Kinh nghiệm từ ngành mía đường Thái Lan
Tại Thái Lan, cơ chế phân chia thu nhập trong ngành mía đường được xác lập vào năm 1982, tạo tiền đề cho việc ban hành đạo luật về mía đường năm 1984, trao quyền cho chính phủ trong việc ban hành và điều chỉnh các quy định về thương lượng giữa người trồng mía và các nhà máy.
Hàng năm chính phủ có nhiệm vụ xác định mức giá đường tiêu thụ cố định ở thị trường nội địa và thường cao hơn so với mức giá xuất khẩu. Cơ chế cố định mức giá tiêu thụ nội địa ở mức cao không những giúp gia tăng thu nhập cho người trồng mía và nhà máy mía đường mà còn góp phần giảm tốc độ tiêu thụ đường trong nước, gia tăng lượng đường thặng dư để xuất khẩu.
Luật mía đường 1984 quy định giá trị kinh tế phân chia giữa nhà máy và nông dân được căn cứ trên chữ đường (CCS) của cây mía, được đo lường bởi cơ quan độc lập là Hệ thống Mía đường thương mại Thái Lan. Tỷ lệ phân chia lợi nhuận được áp dụng hiện nay là 70:30, trong đó 70% của tổng thu nhập ròng từ bán đường và mật rỉ sẽ thuộc về người trồng mía và 30% còn lại là của nhà máy.
Cơ chế phân chia lợi nhuận được căn cứ trên mức giá cơ sở ban đầu nhà máy chi trả cho nông dân (được chính phủ xác định hàng năm trên cơ sở thỏa thuận với người trồng mía, các nhà máy mía đường và diễn biến giá đường thế giới) và giá đường bình quân mùa vụ. Nếu mức giá cuối mùa cao hơn mức giá đầu mùa, phần thu nhập bổ sung sẽ được chi trả cho nông dân; nếu giá cuối mùa thấp hơn thì chính phủ sẽ trợ cấp cho các nhà máy theo các mức khác nhau từ Quỹ Hỗ trợ và Phát triển ngành mía đường. Quỹ này được thành lập bằng cách trích 1-2% từ hệ thống phân chia thu nhập hàng năm.
Mặc dù còn một số điểm chưa hoàn hảo, nhưng hệ thống phân chia lợi nhuận tỏ ra rất hiệu quả trong việc giải quyết mâu thuẫn giữa nhà máy và người trồng mía và đóng góp rất lớn trong việc đưa Thái Lan trở thành quốc gia xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, việc thiếu hành lang pháp lý và cơ chế giám sát từ Chính phủ trong việc phân chia lợi nhuận là một trong những nguyên nhân nổi bật gây ra tình trạng thiếu liên kết giữa người trồng mía và nhà máy đường. Cho đến nay, giá mua mía nguyên liệu vẫn chưa được quy định cụ thể. Nhà nước chỉ khuyến cáo giá mua mía nhưng không có cơ quan nào đứng ra kiểm tra, giám sát nên nông dân thường bị chèn ép.
Do đó, Chính phủ cần phải sớm xây dựng cơ chế phân chia lợi nhuận hợp lý nhằm khuyến khích nông dân và nhà máy hợp tác. Các nhà máy khi đã đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định sẽ hướng tới quy mô sản xuất công nghiệp hiện đại, gia tăng thêm lợi ích kinh tế cho toàn ngành. Ngoài ra, việc nghiên cứu hình thành quỹ mía đường cũng cần thiết nhằm hạn chế các cú sốc về giá do diễn biến giá hàng hóa thế giới gây ra.
Bên cạnh đó, cũng có thể tham khảo những kinh nghiệm của Thái Lan trong việc tham gia các hoạt động nghiên cứu và phát triển giống mía, cơ giới hóa nền nông nghiệp, ngăn ngừa dịch bệnh và mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng bộ giống mía chuẩn phù hợp điều kiện từng vùng nguyên liệu… Được như thế, ngành mía đường Việt Nam sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn.
Nguyễn Quốc Huân, SacomInvest
TBKTSG
|