Thứ Sáu, 16/09/2011 15:16

“Đủng đỉnh” giảm lãi suất

Sau gần một tháng ngân hàng tung ra các gói cho vay lãi suất thấp, chỉ còn 17-19%/năm, đã có phản hồi từ người vay. Ghi nhận ở hiệp hội ngành nghề, doanh nghiệp cho thấy đa số không vay được. Vốn rẻ chỉ đến doanh nghiệp xuất khẩu, đối tượng lâu nay vẫn được hưởng lãi suất thấp.

Không lạ khi có ít doanh nghiệp được vào danh sách vay vốn rẻ bởi họ không đáp ứng điều kiện mà ngân hàng (NH) đưa ra: làm hàng xuất khẩu. Vì sao NH chỉ cho doanh nghiệp này vay lãi suất thấp? Câu trả lời cũng là lý do NH chỉ có gói lãi suất rẻ mà chưa thể đồng loạt hạ lãi suất cho vay.

Đó là doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu có nguồn thu ngoại tệ, nhờ ngoại tệ có lãi suất rẻ, NH bán lấy VND, qua đó mới có được đồng vốn giá rẻ để cho vay. Vì thế khi cho vay lãi suất rẻ, NH kèm theo điều kiện người vay cam kết bán ngoại tệ. NH chỉ thu xếp được ít vốn giá rẻ nên họ phải cho vay theo chương trình, gói hỗ trợ, không thể mở rộng đại trà. Điều này cho thấy chỉ trông vào nguồn vốn huy động của dân cư với lãi suất trước đây là 17-18%/năm, hiện là 14%/năm thì NH chưa thể cho vay với lãi suất thấp.

Thế nhưng nền kinh tế đâu chỉ có doanh nghiệp xuất khẩu. Còn hàng trăm ngàn doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ ở trong nước cũng cần vốn lãi suất thấp. Đã có cảnh báo: nếu cứ để lãi suất cao, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn, không mở rộng đầu tư, khi đó hàng ngoại tràn vào, tạo thêm sức ép về nhập siêu, lên tỉ giá... Mới đây một vài NH có mở rộng đối tượng được vay lãi suất rẻ nhưng cũng không đáng kể.

Cộng đồng doanh nghiệp mỏi mòn chờ được vay vốn với lãi suất rẻ hơn. Doanh nghiệp đang vay NH khoảng 2,4 triệu tỉ đồng. Nếu 1% số tiền NH đang cho vay có lãi suất thấp thì cũng lên đến 24.000 tỉ đồng. Nếu NH nâng được tỉ lệ vốn vay có lãi suất thấp lên 5% tổng dư nợ thì số này là 120.000 tỉ, quá lớn so với những gói lãi suất rẻ một vài ngàn tỉ mà nhiều NH đang ra sức quảng bá.

Dẫn ra con số này để thấy NH Nhà nước và hệ thống NH còn phải làm rất nhiều để đạt được mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Đúng là từ tháng 9 lãi suất cho vay có giảm về 17-19%/năm như lãnh đạo NH Nhà nước đã cam kết. Nhưng độ phủ của vốn rẻ quá khiêm tốn. Như nhiều doanh nghiệp nói vốn rẻ chỉ là món ăn ngon mà cộng đồng doanh nghiệp được nghe nói sẽ dành cho mình và họ vẫn phải kiên nhẫn chờ.

Giảm lãi suất, tự thân các NH thương mại không thể thực hiện. Họ cần hỗ trợ từ NH Nhà nước. Lãi suất cho vay giữa các NH trong những ngày trước và sau khi thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động tăng mạnh cho thấy NH Nhà nước chưa quyết liệt, linh động trong can thiệp để đạt mục tiêu hạ giá vốn đầu vào cho các NH.

Trong khi không phải lúc nào cũng có cơ hội để giảm lãi suất khi sức ép lên lạm phát luôn rình rập. Mới đây, có dự báo chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 ở mức dưới 1% thì ngành điện, xăng dầu muốn tăng giá.

Có thể giá những mặt hàng này chưa tăng ngay nhưng nó cũng tạo ra tâm lý gây sức ép lên giá cả, càng thêm khó cho NH khi ép lãi suất huy động xuống. Cần lưu ý rằng người gửi tiền sẽ khó chấp nhận khi họ đã hi sinh, hưởng lãi ít hơn trong khi NH lại chỉ có một ít vốn giá rẻ và đủng đỉnh trên lộ trình giảm lãi suất.

Thanh Tuyền

TUỔI TRẺ

Các tin tức khác

>   Agribank Thăng Long thực hiện khoản vay 180 triệu USD từ WB (16/09/2011)

>   TS. Cao Sỹ Kiêm: Lãi suất và niềm tin (16/09/2011)

>   Thanh tra ngân hàng cũng 'bó tay' với vi phạm lãi suất (16/09/2011)

>   Nợ xấu ngân hàng tại Việt Nam: Khó nói! (16/09/2011)

>   Đường cong lãi suất báo hiệu tiền gửi bất ổn (16/09/2011)

>   Cho vay ưu đãi: Giải ngân chưa nhiều (16/09/2011)

>   Thắt chặt tín dụng: Phương thuốc hợp lý? (16/09/2011)

>   Tái cấp vốn: Người thèm, kẻ chê (16/09/2011)

>   Trắng tay vì giải chấp! (15/09/2011)

>   DongABank và Agribank bị NHNN "sờ gáy" do vượt trần lãi suất (15/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật