải đặt lệnh mua chứng khoán trên tài khoản, sau đó làm động tác chuyển tài khoản sang CTCK khác để bán nhằm rút tiền.
Thực tế, chỉ khi nào các NĐT mở một tài khoản tiền tại ngân hàng và mở một tài khoản chứng khoán tại CTCK thì mới có sự tách biệt. Như vậy, CTCK sẽ không can thiệp được vào tài khoản của NĐT. Yêu cầu tách bạch tận chân tài khoản tiền gửi NĐT trên đã được đề ra từ cuối năm 2008, thời điểm đó nhiều CTCK cho rằng hệ thống công nghệ chưa đáp ứng được, nhưng đến nay đã gần 3 năm triển khai mà chưa có sự chuyển biến. Do đó, đã đến lúc cơ quan quản lý cần quyết liệt hơn trong việc yêu cầu các CTCK thực hiện tách bạch tài khoản, đề ra lộ trình cụ thể để NĐT không còn băn khoăn khi không biết tiền mình gửi tại CTCK có an toàn? Nhất là trong bối cảnh một số CTCK thua lỗ trầm trọng, có dấu hiệu mất khả năng thanh khoản.
Nguyễn Quang
đầu tư chứng khoán
|