Lãi suất huy động giảm, gửi tiền ngân hàng nào?
Trước thời điểm 7/9, khi các ngân hàng đều vượt trần lãi suất quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 14%/năm, nhiều chuyên gia ngân hàng khuyến nghị, ngân hàng nào trả lãi suất cao thì khách hàng nên gửi.
Tuy nhiên, sau khi NHNN ra Chỉ thị 02 chấn chỉnh thực hiện quy định mức lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam về đúng 14%/năm và đô la Mỹ là 2%/năm đối với các tổ chức tín dụng, tất cả các ngân hàng đã thực hiện nghiêm trần lãi suất, đặc biệt sau khi NHNN xử phạt nặng một vài ngân hàng vi phạm. Với một mặt bằng lãi suất chung 14%/năm hiện tại, người dân nên gửi tiền tại ngân hàng nào?
Ông Phùng Duy Khương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Hàng hải (MSB) nói: “Lãi suất được đưa về một mẫu số chung, các tổ chức tín dụng sẽ có một sân chơi công bằng, lành mạnh. Chính lúc này, chất lượng dịch vụ sẽ trở thành yếu tố then chốt trong việc thu hút khách hàng”. Nhưng trên thực tế, việc nâng cao chất lượng phục vụ, dịch vụ, phát triển sản phẩm, thương hiệu của ngân hàng… không còn là câu chuyện mới.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại tuyên bố đã và sẽ khai trương một loạt điểm giao dịch chuẩn, với thiết kế mang định hướng “Tất cả vì khách hàng”. Điểm giao dịch chuẩn sẽ dành không gian nhiều nhất cho khách hàng, thay vì dành cho các nhân viên giao dịch vốn rất phổ biến tại Việt Nam . Khách hàng khi đến được chào đón và chỉ dẫn tới các vị trí giao dịch cần thiết, được tư vấn chu đáo bởi đội ngũ nhân viên và giao dịch viên chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, khu vực giao dịch tự động 24/7 với ATM, Internet Banking được bố trí ngay lối vào điểm giao dịch, giúp khách hàng chủ động giao dịch mà không cần phải vào quầy.
Tuy nhiên, khi nhiều ngân hàng trong nước tuyên bố đẩy mạnh hiện thực hóa câu chuyện này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng nhận định, đó là “cái khó ló cái khôn”. Khi các ngân hàng không thể cạnh tranh với nhau bằng lãi suất thì đây là một “chiêu bài” được các ngân hàng sử dụng nhằm nâng cao uy tín của ngân hàng mình để người dân biết đến, nghe đến và đến gửi tiền.
Khảo sát của ĐTCK cho thấy, lượng tiền huy động tại một số ngân hàng hiện bị rút ra tương đối, nên các nhân viên ngân hàng đang có “chiêu” giữ khách bằng cách đưa lãi suất tiền gửi kỳ hạn tuần lên 14%/năm. Theo đó, nếu khách hàng gửi 100 triệu đồng cho kỳ hạn 1 tháng với lãi suất 14%/năm, cuối kỳ khách hàng sẽ nhận được 1,166 triệu đồng tiền lãi, còn nếu gửi theo kỳ hạn tuần thì sau 1 tháng sẽ nhận được tiền lãi cao hơn, xấp xỉ 1,172 triệu đồng. Đặc biệt, có ngân hàng đã đẩy lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 14%/năm.
“Thực tế, khoản chênh lệch tiền lãi trên là không đáng kể, nhưng đối với người gửi tiền, đó là khoản lợi nhuận chính đáng. Đặc biệt, khách hàng đỡ thiệt về quyền lợi hơn trong trường hợp rút tiết kiệm trước hạn. Khách hàng nên lắng nghe sự tư vấn của nhân viên ngân hàng để có quyết định phù hợp”, ông Phạm Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank) nói.
Bên cạnh việc người gửi tiền chọn một ngân hàng uy tín, nhiều sản phẩm dịch vụ, phong cách hiện đại, chuyên nghiệp, phục vụ ân cần chu đáo…, thì khoảng cách địa lý từ nhà đến ngân hàng gần nhất cũng sẽ là một ưu thế cho những ngân hàng “địa phương”.
Thủy Nguyên
Đầu tư chứng khoán
|