Hạ lãi suất, ngân hàng vẫn là kênh hút vốn
|
TS. Phạm Huy Hùng |
TS. Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Công Thương Việt Nam - VietinBank (HOSE: CTG) cho rằng, việc hạ lãi suất không khiến tiền chảy ra khỏi ngân hàng như lo ngại. Đồng thời, việc thực hiện nghiêm trần lãi suất sẽ khiến lãi suất hạ nhanh từ nay đến năm 2012.
Thưa ông, việc thực hiện nghiêm trần lãi suất huy động với tiền đồng và ngoại tệ hiện nay có khiến tiền chảy ra khỏi hệ thống ngân hàng, tìm tới các kênh đầu tư khác?
Việc áp trần lãi suất là cần thiết, góp phần vào ổn định hoạt động ngân hàng và cũng không ảnh hưởng đến tính thanh khoản của ngân hàng. Đối với CTG đến hết 8 tháng/2011, tổng nguồn vốn huy động vẫn đạt mức tăng trưởng 13%, đầu tư tín dụng tăng trưởng 16%. Lãi suất ở thị trường liên ngân hàng cũng chỉ dao động từ 11-12%. Dòng tiền trong những tháng cuối năm được dự báo là sẽ tiếp tục được chảy về ngân hàng là do hiện nay thị trường chứng khoán thanh khoản thấp, dòng vốn vào thị trường này là khá khó khăn do các ngân hàng vẫn đang kiểm soát và khống chế cho vay chứng khoán. Thị trường nhà đất đóng băng, giá vàng đang rất cao, liên tục biến động và đang có xu hướng giảm. Người dân cũng không thể để tiền “chết” trong nhà, do đó, nhà đầu tư nắm giữ tài sản nhàn rỗi sẽ cân nhắc rất kỹ nên đầu tư vào đâu và ngân hàng vẫn sẽ là kênh hút vốn ổn định.
Lãi suất huy động tiền đồng 14% hiện nay là thực âm, điều này có thực sự hấp dẫn người gửi?
Lãi suất huy động phải thực dương chỉ đúng trong điều kiện bình thường. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, khủng hoảng nợ công diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, sản xuất kinh doanh ở hầu hết các ngành tại Việt Nam đều gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà đòi hỏi lãi suất huy động phải cao hơn mức lạm phát 18-20% là không hợp lý. Không DN nào chịu đựng được mức lãi suất cho vay như vậy. Thực tế thời gian vừa qua đã chứng minh, không phải DN không thể tiếp cận được vốn mà nguyên nhân chủ yếu là do lãi suất cao cộng với chi phí đầu vào đều lên giá dẫn đến khả năng sinh lời thấp nên rất ít DN dám mạo hiểm vay vốn để đầu tư kinh doanh. Do đó, trong bối cảnh khó khăn, mỗi tổ chức, cá nhân đều phải chia sẻ gánh nặng và khi tất cả các ngân hàng đều đồng thuận với lãi suất như hiện nay thì người gửi tiền vẫn phải đưa tiền đến ngân hàng.
Tuy lãi suất đầu vào đã hạ nhưng lãi suất cho vay vẫn được duy trì ở mức cao tại nhiều ngân hàng, tại sao lại như vậy, thưa ông?
Từ ngày 7/9 trở về trước, hầu hết nguồn vốn mà các ngân hàng thương mại huy động được ở mức lãi suất cao, thậm chí có đơn vị phải huy động với mức 18 -20% nên độ trễ của chính sách có thể sẽ kéo dài khoảng 3 tháng, thậm chí có những ngân hàng khoảng thời gian này có thể tới 6-7 tháng. Bởi vậy, khi lãi suất huy động xuống mức 14%/năm thì các ngân hàng cũng không thể hạ lãi suất cho vay xuống ngay mức 16%/năm. Tuy nhiên có thể khẳng định từ nay đến hết năm và sang năm 2012, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục hạ nhanh nếu giữ được trần lãi suất huy động như hiện nay.
Hiện tỷ lệ nợ xấu tại nhiều ngân hàng đang ở mức báo động, có ngân hàng lên tới hơn 6%. Tại CTG, tỷ lệ nợ xấu là bao nhiêu, tập trung ở khu vực nào?
Nợ xấu của CTG, tính theo chuẩn quốc tế là trên 2%, tập trung ở khối DN tư nhân. Tỷ lệ này không đáng lo vì dự phòng rủi ro của CTG đang ở mức gấp đôi số nợ xấu. CTG hoàn toàn có khả năng xóa hết số nợ xấu mà còn dư tiền. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng, an toàn, hiệu quả, ngân hàng sẽ tiếp tục cơ cấu lại danh mục cho vay, thúc đẩy hoạt động bán lẻ, tập trung hướng vào các DN nhỏ và vừa có tình hình tài chính lành mạnh, hoạt động hiệu quả, có tín nhiệm. Đặc biệt, ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng diện cho vay ưu đãi như cho vay thu mua lương thực tạm trữ ở đồng bằng miền Tây Nam Bộ, lãi suất chỉ 13,5%/năm; các ngành sản xuất chế biến thủy hải sản xuất khẩu, cho DN nhỏ và vừa hoạt động trong ngành công nghiệp phụ trợ vay với lãi suất 15-16%/năm. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngân hàng sẽ tích cực rà soát để giảm tỷ lệ nợ xấu, quyết tâm đến cuối năm, nợ xấu của ngân hàng sẽ xuống dưới 1%.
Hà Tâm
ĐẦU TƯ
|