Vì sao lãi suất cho vay chưa giảm mạnh?
Ngày 15/9, Vietcombank (VCB) là ngân hàng đầu tiên công bố hạ lãi suất cho vay xuống 16%/năm, đồng thời cũng có thêm vài ngân hàng tuyên bố hạ lãi suất xuống 17 -19%/năm. Nhưng tất cả đều là cho vay có điều kiện. Câu hỏi đặt ra là đến thời điểm nào các ngân hàng mới hạ lãi suất cho vay đối với toàn bộ nền kinh tế?
Trong khuôn khổ chương trình "Tài trợ xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lãi suất ưu đãi", Techcombank vừa hạ mức lãi suất cho vay từ 19,5% xuống 17,9%/năm kể từ ngày 12/9 đến 31/12/2011. Theo đó, DN sẽ được cấp vốn với mục đích thực hiện các hoạt động mua hàng hóa, nguyên liệu phục vụ xuất khẩu trực tiếp với lãi suất ưu đãi.
Mặc dù không phải là một ngân hàng lớn nhưng TienPhong Bank cũng tuyên bố dành 1.000 tỷ đồng cho vay lãi suất 17 - 19%/năm đối với các DN vừa và nhỏ kinh doanh trong lĩnh vực xuất khẩu, trực tiếp sản xuất, DN điện tử viễn thông, điện máy, tin học, công nghệ cao… Bên cạnh đó, hiện Ngân hàng vẫn tiếp tục chương trình dành 1.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho DN hoạt động trong lĩnh vực tam nông, với mức giảm 0,5% lãi suất cho vay so với mặt bằng chung…
Các quyết định trên đều được ngân hàng tuyên bố là nhằm tạo điều kiện cho DN có được nguồn vốn ổn định để an tâm sản xuất - kinh doanh. Và Techcombank hay TienPhong Bank chỉ là 2 trong số nhiều ngân hàng tuyên bố dành ra một gói hỗ trợ vài nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi khoảng 17 - 19%/năm, nhưng đều xoay quanh một số nhóm DN cụ thể. Như vậy, thông điệp rất rõ ràng của các tổ chức tín dụng là không phải hầu hết DN được tiếp cận mức lãi suất 17 - 19%/năm, mà đó chỉ là "lãi suất ưu đãi" trong diện hẹp. Trong khi đó, với việc thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động, chênh lệch đầu vào - đầu ra là khá lớn, đủ để các ngân hàng tính đến việc giảm đáng kể lãi suất cho vay. Vậy, áp lực gì khiến lãi suất cho vay chưa giảm mạnh ở trên diện rộng?
Ông Louis Taylor, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận định, nếu ngân hàng đảm bảo huy động với lãi suất 14%/năm, chắc chắn họ sẽ có lời khi cho vay ở mức 17 - 19%/năm. Tuy nhiên, nếu các ngân hàng tiếp tục huy động vốn ở mức 19%/năm thì họ sẽ không thể cho các DN vay ở mức 17 - 19%/năm mà không bị lỗ.
Theo ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT OceanBank, việc hạ lãi suất cho vay cần phải có một tiến trình. Chỉ thị 02 mới được thực hiện chưa được 10 ngày. Trong khi đó, giá vốn bình quân của các ngân hàng vẫn cao hơn 14%/năm, bởi vẫn còn những hợp đồng cũ huy động với lãi suất cao đang được thực thi. Do vậy, các ngân hàng vẫn cần thời gian để chờ các khoản tiền gửi đó đáo hạn rồi chuyển sang mức lãi suất khác.
"Giảm lãi suất cho vay cần một sự điều chỉnh dần dần và có một độ trễ về mặt thời gian", ông Thắm nói.
Một chuyên gia ngân hàng phân tích, thứ nhất lãi suất huy động đầu vào vẫn còn phải thực hiện hết kỳ hạn đã cam kết huy động cao trước kia; thứ hai, nếu cho vay các lĩnh vực phi sản xuất: vừa chịu hệ số rủi ro cao (250%), đồng nghĩa với việc phải có nhiều vốn tự có tương ứng. Điều này sẽ ảnh hưởng tới hệ số CAR và chi phí vốn, vừa ảnh hưởng tới việc tuân thủ quyết định giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất xuống 16% vào cuối năm nay; thứ ba, một số ngân hàng đã gần hết room giải ngân tín dụng. Nếu giảm sâu lãi suất cho vay ngay, nhu cầu vay của khách hàng tăng, ngân hàng đó không thể đáp ứng đầy đủ vốn.
Còn chuyên gia kinh tế Việt Nam của ADB, ông Dominic Patrick Mellor nêu quan điểm, để lãi suất cho vay giảm, lãi suất huy động phải giảm thực sự. Trong khi đó, muốn lãi suất huy động giảm thì lạm phát phải có xu hướng giảm rõ rệt để giảm kỳ vọng lạm phát của người dân. Đó là nền tảng quan trọng để lãi suất cho vay thực sự giảm mạnh một cách bền vững và rộng rãi.
Đồng quan điểm trên, ông Louis nhận định: "Mặc dù tốc độ tăng lạm phát có chậm lại, nhưng việc hạ lãi suất trước khi lạm phát giảm tốc một cách rõ ràng được xem là khá mạo hiểm. Khi lạm phát diễn biến một cách ổn định hơn, tôi tin rằng NHNN sẽ ban hành những chính sách tiền tệ đủ để tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay".
Hồng Dung
Đầu tư chứng khoán
|