Thứ Năm, 22/09/2011 15:22

Kịch bản nào cho MSN?

Kinh doanh hiệu quả, CP liên tục tăng giá, Masan (MSN) đang trở thành CP “nóng” nhất trên TTCK. Mặc dù vậy, tìm kiếm lợi nhuận đối với CP này trong giai đoạn hiện nay không đơn giản.

Nâng tầm ảnh hưởng

Từ khi chào sàn vào tháng 11-2009 đến nay, mã MSN chưa bao giờ được đánh giá cao ở yếu tố thanh khoản, thường chỉ có vài chục nghìn CP giao dịch mỗi phiên xen kẽ một vài giai đoạn vượt mốc trăm nghìn. Từ cuối tháng 4 cho đến đầu tháng 6-2010, MSN có một đợt sóng tăng khá mạnh, từ 4.0 lên 5.5 bất chấp thị trường chung lúc đó điều chỉnh giảm, đây được xem là đợt “lấy số” đầu tiên của CP này với thị trường.

Nhiều NĐT cảm thấy tiếc khi trước đây không đầu tư vào MSN. Nhưng hãy cẩn trọng khi đụng với “lửa”.

Một NĐT VIP nhớ lại, hồi đó có nghe ngóng tin tức từ nguồn đáng tin cậy rằng MSN sẽ tăng, nhưng không dám theo vì CP này thanh khoản quá kém, mua sợ bán ra không được.

Cuối tháng 8-2011, MSN tiếp tục tăng giá từ 9.6 lên gần gần 16.0, kèm theo KLGD tăng khá mạnh và đạt mức đỉnh và khớp lệnh vào ngày 16-9 với hơn 600.000 CP. Phiên đầu tuần này (19-9), MSN tăng giá từ 15.1 lên 15.4 với 4 triệu CP MSN được giao dịch thỏa thuận, nhưng trong 2 phiên tiếp theo CP này đã giảm giá và đóng cửa phiên hôm qua chỉ còn 14.3, thanh khoản trở về mức thấp.

Chuyện MSN tăng giá không gây nhiều ngạc nhiên cho những NĐT có kinh nghiệm, thậm chí có người còn nói đây là CP không có đỉnh. Tuy nhiên đã bắt đầu có sự thay đổi đáng kể về thành phần tham gia giao dịch CP này. Nên trước đây MSN chỉ dành cho các quỹ ETF (đầu tư theo chỉ số) của nước ngoài, nay NĐT cá nhân đã bắt đầu “kết” CP này.

Đã có một số nhân viên môi giới chia sẻ thông tin cho khách hàng của mình rằng MSN sẽ được đánh lên 16.0 từ cuối tháng 8 và thực tế gần đúng như vậy. Ở đây không bàn đến nguyên do vì sao những thông tin này chính xác (vì đôi khi chỉ là chuyện ngẫu nhiên), nhưng qua đây cũng thấy được sức hút của MSN đang lan tỏa trên phạm vi rộng hơn.

Bước đệm xả hàng?

Trở lại với 4 triệu MSN được giao dịch thỏa thuận. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin chính thức về bên mua, còn bên bán như đã biết là BI Private Equity New Markets II K/S (PENM II). Giả thiết được nhiều người nghĩ đến nhất là một quỹ ETF đã tiến hành mua vào MSN để tạo ra danh mục của mình có biến động giống với biến động của VN Index.

Nhưng khả năng mua MSN với mức giá 15.0-16.0 để đầu tư giá trị là điều không dễ xảy ra vì đây là mức giá khá “chát”. Chưa kể, MSN là một dạng công ty holdings, nắm giữ cổ phần các công ty trong các ngành nghề khác nhau, vì vậy nếu “kết” ngành nào, các tổ chức đầu tư có thể mua trực tiếp cổ phần của công ty đó.

Một giả thiết khác cũng đáng được xem xét là việc PENM II đang tạo ra bước đệm cho việc xả hàng MSN. Bởi tổ chức này đang là cổ đông nội bộ của MSN với tỷ lệ sở hữu khoảng 9,7%, giao dịch đều phải công bố thông tin. Bên cạnh đó, việc bán ra một CP có ảnh hưởng lớn đến VN Index cũng gây tâm lý không tốt cho NĐT và có thể dẫn đến việc bán không được giá.

Vì vậy, việc “gửi nhờ” 4 triệu CP ở một cá nhân, quỹ nào đó, để sau đó có thể xả hàng ra bên ngoài là một giải pháp hợp lý (bởi nếu quỹ này bán ra với lượng CP này không cần công bố thông tin). Ước tính 4 triệu CP này được PENM II mua với giá khoảng 3.5, như vậy nếu bán ở mức 15.0, số tiền lãi thu về cũng khoảng 460 tỷ đồng, đạt khoảng 22 triệu USD. Cũng cần nói thêm là các quỹ nước ngoài hiện nay ít nhiều chịu áp lực thu hồi tiền mặt, vì vậy chuyện PENM II tìm cách bán ra cũng không có gì lạ.

Khi MSN tăng lên 10.0, nhiều người đã cho rằng đây là mức giá rất phi lý và khó có thể tăng thêm nữa, rốt cuộc CP này đã tăng lên gần 16.0, vì vậy cũng không loại trừ khả năng CP này lại tiếp tục “phi” lên 20.0. Thực tế, từ mức giá 14.0-15.0 chỉ cần 6-8 phiên tăng trần, MSN đã đạt mức 20.0.

ThS. Đào Trung Kiên (Trường Đại học Kinh tế TPHCM) nhận định: “So với các CP có vốn hóa lớn khác, MSN có thể xem là ổn nhất vì không “dính” đến CK, bất động sản. Như vậy, dòng tiền của các tổ chức trong thời gian tới vẫn có thể ưu tiên chọn lựa CP này cho dù giá theo nhiều nhận định là khá “đắt”.

Như vậy, cơ hội sinh lời đối với MSN trong thời gian sắp tới vẫn còn, tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý đối với CP này. Đầu tiên là việc những ai đã lãi lớn với MSN có thể tiến hành xả hàng bất cứ lúc nào và nếu không cẩn thận NĐT có thể rơi vào cảnh mua đỉnh bán đáy”.

Hiện thị trường đang râm ran tin tồn về việc một số nhân viên của một CTCK đã mua gom MSN ở mức giá 10.0-12.0 và giờ đang ngồi “rung đùi” chờ bán. Những nhân viên này đã biết được thông tin về việc một ETF có thể tiến hành mua MSN trong thời gian này nên đã chủ động ra tay trước để đẩy giá.

Cũng cần nhắc lại trường hợp của VCB (Vietcombank), sau khi ngân hàng này tiến hành niêm yết toàn bộ CP của mình trên TTCK, đã có những lập luận rằng VCB sẽ phải tăng vì các ETF sẽ đẩy mạnh mua vào và đẩy giá lên. Nhưng rốt cuộc VCB chỉ tăng vài phiên rồi “xìu” và không ít NĐT đã phải ôm hàng.

Vì vậy, NĐT cá nhân nếu muốn mạo hiểm với những món “hàng nóng” như MSN cần đặc biệt cẩn trọng vì lúc nào cũng có thể có những người “đi trước” sẵn sàng xả hàng lên mình.

Thái Ca

SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH

Các tin tức khác

>   Khối ngoại ồ ạt xả hàng, KDC được gom mạnh 81 tỷ đồng (22/09/2011)

>   Giám sát doanh nghiệp niêm yết nhìn từ vụ DVD (22/09/2011)

>   Có tiền đầu tư vào đâu? (22/09/2011)

>   “Đánh thức” tài khoản nhà đầu tư (22/09/2011)

>   Chứng khoán bị đánh xuống mạnh: Ý đồ gì? (22/09/2011)

>   22/09: Bản tin 20 giờ qua (22/09/2011)

>   Chứng khoán: Coi chừng "trâu chậm uống nước đục" (21/09/2011)

>   Room của nước ngoài tại SSI đang cạn dần (21/09/2011)

>   Công ty chứng khoán ngoại chần chừ (21/09/2011)

>   NĐT tổ chức ít mặn mà với thị trường niêm yết (21/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật