Nghĩ từ các vụ vỡ nợ khủng
Giới đầu tư chưa hết bàng hoàng sau hai vụ vỡ nợ “trăm tỉ” ở Hà Nội thì lại sốc tiếp vì vụ vỡ nợ “ngàn tỉ” của một nữ đại gia trong làng OTC.
Sốc vì khá nhiều người đã cực kỳ tin tưởng vào “tiềm lực” của nữ đại gia, không chỉ là cái mác quản lý ở một ngân hàng quốc doanh hàng đầu, ủy viên hội đồng quản trị của hai công ty chứng khoán cũng hàng đầu mà còn là việc thanh toán hết sức sòng phẳng suốt ba, bốn năm làm ăn vừa qua của bà này. Chính vì thế nhiều nhà đầu tư nhỏ, lẻ đã “dốc ruột” cho bà, thậm chí đi huy động tài sản, vốn liếng của bạn bè, người thân để đầu tư cho mối quan hệ “có đẳng cấp” này.
Ngay cả khi bà đến công an đầu thú vì phá sản, nhiều người vẫn chưa… tin. Chỉ đến khi công an bắt đầu thu thập tài liệu, rồi chính ngân hàng quốc doanh và hai công ty chứng khoán kia vội vã ra văn bản rũ sạch trách nhiệm thì các nhà đầu tư mới hoảng hồn…
Vì thế vấn đề cần nói không phải là mang lý do Chính phủ siết tín dụng phi sản xuất (tín dụng cho vay chứng khoán và bất động sản) ra phân tích, đổ trách nhiệm mà chính là câu chuyện của các nhà đầu tư (muốn lên) chuyên nghiệp.
Ngay từ 4-5 năm trước, nhiều nhà kinh tế đã giật mình vì phong trào “đầu tư” của người Việt. Người ta sẵn sàng dốc hầu bao cho những người úp úp mở mở về những mối quan hệ “tầm cỡ” hoặc mang mác “quốc doanh” và mối quan hệ ấy được xem là tem đảm bảo cho các quyết định đầu tư kiếm lời. Vì lẽ đó trong thị trường OTC (và cả thị trường niêm yết) cũng như thị trường bất động sản, “văn hóa rỉ tai” lên ngôi và thực tế nhiều người kiếm bộn tiền từ các “suất ngoại giao, đầu tư nội gián” như thế. Chỉ đến khi vụ thao túng giá cổ phiếu của một công ty dược bị công an phát giác và các vụ vỡ nợ lần lượt xảy ra, một số người mới tỉnh ngộ.
Nhưng hậu quả đã ngay trước mắt!
Theo tiên lượng của giới thạo tin, những vụ vỡ nợ “ngàn tỉ” tương tự chưa có khả năng dừng lại, nếu việc lành mạnh hóa, minh bạch hóa khối ngân hàng - tài chính vẫn đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.
Nói theo từ chuyên môn, thực chất đó là việc tái cơ cấu vì lợi ích chung, bởi khi các khoản vay nợ, đầu tư được quyết định trên nền tảng các cáo bạch công khai thì mọi diễn biến mới có thể tiên liệu trước và thị trường sẽ không có nhiều người sốc dù có “đại gia” nào đó tuyên bố phá sản!
Phan Mai
Pháp luật TPHCM
|