Các nhà máy đường ĐBSCL bắt đầu hoạt động
Diện tích và năng suất mía đều tăng. Các nhà máy cam kết sẽ mua hết mía cho nông dân
Ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) cho biết, đến ngày 25 và 26/9 tới, các nhà máy đường tại địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Vị Thanh, Long Mỹ ( tỉnh Hậu Giang) và tỉnh Cà Mau chính thức hoạt động ép mía. Riêng các nhà máy đường khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sau ngày 10/10 sẽ hoạt động đồng loạt. Giá sàn được Hiệp hội mía đường thống nhất áp dụng mới đây là 1.000 đồng/kg (loại mía 10 chữ đường, mua tại rẫy).
Theo ông Nguyễn Thanh Long, vụ mía năm nay, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 50.000 ha, tăng 1.500 ha so vụ trước. Năng suất bình quân trên 80 tấn/ha (cao hơn năng suất bình quân của cả nước khoảng 20 tấn/ha). Trong đó, nhiều địa phương như Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau năng suất đạt khoảng 90 - 100 tấn/ha… Cá biệt, ở Hậu Giang nhiều nông dân trồng mía đạt năng suất 200 tấn/ha.
Theo dự báo sản lượng mía năm nay cung ứng đủ mía cho các nhà máy mía đường ở Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động. Để tiêu thụ hết mía đường cho nông dân trong vụ mía này ông Nguyễn Thành Long – Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng Giám đốc công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ cam kết: “Nguyên tắc của Casuco và các nhà máy đường ở Đồng bằng sông Cửu Long là mua bằng hết số mía cho bà con. Nếu mía còn thì Casuco sẽ thể hiện vai trò đầu tàu của mình, đứng ra mua hết mía của dân…"./.
Hữu Trãi
VOV
|