Ngân hàng lao đao tìm cách giữ chân khách hàng
Đồng loạt cam kết thực hiện trần lãi suất huy động 14% theo Chỉ thị 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhưng các ngân hàng bắt đầu lo lắng vì ngày càng nhiều khách hàng đến rút tiền, nhất là những ngân hàng nhỏ.
Nỗi lo của ngân hàng nhỏ
Đầu giờ sáng ngày 17/9, tại chi nhánh một ngân hàng cổ phần nhỏ trên phố Nguyễn Văn Cừ (Hà Nội) anh Nguyễn Thành Trung, phường Giang Biên - Long Biên cầm sổ tiết kiệm gửi cách đây 2 tháng đòi rút cả vốn lẫn lãi khi đến hạn với tổng số tiền 650 triệu đồng. Cô nhân viên giao dịch cầm quyển sổ rồi tỉ tê với khách: "Anh rút tiền về nhà có việc à, nếu anh cần bao nhiều thì rút bấy nhiêu thôi, còn cứ để gửi ở ngân hàng em".
Anh Trung hỏi: "Lãi suất bây giờ bao nhiêu hả em?" Khi biết lãi suất tối đa chỉ 13,99%, anh Trung quyết định rút hẳn. Cô nhân viên lại năn nỉ: "Giờ anh đến ngân hàng nào cũng thế cả thôi, chẳng có nhân viên nào dám 'lách lãi suất' như trước nữa đâu. Anh cứ để ở đây, một vài tuần nữa nếu có điều kiện chúng em sẽ tính tiếp."
Anh Trung cho biết, gần nhà anh có người đang cần tiền gấp để chạy cho con khỏi vòng lao lý nên rao bán mảnh đất được cho là thấp hơn giá thị trường hiện nay nên anh quyết định rút tiền về, vay mượn thêm để mua mảnh đất này.
Còn chị Sen ở Thành Công (Ba Đình, Hà Nội) lại có suy nghĩ khác, hai vợ chồng chị vất vả tích cóp được gần 1 tỷ đồng để nếu có thời cơ thì sẽ mua một căn nhà nhỏ. Thời gian trước, với số tiền của chị cũng đã được một số ngân hàng chào mời với mức lãi suất tương đối cao từ 18-19%, nhưng thời điểm này lãi suất ngân hàng nào cũng như nhau nên chị rút tiền về gửi ở ngân hàng lớn cho an toàn. Với lại, nếu giao dịch doanh số lớn sẽ được hưởng ưu đãi dịch vụ và khi có việc cần vay nợ cũng dễ dàng hơn.
Đây là lý do chung của rất nhiều người đến rút tiền tiết kiệm.
Mặc dù các ngân hàng và chuyên gia đều cho rằng, việc đồng thuận đưa lãi suất về 14% sẽ không ảnh hưởng tới huy động vốn và không lo mất vốn vì "rút tiền thì bỏ vào đâu bây giờ" song thực tế là rất nhiều ngân hàng đã bắt đầu nhận thấy nguy cơ trên mà chưa có cách gì cứu vãn.
Tại hội nghị do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội tổ chức cuối tuần qua, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần trên phố Tây Sơn cho biết, từ đó đến nay, khách hàng đã rút ra gần 1.000 tỷ đồng.
Thậm chí, chuyện người dân rút tiền còn xảy ra tại ngay cả các ngân hàng lớn, có uy tín. Không công bố số liệu chi tiết, đại diện một trong năm ngân hàng lớn thừa nhận lượng vốn "chạy" khỏi ngân hàng có quy mô tài sản và mạng lưới lớn nhất nước này cũng lên tới vài trăm tỷ đồng trong tuần vừa rồi.
"Đây gần như là điều chưa có tiền lệ với ngân hàng tôi," vị đại diện nói.
Còn phát biểu trên các phương tiện thông tin, Tổng giám đốc VP Bank cho biết lượng tiền gửi vào ngân hàng có phần giảm, nhưng mức độ không đáng kể.
Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ thừa nhận, điều họ lo lắng ngày càng lộ diện khi xu hướng rút vốn và chuyển dịch vốn ra khỏi ngân hàng trở nên hiện hữu. Tuy chưa đến mức cả ngàn tỷ mỗi ngày, song đây là dấu hiệu đáng lo ngại.
Có vẻ như có sự trùng hợp nhưng không hoàn toàn ngẫu nhiên là khi dòng tiền vào ngân hàng sụt giảm thì thị trường chứng khoán tăng điểm. Rất có thể một phần trong đó đã được giải ngân cho thị trường chứng khoán và tạo nên vài đợt sóng ngắn hạn vừa qua.
Ông Đỗ Linh Phương, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán VietinBank (CTS) cho rằng: Dù ít hay nhiều thì vốn của thị trường ngân hàng đang chảy sang thị trường chứng khoán. Điều này được thể hiện thông qua việc nộp tiền ròng vào tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán VietinBank.
Ông Phương cho biết, hiện tại so với thời điểm tháng 8 vừa qua, giao dịch của Công ty CTS đã tăng tới 20-30%. Theo thống kê của CTS, trên toàn bộ hệ thống của các công ty chứng khoán, lượng tiền gửi của các cá nhân cũng như tổ chức đã tăng lên khoảng khoảng từ 4.000-6.000 tỷ đồng, đây là một số tiền không nhỏ.
"Bên cạnh dòng vốn này, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ, cũng như các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân gửi tiền vào ngân hàng sẽ chuyển dần sang các kênh đầu tư khác, trong đó có chứng khoán, tôi tin là như vậy," ông Phương khẳng định.
Bên cạnh đó, dòng tiền có lẽ cũng đã được dịch chuyển sang vàng. Ngày 16/9, giá vàng trong nước giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 46,5 triệu đồng/lượng, mặc dù vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng nhưng vẫn có rất nhiều người đi mua vàng.
Theo Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) riêng ngày 16/9, SJC đã bán ra 11.000 lượng, nhiều hơn số vàng bán ra thời điểm bình ổn cuối tháng 8, trong khi đó mua vào chỉ khoảng 3.000 lượng. Còn Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bán ra 3.000 lượng, mua vào 1.000 lượng.
Sự dịch chuyển dòng tiền từ kênh đầu tư này sang kênh đầu tư khác để tìm kiếm hiệu quả hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các ngân hàng lớn có thể sẽ không lo ngại về điều này vì đi đâu (bất động sản hay chứng khoán), nói như ông Trần Bắc Hà, Chỉ tịch Hội đồng quản trị BIDV thì tiền đi đâu cũng chỉ loanh quanh không ở ngân hàng này thì ngân hàng khác. Nhưng đối với các ngân hàng nhỏ, đây thực sự là nỗi lo vì rất có thể "có đi mà không có lại."
Tìm cách giữ chân người gửi tiền
Không muốn tiền đang ở ngân hàng mình lại chạy sang ngân hàng khác nên một số ngân hàng chỉ còn cách cào bằng lãi suất cao nhất có thể ở tất cả các kỳ hạn.
Sáng kiến huy động vốn theo ngày mới đây của Ngân hàng Phương Tây cũng là biện pháp để đối phó với nguy cơ dòng tiền bị chảy đi.
Kỳ hạn đối với loại hình tiết kiệm này là 1-6 ngày, lãi suất áp dụng là 14% một năm. Theo nhân viên tư vấn, loại hình tiết kiệm này phù hợp với gần như tất cả các đối tượng, từ nhiều vốn đến ít vốn. Nhưng lợi thế nhất của hình thức này là số tiền "ngày càng đẻ ra nhiều hơn" vì hình thức tính lãi dựa trên tài khoản lãi nhập gốc.
Theo nhà băng này, đây không chỉ là sản phẩm giúp khách hàng nhận được mức lãi suất cao và hấp dẫn mà còn giúp khách hàng linh hoạt trong việc sử dụng nguồn vốn của mình.
Ngân hàng An Bình cũng vừa tung ra gói "Tiết kiệm VND kỳ hạn 1 ngày" được cho là một trong những cách để "câu" khách gửi tiền. “Tiết kiệm VND kỳ hạn 1 ngày” là sản phẩm đặc biệt chỉ dành riêng cho tiền đồng Việt Nam, lãi nhập vốn gốc cứ 24 giờ 1 lần và lãi suất được điều chỉnh theo lãi suất thị trường. Vẫn làm đúng luật quy định, ngân hàng này áp dụng lãi suất cao nhất vẫn chỉ 14% một năm, nhưng với các khoản từ 50 triệu đồng đến dưới 5 tỷ đồng gửi trong một ngày, khách sẽ được hưởng lãi suất từ 8 đến 12% một năm.
Thực tế, xu hướng tăng lãi suất cho các kỳ hạn ngắn không phải mới manh nha xuất hiện, mà đã được nhiều ngân hàng đưa ra từ cách đây vài tháng. Song những ngày gần đây, nhiều ngân hàng mới liên tục áp dụng sau khi Ngân hàng Nhà nước xử phạt mạnh tay với một số đơn vị huy động vượt trần.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất đầu vào quy về một mối như hiện nay, yếu tố níu chân khách hàng chính là dịch vụ, chất lượng và sự sát cánh của nhà băng đối với khách. Lãnh đạo một ngân hàng thương mại thừa nhận, thực ra các ngân hàng cũng chẳng muốn phải đau đầu nghĩ kế đối phó để hút tiền về phía mình, nhưng trong thời điểm này, nhất là gần cuối năm, tất cả các doanh nghiệp đều cần tiền thì những "chiêu" như trên cũng không thể tránh khỏi./.
Minh Thúy
Vietnam+
|