Giám sát doanh nghiệp niêm yết nhìn từ vụ DVD
Sau hàng loạt vi phạm của doanh nghiệp niêm yết, một lần nữa, câu chuyện giám sát và xử lý các vi phạm trên thị trường chứng khoán lại được đặt ra với nhiều nỗi lo.
Ngày 20/9/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông báo không tìm được trụ sở của Công ty Cổ phần Dược Viễn Đông (DVD). Phát hiện này có được là nhờ bưu điện trả lại công văn xử phạt vi phạm công bố thông tin đối với DVD mà cơ quan quản lý đã gửi đi từ trước đó nửa tháng (ngày 6/9/2011), với lý do: không tìm được địa chỉ để gửi.
Ngay sau đó, Ủy ban cũng đã cử cán bộ đến tận trụ sở DVD tại số nhà 411 Huỳnh Văn Bánh, phường 11, quận Phú Nhuận, Tp.HCM và xác nhận doanh nghiệp này không còn hoạt động tại trụ sở này, và điện thoại của công ty cũng không liên lạc được.
Trước đó một năm, câu chuyện của SQC cũng khiến cho thị trường không khỏi ngạc nhiên khi công ty này đã ngừng sản xuất vài tháng thì Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán mới biết thông qua báo chí.
Chuyện doanh nghiệp niêm yết chây ỳ khi thực hiện các nghĩa vụ công bố thông tin theo quy định, rồi “qua mặt” cả cơ quan quản lý khiến cho dự luận không khỏi e ngại về quy trình giám sát doanh nghiệp của cơ quan quản lý. Ủy ban Chứng khoán đã giám sát và thẩm định các thông tin mà doanh nghiệp công bố ra sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm với những vi phạm của doanh nghiệp?
Bà Vũ Thị Kim Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán thừa nhận, Ủy ban không thể biết hết mọi diễn biến tại các doanh nghiệp niêm yết. Nguồn thông tin của Ủy ban trước hết từ trách nhiệm công bố thông tin của doanh nghiệp, sau đó là qua các nhà đầu tư, phương tiện truyền thông. Sau khi có thông tin bất thường, Ủy ban có yêu cầu công ty giải trình. Nhà đầu tư cũng phải có trách nhiệm với công ty mà mình đầu tư và đó cũng là tai mắt của Ủy ban để cùng giám sát doanh nghiệp.
Dù rằng, cũng theo khẳng định của đại diện Ủy ban Chứng khoán, việc giám sát đã tuân theo “quy trình chặt chẽ”. “Đơn cử như việc giám sát các giao dịch của nhà đầu tư trên thị trường. Đầu tiên là việc giám sát hàng ngày trên sở giao dịch chứng khoán, qua các hệ thống giao dịch có hệ thống cảnh báo phát hiện ra các dấu hiệu có nghi vấn, bất thường, sở giao dịch chứng khoán chuyển lên Ủy ban Chứng khoán qua Vụ Giám sát thị trường, có phân tích kiểm tra sâu và có dấu hiệu vi phạm để chuyển sang thanh tra Ủy ban Chứng khoán để có thể tiến hành thanh tra xử lý vi phạm”, bà Vũ Thị Chân Phương, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Ủy ban Chứng khoán) nói.
Về lâu dài, giải pháp mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang làm là nâng cao khả năng quản trị của doanh nghiệp. Đó là đưa ra quy trình mới về quyền, nghĩa vụ của từng thành viên hội đồng quản trị, gia tăng quyền giám sát của cổ đông. Theo thông lệ quốc tế, để giám sát doanh nghiệp một cách chặt nhất chỉ có thể là cổ đông. Do đó phải tạo cơ chế để họ tự giám sát, tự bảo vệ mình.
Theo đại diện Ủy ban Chứng khoán, quy trình giám sát của cơ quan này chủ yếu dựa trên công bố thông tin của các công ty. Hàng năm Ủy ban thực hiện các đợt kiểm tra định kỳ dựa theo hai tiêu chí: ngẫu nhiên và chọn mẫu. Các công ty có vấn đề về báo cáo tài chính, công ty kiểm toán đưa các điểm ngoại trừ thì sẽ dễ phát hiện được khi kiểm tra.
“Riêng với trường hợp của DVD, cá nhân tôi là người làm trực tiếp, nếu nhìn vào báo cáo tài chính, chưa nhận được đơn khiếu kiện thì chưa thấy DVD có vấn đề. Nhưng ngay khi nhận được đơn tố cáo, cho dù là nặc danh, chúng tôi vẫn tiến hành rà soát, cử đoàn kiểm tra xuống tận doanh nghiệp để xem xét và vụ việc được phát hiện, cơ quan chức năng vào cuộc”, ông Bùi Hoàng Hải, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý phát hành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nói.
Nói về cơ chế giám sát, thanh tra kiểm tra, xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán, bà Vũ Thị Chân Phương cho biết: hiện có rất nhiều đối tượng, các thành viên trên thị trường mà Ủy ban phải giám sát như: các giao dịch bất thường của nhà đầu tư hàng ngày, giám sát tình hình công bố thông tin quản trị công ty của tổ chức niêm yết, giám sát tình hình công bố thông tin của công ty đại chúng giám sát việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức trung gian trên thị trường, như: các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Đối tượng quản lý, giám sát thì rất rộng, gồm: 1.600 công ty đại chúng và công ty niêm yết, 105 công ty chứng khoán, 47 công ty quản lý quỹ và gần 2 triệu nhà đầu tư.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán thừa nhận, hiện nay có khá nhiều các tổ chức niêm yết chậm công bố thông tin tình hình tài chính và đưa ra rất nhiều lý do. Tuy nhiên theo quy định, cơ quan quản lý chỉ chấp nhận lý do chậm công bố thông tin báo cáo tài chính trong những trường hợp bất khả kháng (thiên tai, hỏa hoạn...). Tất cả những lý do không thỏa đáng như: thay đổi nhân sự, xa xôi, hỏng phần mềm... Ủy ban đều không chấp nhận.
Liên quan đến vấn đề giám sát các công ty niêm yết mà báo cáo tình hình tài chính trong thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán vừa có công văn yêu cầu hai sở giao dịch chứng khoán tăng cường công tác giám sát việc công bố thông tin.
Hoàng Xuân
TBKTVN
|