Đòi lại Thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột: Ngoại giao trước, khởi kiện sau
Ngày 21-9, ông Trần Hiếu - phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - cho biết đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học - công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an và Hiệp hội Cà phê - ca cao VN đề nghị giúp đỡ tỉnh tác động bằng con đường ngoại giao để yêu cầu phía doanh nghiệp Trung Quốc hủy bỏ văn bằng nhãn hiệu “Buôn Ma Thuột” được bảo hộ số bằng 7970830 và phản đối cấp đơn đăng ký bảo hộ logo “Buon Ma Thuot Coffee-1896”.
Nếu không thành công mới tính đến phương án kiện để đòi lại thương hiệu. Đến nay UBND tỉnh vẫn đang chờ ý kiến tư vấn từ các bộ, ngành nêu trên.
Từ năm 2005, tỉnh Đắk Lắk đã xác lập hồ sơ bảo hộ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột và được Cục Sở hữu trí tuệ VN cấp chứng nhận đăng bạ công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Hiện tỉnh Đắk Lắk đã có tám doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân robusta, với tổng diện tích trên 8.852ha. Cùng ngày, một lãnh đạo Sở Khoa học - công nghệ tỉnh Đắk Lắk cho biết qua vụ việc này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ưu tiên bảo hộ cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk tại các thị trường ưu tiên là EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Canada, Anh, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc...
* UBND tỉnh Đắk Lắk cũng vừa có công văn đề nghị Bộ Công thương cho Công ty chế biến cà phê Man - Buôn Ma Thuột (Dakman) trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Đây là liên doanh giữa Công ty Ed&F Man Vietnam Holdings BV Vương quốc Anh với Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (tỉ lệ góp vốn 66,4% và 33,6%). Ngoài Dakman còn có năm doanh nghiệp kinh doanh, chế biến cà phê có vốn đầu tư nước ngoài có giấy phép kinh doanh tại Đắk Lắk. Đến nay các doanh nghiệp này đã mua khoảng 50% tổng sản lượng cà phê toàn tỉnh.
TR.TÂN
tuổi trẻ
|