Thứ Tư, 21/09/2011 14:00

Công ty chứng khoán ngoại chần chừ

Kể từ năm 2012, công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài sẽ được phép thành lập tại Việt Nam. Thế nhưng, các tổ chức nước ngoài dường như không mấy hào hứng với quy định này.

Tính đến nay, đã có khoảng 10 công ty chứng khoán có 49% vốn của các tập đoàn tài chính nước ngoài, chủ yếu là của các nước châu Á. Ngoài ra, còn có vài công ty mà đối tác nước ngoài nắm trên 10% cổ phần. “Mác” ngoại khiến nhà đầu tư mong chờ một sự thay da đổi thịt, ít nhất là ở chỉ tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhân tố ngoại đã không tạo ra được sự đột biến nào mà còn ngược lại. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong 2 quý đầu năm nay, trong số 102 công ty chứng khoán thành viên, có đến 50% bị lỗ nặng. Trong số các công ty bị lỗ, hầu hết đều có vốn của tổ chức nước ngoài. Những công ty lỗ lớn và liên tiếp trong 3 năm trở lại đây là Công ty Chứng khoán Vina (VinaSecurities), Công ty Chứng khoán Thành Công.

Cũng có những công ty chứng khoán biết tận dụng thế mạnh từ tập đoàn mẹ hoặc đối tác nước ngoài để tạo dấu ấn riêng, nhưng con số này không nhiều. Ví dụ, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HCM) lãi 2 quý đầu năm gần 90 tỉ đồng. Kim Eng Việt Nam (KEVS), Woori CBV dù lợi nhuận không cao nhưng chưa bao giờ lỗ kể từ khi vào Việt Nam.

Các công ty chứng khoán nước ngoài thường có lợi thế về thương hiệu, tiềm lực tài chính, hệ thống mạng lưới trên thế giới và nhân lực được đào tạo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, khi làm ăn tại Việt Nam, họ cũng chỉ tập trung vào một nghiệp vụ chính, vốn là ưu thế của mình. Ngay sau khi bắt tay với Chứng khoán Biển Việt vào cuối năm 2009, tập đoàn tài chính Hàn Quốc Woori đã giúp Woori CBV triển khai nghiệp vụ ngân hàng đầu tư tại Việt Nam. Tập đoàn Kim Eng thì hỗ trợ KEVS đẩy mạnh mảng môi giới.

Ông Oh Kyung Hee, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi vào Việt Nam sớm là vì cho rằng hệ thống khách hàng tại thị trường Việt Nam mới là yếu tố then chốt cho sự phát triển của một công ty chứng khoán”. Theo dự kiến, tập đoàn tài chính Hàn Quốc KIS sẽ nâng tỉ lệ sở hữu tại KIS Việt Nam lên 65% trong thời gian tới, khi thị trường chứng khoán hồi phục. Tuy nhiên, ông Hee cho biết đây không phải là bước đệm cho kế hoạch ra đời công ty chứng khoán có 100% vốn nước ngoài. “Chúng tôi không có kế hoạch này. Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là đưa KIS Việt Nam trở thành một trong những công ty chứng khoán dẫn đầu thị trường”, ông nói.

Một số tổ chức khác dường như cũng không mấy mặn mà với việc mở công ty chứng khoán 100% vốn ngoại. Ông Trần Nhật Huy, Phó Tổng Giám đốc Woori CBV, chỉ cho biết sắp tới Woori CBV sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn doanh nghiệp tại Việt Nam, còn dự định nâng tỉ lệ sở hữu hay thành lập công ty chứng khoán mới vẫn được bỏ ngỏ. “Do am hiểu thị trường trong nước, công ty chứng khoán trong nước vẫn là đối tác cần thiết giúp các tổ chức tài chính nước ngoài thâm nhập thị trường Việt Nam”, ông nhận xét.

Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Quỹ Dragon Capital, cũng cho biết Dragon Capital muốn phát triển Công ty Chứng khoán TP.HCM là chính và việc thành lập công ty chứng khoán mới không nằm trong kế hoạch của Quỹ. Hơn nữa, theo ông, việc nói (cho phép mở) và làm (hướng dẫn thực hiện) thường không thống nhất với nhau tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong khi đó, ông Andy Hồ, Giám đốc Điều hành Quỹ Đầu tư VinaCapital, từ chối tiết lộ tỉ lệ sở hữu của Quỹ tại VinaSecurities cũng như cơ cấu cổ đông tại công ty chứng khoán này. Ông cho biết VinaCapital chưa thấy cơ hội cho lĩnh vực chứng khoán trong thời gian tới vì triển vọng kinh tế không mấy sáng sủa. Đây có lẽ là một lý do khác khiến các tổ chức chưa muốn mở công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài.

Có thể thấy hiện nay, các đối tác nước ngoài nói trên chỉ muốn tập trung nâng cao thị phần, phát triển nghiệp vụ mà họ có ưu thế để cạnh tranh với công ty chứng khoán trong nước. Điều đó có nghĩa là làn sóng thành lập công ty chứng khoán 100% vốn ngoại vào đầu năm tới khó có khả năng diễn ra.

Ngọc Dương

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   NĐT tổ chức ít mặn mà với thị trường niêm yết (21/09/2011)

>   21/09: Bản tin 20 giờ qua (21/09/2011)

>   Ngày 20/09: Khối ngoại ”kiên trì” bán ròng VIC và HAG (20/09/2011)

>   Những hình thái tinh vi của bán khống (20/09/2011)

>   “Bắc thang” đi kiện… môi giới (20/09/2011)

>   20/09: Bản tin 20 giờ qua (20/09/2011)

>   Ngày 19/09: Khối ngoại trở lại mua ròng nhẹ 9.5 tỷ đồng  (19/09/2011)

>   TTCK cũng cần một “bàn tay sắt” (19/09/2011)

>   UBCK yêu cầu giải tỏa 16 tài khoản liên quan đến vụ làm giá DVD (19/09/2011)

>   Nhiều NĐT "điếc không sợ súng" (19/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật