Chứng khoán bị đánh xuống mạnh: Ý đồ gì?
Tại sao nhà tạo lập thị trường lại không kéo giằng dai chỉ số như hồi tháng 4-5/2011 hoặc tháng 6-7/2011 để tiếp tục xả hàng? Nếu không nhằm mục tiêu tiếp tục xả hàng, họ nhắm đến ý đồ gì khi đánh mạnh chỉ số xuống?
Vào phiên giao dịch ngày 20/9/2011, hiện tượng đáng lo ngại là chỉ số HNX giảm mạnh trên 2%, tạo nên mẫu hình đồ thị suy giảm dốc đứng như chúng tôi đã từng giả định trong nhận định đầu tuần này. Tuy không hẳn hiển hiện tình trạng bán tháo cổ phiếu, song lực cầu cũng chẳng mấy hào hứng bắt đáy. Độ giảm sút thanh khoản qua các phiên càng làm cho tình thế trở nên tệ hại hơn,
Như vậy sau một phiên "phản ứng kỹ thuật", mà thực chất là được đánh lên bởi lực cầu tổ chức, thị trường đã lại rơi vào xu thế giảm, với đáy sau của HNX thấp hơn đáy trước.
Mẫu hình đồ thị vừa dốc đứng vừa tạo đáy thấp dần như thế không báo hiệu điều gì tốt lành. Với phiên giảm ngày 20/9, đã có thể xác định chắc chắn thị trường nằm trong xu thế suy giảm chứ không phải là điều chỉnh tạm thời để tiếp nối đà đi lên từ giữa tháng 8/2011.
Một chiến thuật cũ lại được nhà tạo lập thị trường sử dụng, khi tạo ra độ chênh lệch về tỷ lệ giảm giữa hai chỉ số VNI và HNX, với sự "đương nhiên" là HNX phải giảm nhiều hơn. Trong quá khứ, cách giảm lệch pha như vậy đã được vận dụng khá nhiều lần. Từ tháng 7-11/2010, chỉ số VNI chỉ giảm vừa phải, nhưng "ưu tiên" cho HNX lao dốc. Còn trong năm 2011, cứ mỗi khi chỉ số HNX có vẻ không muốn giảm sâu hơn nữa, VNI lại được kéo mạnh xuống bởi các cổ phiếu MSN, BVH, VIC và cuối cùng cũng tạo hiệu ứng cộng hưởng đối với HNX.
Vấn đề còn lại là các chỉ số chứng khoán sẽ đi về nơi đâu trong con sóng giảm này. Cho tới giờ, chỉ còn một hy vọng, dù khá mỏng manh, là chỉ số HNX sẽ được "giữ" ở một tỷ lệ giảm không quá lớn, hay nói cách khác là nó không phá đáy cũ 65 điểm. Nếu trường hợp này xảy ra và sau đó thị trường tăng trở lại, có thể sẽ gần tương tự với mô hình tăng răng cưa với các chu kỳ xen kẽ của thị trường trong giai đoạn từ tháng 2-4/2010.
Tuy nhiên, cần lưu ý là trong giai đoạn đó, hai chỉ số VNI và HNX trước đó đã có đường biểu diễn giảm gần như đồng dạng, ít nhất cũng có ý nghĩa về tính công bằng.
Còn hiện thời, sự công bằng vẫn là điều xa xỉ trong mối quan hệ giữa VNI và HNX. Trong nhiều đánh giá trước đây, chúng tôi vẫn thiên về quan điểm chỉ khi nào tỷ lệ tăng cũng như giảm của hai chỉ số mang tính đồng điệu, đồng pha thì khi đó thị trường mới mang tính thực chất, mới có hy vọng cho một chu kỳ phục hồi bền vững.
Còn với sự bất công vẫn tồn tại hiển nhiên giữa hai chỉ số chứng khoán, một giả thuyết đang ngày càng gần gũi với thị trường hiện nay là nếu như sắp tới đồ thị chỉ số HNX thật sự tạo nên một đường giảm thẳng đứng và HNX mất đến 20%, nếu không nói là có thể nhiều hơn, thì sao?
Nếu khả năng trên xảy ra, vấn đề mà chúng tôi đã nêu trong nhận định cuối tuần trước và đầu tuần này sẽ có cơ sở: thị trường chứng khoán vẫn còn nguyên tính bi kịch của nó trong ngắn hạn và có thể trong cả trung hạn. Việc thị trường được đánh lên trong con sóng gần đây nhất chỉ nhằm phục vụ cho ý đồ thoát hàng của một số tổ chức lớn.
Nhưng còn ý đồ thực sự của nhà tạo lập trường là gì khi đánh mạnh chỉ số xuống?
Ngay trước mắt, niềm tin của nhà đầu tư nhỏ lẻ bị tái đổ vỡ. Niềm tin này, vừa được nhen nhóm trở lại cách đây không quá lâu, đã lại phải chịu một thử thách cay đắng. Điều trớ trêu là thử thách ấy lại xuất hiện trong những điều kiện khá thuận lợi về vĩ mô. Lạm phát đang trên đà chững lại. Một số doanh nghiệp bắt đầu tìm được hơi thở hồi sinh sau thời kỳ ngắc ngoải. Lãi suất huy động đang chắc chắn được áp trần 14% và do vậy sẽ "ép" một lượng tiền đồng khỏi khu vực ngân hàng, tìm đến những kênh đầu tư hấp dẫn hơn.
Chứng khoán, nếu thể hiện được vẻ quyến rũ của nó thì chắc chắn không ít tiền sẽ được thảy vào thị trường này. Vào trung tuần tháng 9/2011, Công ty chứng khoán Thăng Long đã tỏ ra khá lạc quan khi đánh giá về hiện tượng dòng tiền chuyển sang kênh chứng khoán, tuy chưa có những xác nhận cụ thể về giá trị.
Nhưng nếu chính TTCK từ chối được hưởng lợi từ tiền tiết kiệm thì sự thể sẽ ra sao? Có lẽ khó ai có thể hình dung ra việc thị trường tự nguyện chối bỏ chất dinh dưỡng nuôi sống nó. Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Sự hoảng loạn phần nào của bên bán trong những phiên giảm vừa qua đã khiến nhà đầu tư trở về dĩ vãng đầy sợ hãi, cái dĩ vãng mà họ đã rên rỉ não nuột, kêu gào sự cứu vớt từ các cơ quan nhà nước và cả từ... định mệnh.
Tâm trạng sợ hãi của nhà đầu tư nhỏ lẻ - được đúc kết bởi triền miên thời gian bào mòn cảm xúc và nỗi ám ảnh bởi cái chết gặm nhấm - sẽ lại một lần nữa khủng hoảng trước màu đỏ không lối thoát của thị trường. Có thể gọi đó là sự kiệt quệ về tinh thần mà sẽ khiến cho tỷ lệ tài khoản chết lại trở về trạng thái trước đây - 80%.
Dòng tiền tiết kiệm từ ngân hàng vì thế cũng sẽ chịu chung sự lây lan trong những ám ảnh hoảng sợ, không còn dám rụt rè thò cổ vào cái lưỡi hái thần chết đang chực chờ trong thị trường nữa. Những ngân hàng nhỏ cũng vì thế mà có thể bớt lo lắng hơn khi vốn huy động của họ vẫn có thể được bảo toàn một cách yên ấm mà không còn bị cái TTCK mê hoặc kia dụ dỗ.
Nhìn ngược lên vùng đỉnh, TTCK dường như đang hành xử theo cái cách "một bước tiến, ba bước lùi". Sau phiên giảm mạnh ngày 20/9, có thể còn tiếp 1-2 phiên giảm nữa. Rồi lại tăng điểm theo kiểu "phục hồi kỹ thuật". Rồi lại giảm tiếp... Cứ thế, cho đến khi nào nhà đầu tư lại phải la làng lên thì nhà tạo lập thị trường mới chịu thôi hành hạ họ.
Những công ty chứng khoán đã dự đoán 65 điểm là đáy của chỉ số HNX, hoặc dự báo thị trường sẽ có một đợt tăng mạnh đến hết năm nay bởi lãi suất giảm..., sẽ có dịp để nhìn lại vấn đề một cách thấu đáo hơn. Đánh xuống để gom hàng thì luôn luôn có thể, nhưng đánh xuống thẳng đứng thì chẳng có lợi cho tổ chức nào nếu họ muốn xả hàng.
Tại sao nhà tạo lập thị trường lại không kéo giằng dai chỉ số như hồi tháng 4-5/2011 hoặc tháng 6-7/2011 để tiếp tục xả hàng? Nếu không nhằm mục tiêu tiếp tục xả hàng, họ đang nhắm đến ý đồ gì? Dòng tiền rời bỏ ngân hàng, nếu không vào chứng khoán, sẽ tìm đến kênh nào?
Ý đồ gì? Đó là cái chốt của bài toán giải quyết vận mạng của TTCK trong trung hạn.
Việt Thắng
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|