Cách nào chặn doanh nghiệp vi phạm công bố thông tin?
14 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã bị "tuýt còi" vì chậm công bố thông tin (CBTT). Nhưng TTCK vẫn chờ đợi những giải pháp mạnh mẽ hơn nữa.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố danh sách các công ty bị phạt hành chính vì lý do chậm nộp BCTC, chậm công bố thông tin về nhân sự, về Nghị quyết HĐQT… Mức phạt mà UBCK dành cho các công ty này là 80 triệu đồng hoặc 70 triệu đồng/công ty. So với mức phạt 100 triệu đồng mà Đường Ninh Hòa (NHS) từng chịu cho lỗi tương tự, đây chưa phải là mức phạt cao nhất.
Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là UBCK đã truy cứu cả các sự kiện của năm 2010. Như ngoài xử phạt lỗi chậm nộp BCTC quý I/2011, chậm công bố thông tin theo yêu cầu của Sở, Tập đoàn Hà Đô (HDG) còn bị "tuýt còi" vì lỗi chậm nộp BCTC công ty mẹ và hợp nhất quý IV/2010, báo cáo định kỳ các quý III, IV/2010…
Xét về quy mô, đây cũng là lần đầu tiên UBCK ra quyết định xử phạt trên diện rộng, có tính rà soát. Đặc biệt, theo quy định mới, sau khi công ty chấp hành quyết định xử phạt, phải xác định cá nhân gây lỗi và báo cáo kết quả này tới UBCK trước 20/11/2011, để xác định trách nhiệm pháp lý và nghĩa vụ tài chính của cá nhân đó.
Tiền phạt chưa đủ sức răn đe
Từ sau vụ Dược Viễn Đông (DVD), giới đầu tư cảm nhận rõ sự quyết liệt từ các cơ quan quản lý, liên quan đến xử phạt vi phạm CBTT. Ngoài xử phạt hành chính, các sở giao dịch đã có những hình thức nghiêm khắc hơn. Cổ phiếu DCC của CTCP Xây dựng công nghiệp bị tạm ngừng giao dịch do vi phạm CBTT kéo dài là một ví dụ. Mới đây, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường UBCK cho biết, UBCK đang xây dựng thông tư mới về công bố thông tin thay thế Thông tư 9/2010/TT-BTC. Dự kiến, thông tư mới sẽ chú ý hơn đến nhu cầu minh bạch, chính xác và nhanh chóng trong công bố thông tin.
Có vẻ như thời mọi lý do chậm CBTT đều được chấp nhận sắp qua. Các doanh nghiệp sẽ phải nghiêm túc hơn, có trách nhiệm hơn nếu không muốn bị xử phạt vi phạm CBTT. Tuy nhiên, đa số chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính, với mức phạt vài chục triệu đồng hay thậm chí trăm triệu đồng thì vẫn không đủ sức răn đe.
Tình trạng vi phạm CBTT trong các DNNY diễn ra khá phổ biến. Chỉ riêng sàn Hà Nội, mùa công bố BCTC quý II/2011 ghi nhận 150 doanh nghiệp vi phạm. Hay trong danh sách 14 DNNY bị UBCK "tuýt còi" lần này, đa phần đều không phải lần đầu vi phạm. Như ở CTCP Xuất nhập khẩu lâm thủy sản Bến Tre (FBT), từ BCTC quý, BCTC soát xét đến BCTC kiểm toán, BCTN của các năm 2009, 2010, 2011 đều chậm trễ công bố.
Tính chất vi phạm đại trà và thường xuyên này cho thấy, đổ lỗi khách quan trong vi phạm CBTT đã không còn sức thuyết phục. Thậm chí, một giám đốc đầu tư CTCK còn nhận định, hơn 90% lỗi vi phạm CBTT đều là cố tình. Có vẻ như so với lợi ích từ sự chậm trễ thì mức phạt vài chục triệu đồng là quá nhẹ. Ngay cả khi cơ quan quản lý rốt ráo làm mạnh và truy phạt gắt gao, mức phạt này rõ ràng chưa thể khiến đơn vị vi phạm e sợ.
Cần thêm giám sát bằng xếp hạng tín nhiệm
Một mức phạt nặng hàng tỷ đồng hay tính trên % doanh thu, lợi nhuận đã được một số chuyên gia bàn tới. Nhưng nghĩ lại vẫn thấy cách thức này không ổn. Bởi ai dám chắc, nó đủ "nặng đô" để đè bẹp những quyền lợi đằng sau sự chậm trễ? Chưa kể, lợi ích từ sự vi phạm CBTT là lợi ích cho một nhóm người trong khi nếu bị xử phạt, tiền công ty sẽ dùng để chi trả.
Đề xuất truy cứu trách nhiệm cá nhân trong vi phạm CBTT đã được nêu ra. Nhưng để truy đúng lỗi, đúng người lại là một câu chuyện phức tạp khác. ông Phạm Thứ Triệu, khối Ngân hàng đầu tư, CTCK Thăng Long cho rằng, cần triển khai xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp. Vì để giữ hạng bậc tín nhiệm, tạo uy tín trước ngân hàng và nhà đầu tư, các doanh nghiệp buộc phải nghiêm túc trong mọi hoạt động, nhất là minh bạch thông tin.
Đây là cách mà các nước đã thực hiện. Trong đó, những báo cáo xếp hạng từ Fitch, Moody's hay Standard & Poor's… luôn được giới đầu tư quan tâm. Từ xem xét hạng bậc của doanh nghiệp, ngân hàng sẽ quyết định cho vay hay không, còn nhà đầu tư sẽ nhìn vào thứ bậc để đánh giá độ tin cậy cũng như triển vọng của công ty.
Tại Việt Nam, mới chỉ có Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC) thuộc Ngân hàng Nhà nước và CTCP Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp Việt Nam (CRV) là thực hiện công tác xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động rầm rộ nhất mới dừng ở "Báo cáo thường niên Chỉ số tín nhiệm Việt Nam". Những hoạt động xếp hạng chi tiết về doanh nghiệp, theo yêu cầu thị trường, theo thời điểm vẫn chưa được thực hiện.
"Có thể do luật chưa quy định xếp hạng tín nhiệm như một tiêu chí trong các đánh giá nên xếp hạng tín nhiệm ở Việt Nam chưa được phổ biến. Nhưng tôi tin, hoạt động này trong tương lai sẽ trở nên quan trọng và hạng mức tín nhiệm sẽ là cơ sở đánh giá không thể thiếu của nhà đầu tư", ông Triệu nhận định.
Ngọc Thủy
Đầu tư chứng khoán
|