Thứ Hai, 10/10/2011 13:52

Vốn đầu tư tư nhân nước ngoài:

Khơi thông kênh vốn tiềm năng

Ngày càng có nhiều quỹ đầu tư, nhà đầu tư tư nhân nước ngoài quan tâm đến môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngoài một số thuận lợi cơ bản, vẫn còn rất nhiều rào cản khiến các chủ thể này cảm thấy e ngại khi đầu tư.

Hạn chế về khung pháp lý

Theo nhận định của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Ông Dave Banjeree, Giám đốc điều hành Công ty FINRA Compliance, cho rằng trong những năm gần đây một số chính sách mới thu hút đầu tư tư nhân của Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài; những hạn chế, giới hạn về lĩnh vực hoạt động của quỹ đầu tư nước ngoài cũng được gỡ bỏ; các nhà đầu tư nước ngoài đã được cho phép hoạt động trong nhiều lĩnh vực mới ở Việt Nam như chuỗi bán lẻ hay hệ thống phân phối hàng hóa; hệ thống cấp phép kinh doanh cho các nhà đầu tư nước ngoài cũng thoáng hơn.

Tuy nhiên, khung pháp lý về đầu tư tại Việt Nam vẫn còn một số vấn đề khiến nhà đầu tư e ngại khi tiếp cận thị trường.

Theo ông Todd Peterson, Luật sư Công ty Edward Wildman Palmer LLP, về phía các chính sách thu hút, điều khiến các nhà đầu tư tư nhân chưa mạnh dạn đầu tư là các quy định pháp luật ở Việt Nam chưa nhất quán. Thị trường chứng khoán ở Việt Nam chỉ mới hoạt động trong khoảng 10 năm trở lại đây nên những vấn đề liên quan đến khuôn khổ pháp lý vẫn chưa thật sự hoàn thiện.

Các quỹ đầu tư hoạt động ở Việt Nam luôn phải dự đoán chính sách sẽ ban hành hay quy định gì mới để tránh đưa ra một quyết định sai lầm. Vì vậy, khi đầu tư nhà đầu tư buộc phải tỉnh táo và luôn theo dõi sát sao mọi thay đổi, vì có thể chính sách rất tốt nhưng thực hiện rất khó khăn.

Cũng theo ông Todd Peterson tuy hệ thống kế toán và kiểm toán ở Việt Nam có những điểm tương đương với chuẩn mực kế toán, kiểm toán quốc tế, nhưng những chuẩn mực này được ban hành từ năm 2004.

Trong khi thời gian qua các chuẩn mực quốc tế đã có những thay đổi lớn nhưng Việt Nam chưa cập nhật, nên có nhiều điểm chưa phù hợp khiến nhà đầu tư không thể tính toán kết quả tốt nhất khi định giá DN.

Chưa đáp ứng tiêu chí thẩm định đầu tư

Các công ty quản lý quỹ cho biết, gần đây trước khi muốn tham gia vào các dự án các nhà đầu tư bắt đầu chú trọng nhiều hơn đến vấn đề thẩm định đầu tư. Song, DN Việt Nam tồn tại nhiều điểm có thể khiến nhà đầu tư chùn tay.

Chẳng hạn có DN tiết lộ trong 20 năm hoạt động vẫn chưa có báo cáo tài chính công khai nào. Như vậy có thể thấy DN Việt Nam lập báo cáo tài chính chủ yếu chỉ vì mục đích khai thuế, không có tác dụng trong việc đánh giá hoạt động kinh doanh của công ty cũng như xác định chất lượng của cán bộ quản lý và hội đồng quản trị công ty.

Phân tích lịch sử phát triển DN của Việt Nam cho thấy cách đây hơn 10 năm các DN gia đình phát triển rất nhanh, đặc thù này khiến nhiều DN không quan tâm đến việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ.

Ông Joseph W. Ferrigno, Giám đốc Asia Mezzanine Capital Group, nhận định DN Việt Nam thường rơi vào trường hợp gặp khó khăn tài chính nên việc thẩm định của các nhà đầu tư nước ngoài được thực hiện rất thận trọng.

Về khả năng đổi mới tư duy thẩm định đầu tư, ông Bradford E. Willmore, Giám đốc Sarus Capital Management, nhấn mạnh trong vòng 5 năm tới, các yếu tố nhà đầu tư quan tâm vẫn là khả năng mở rộng, tính bền vững cùng với các yếu tố thẩm định về môi trường, xã hội, quản trị.

Đây là yếu tố hầu hết các giao dịch và các bên liên quan đến giao dịch luôn xem xét một cách thận trọng bên cạnh việc thẩm định mức giá. Ở Việt Nam, có nhiều DN nhỏ và vừa tuy năng động nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro và thiếu tính bền vững, vì thế khi xem xét đầu tư nhà đầu tư rất chú ý đến năng lực và quy mô giao dịch và những vấn đề hỗ trợ.

Khó thoái vốn

Với kinh nghiệm hoạt động lâu năm trên thị trường thế giới, ông Jay Boyle, Giám đốc Công ty ECFO Transantion Services, chia sẻ: Ở Hoa Kỳ, chiến lược thoái vốn được đưa ra rất dễ dàng, cơ chế để có chiến lược thoái vốn cũng rất tốt do thị trường chứng khoán hay thị trường IPO ở Hoa Kỳ mạnh, nên có đầy đủ điều kiện.

Ngoài ra, tính thanh khoản ở đây tốt nên quỹ đầu tư có thể đưa ra chiến lược thoái vốn tuyệt vời. Nhưng ở Việt Nam, về pháp lý còn một số điểm hạn chế, các quy định về niêm yết, thành lập công ty có nhiều điểm gây khó cho tiến trình thoái vốn.

Theo xu hướng hiện nay, một trong những chiến lược thoái vốn ưa thích của các quỹ đầu tư là bán lại chiến lược bằng cách phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO). Để có thể bán lại chiến lược, khi tiếp cận một dự án nào đó, các quỹ đầu tư xem xét rất kỹ dự án đó có đáp ứng được sự hài lòng của mình và có hấp dẫn người mua tương lai hay không, rồi mới đi đến quyết định đầu tư.

Nhưng ở Việt Nam, nếu áp dụng chiến lược thoái vốn IPO, nhà đầu tư có thể gặp một vài khó khăn nếu như không chuẩn bị tốt, không có nhận định tốt, không có được công ty kiểm toán tốt hỗ trợ định giá sẽ gây ảnh hưởng lớn đến chiến lược thoái vốn. Thêm vào đó, tính thanh khoản của thị trường cũng là một khó khăn.

Thương vụ Megastar là một điển hình về những thuận lợi giúp nhà đầu tư yên tâm giao dịch.

Theo ông Bradford E. Willmore, thương vụ Megastar (tại Việt Nam) là một thí dụ điển hình về những đặc điểm thuận lợi khiến nhà đầu tư yên tâm giao dịch hơn so với các thương vụ khác.

Tuy nhiên, yếu tố dẫn đến thành công của thương vụ này là cả bên mua và bên bán ở nước ngoài đều muốn vào Việt Nam làm cho giao dịch dễ dàng hơn về quy trình phê duyệt. Quá trình đàm phán diễn ra trên cơ sở theo quy định thị trường chứng khoán Hàn Quốc nên bên bán không lo ngại.

Nhìn một cách tổng thể, Việt Nam còn rất nhiều rào cản thu hút đầu tư, nhưng các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài vẫn đánh giá đây là thị trường tiềm năng và mong muốn sẽ có cơ hội đầu tư vào Việt Nam.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng, khi thị trường còn sơ khởi là điều kiện rất tốt để đầu tư những ngành chưa có mặt tại thị trường Việt Nam.

Yên Lam

Sài Gòn Đầu tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   Nghĩ từ các vụ vỡ nợ khủng (10/10/2011)

>   SSI bị cảnh cáo do vi phạm quy chế giao dịch (07/10/2011)

>   Thêm 44 nhà đầu tư nước ngoài được cấp mã giao dịch (05/10/2011)

>   Sẽ có "án điểm" cho nghi án bán khống (04/10/2011)

>   Giải pháp nào cho các vấn đề về tài chính cá nhân? (03/10/2011)

>   Giao dịch chứng khoán trong kỷ nguyên trực tuyến (30/09/2011)

>   PSI thay đổi người đứng đầu Chi nhánh Hà Nội, Hải Phòng (29/09/2011)

>   Một chu kỳ giảm điểm đã bắt đầu? (20/10/2011)

>   Tài chính chứng khoán qua nhịp cầu Anh Việt (28/09/2011)

>   Đầu tư gián tiếp nước ngoài: Vẫn theo xu hướng tăng (27/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật