Thứ Sáu, 16/09/2011 06:12

Tái cấp vốn: Người thèm, kẻ chê

Sau khi ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank-CTG) trả hết 35.000 tỉ đồng tái cấp vốn đến hạn, xét thấy dư nợ cho vay nông nghiệp – nông thôn của Vietinbank còn lớn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tái cấp vốn lại cho Vietinbank 19.000 đồng với lãi suất 14%/năm.

Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) được tái cấp vốn lại 5.000 tỉ đồng – nguồn tin có thẩm quyền từ NHNN cho biết. Về nguyên tắc hai ngân hàng khác là Đầu tư & Phát triển (BIDV) và Ngoại thương (Vietcombank-VCB) cũng nằm trong danh sách được tái cấp vốn, nhưng NHNN sẽ xem xét thời điểm cụ thể một cách thích hợp. Nói cách khác, tái cấp vốn còn phải phụ thuộc vào việc đảm bảo cân đối được nguồn và cung cầu vốn trên thị trường. NHNN sẽ thực thi tái cấp vốn một cách công bằng ở vai trò người tham gia cuối cùng và không vì mục tiêu lợi nhuận.

Dễ hiểu vì sao các ngân hàng, nhất là các ngân hàng cổ phần, đã phản ứng khác nhau trước việc tái cấp vốn lại cho Vietinbank. Khoản 35.000 tỉ đồng tái cấp vốn với lãi suất 7%/năm vào năm ngoái (trước khi lãi suất tái cấp vốn được điều chỉnh) đã mang lại một lợi thế cạnh tranh cho Vietinbank trong bối cảnh huy động vốn khó khăn. Ngay cả khi toàn bộ số tiền trên được tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn, thì nó cũng khó tìm thấy lời giải thích phù hợp vì BIDV, Vietcombank hay một số ngân hàng cổ phần hàng đầu cũng liên tục hỗ trợ tín dụng cho các ngành nghề đó. Tại sao năm ngoái họ không được tái cấp vốn? Nếu tái cấp vốn là chỉ tiêu, vì sao không phân bổ đều cho các ngân hàng?       

Việc tái cấp vốn lại một phần khoản tiền đã trả của Vietinbank cho Vietinbank, của Agribank cho Agribank là nhằm giải quyết sự “nóng” lên của lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng những ngày đầu đồng loạt áp trần lãi suất huy động lần này (xin nhấn mạnh “lần này”). Việc rút tiền một cách từ từ là để các ngân hàng có thời gian chuẩn bị và đây là cách điều hòa vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu một cách công bằng, mà không phải bơm thêm tiền và vẫn có thể kéo mặt bằng lãi suất xuống. NHNN khẳng định trong trường hợp lãi suất có biến động do cầu tăng, kênh thị trường mở sẽ mở rộng hoạt động. Lượng tiền đưa ra qua kênh này có thể tăng lên 10.000 – 15.000 tỉ đồng/ngày. Thời gian qua, dư nợ của thị trường mở khá thấp, có lúc chỉ còn 5.000 tỉ đồng do lãi suất liên ngân hàng thấp hơn mức 14%/năm của thị trường mở.    

Cũng liên quan đến tái cấp vốn, không giống các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ yếu kém không hào hứng. Vì nhận tái cấp vốn của Nhà nước đồng nghĩa với việc có đại diện của chi nhánh NHNN địa phương ngồi kè kè bên cạnh, làm gì cũng phải báo cáo, xem trước ngó sau để không vượt ra ngoài rào cản. Bức bối lắm!

Tuy nhiên lần này NHNN tỏ ra kiên quyết. Năm ngân hàng có tình hình tài chính quan ngại đã được chọn ra và NHNN sẽ sáp vô xử lý. “Năm ngân hàng đã cho vay bất động sản nhiều, trong khi vẫn tiếp tục tăng dư nợ. Vấn đề của họ đã phát sinh từ năm ngoái năm kia. Bây giờ NHNN phải có trách nhiệm giải quyết để đảm bảo an toàn hệ thống và tránh ảnh hưởng đến nền kinh tế” – một quan chức NHNN nhấn mạnh.   

Có thể hiểu là các ngân hàng có vấn đề sẽ không thể từ chối tái cấp vốn. Cải cách không còn là sự lựa chọn, nó đang trở thành sự bắt buộc. Và đã bắt buộc thì không thể đứng ngoài. Do đó tham gia, hợp tác với Nhà nước càng sớm, các ngân hàng nhỏ càng có lợi.

Sự gia tăng của tín dụng ngoại tệ bắt đầu chững lại khi NHNN cho biết hiện thanh khoản ngoại tệ được cải thiện, số dư giữa huy động và cho vay ngoại tệ đã dư ra khoảng 3 tỉ đô la Mỹ. Theo tốc độ trả nợ từ nay đến cuối năm của doanh nghiệp, số dư có thể lên tới 5 tỉ đô la Mỹ. Áp lực lên tỉ giá từ tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao vẫn còn, nhưng nó đang yếu dần. Số dư từ nay đến cuối năm tăng thêm 2 tỉ đô la Mỹ có nghĩa là người vay phải có đủ số ngoại tệ để trả nợ, hoặc từ nguồn thu xuất khẩu hoặc mua. Quí 4 cũng là thời điểm nguồn thu ngoại tệ từ xuất khẩu về nhiều, và kiều hối cũng dồn về theo chu kỳ hàng năm, nên không đáng ngại.

Ngoài việc yêu cầu các ngân hàng xiết chặt hơn điều kiện, đối tượng được vay ngoại tệ, NHNN chuẩn bị ban hành qui chế trần giao dịch kỳ hạn nhằm tăng chi phí vay ngoại tệ. Trước mắt khi lãi suất đầu ra tiền đồng về mức 17-19%/năm, trong khi lãi suất vay đô la Mỹ tăng lên, tín dụng ngoại tệ sẽ thu hẹp.

Ngoài ra các doanh nghiệp ham vay ngoại tệ cũng phải tính đến khả năng ổn định nhưng không cố định của tỷ giá. NHNN khẳng định từ nay đến cuối năm biến động tỉ giá trong khoảng 1% và cuối năm chỉ còn ba tháng rưỡi. Tỷ giá hối đoái năm sau đang là ẩn số và ẩn số này không dễ dự báo nhất là trong bối cảnh gần đây đồng đô la Mỹ đang lấy lại giá trị so với các ngoại tệ mạnh trên thị trường tài chính quốc tế.     

Hải Lý

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Trắng tay vì giải chấp! (15/09/2011)

>   DongABank và Agribank bị NHNN "sờ gáy" do vượt trần lãi suất (15/09/2011)

>   Tiền tiết kiệm đang chảy khỏi ngân hàng (15/09/2011)

>   Hà Nội: Dư nợ tín dụng 8 tháng đạt hơn 568,000 tỷ đồng (15/09/2011)

>   Khống chế trần lãi suất huy động 14%: Giao dịch trầm lắng (15/09/2011)

>   Western Bank không vi phạm huy động lãi suất vượt trần (15/09/2011)

>   Vượt trần lãi suất, giám đốc DongABank Tây Ninh bị đình chỉ (15/09/2011)

>   Hết thời lãi suất cao, đua rút tiền tiết kiệm (15/09/2011)

>   Phải khiến người dân có niềm tin khi giữ tiền đồng (14/09/2011)

>   Vietcombank hạ lãi suất cho vay xuống thấp nhất 16% (14/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật